Theo trang Asiatimes, siêu dự án “Power of Siberia 2” (Sức mạnh Siberia 2) sẽ chuyển hướng khí đốt khai thác từ Siberia, lẽ ra tới châu Âu, sang Trung Quốc và đi ngang qua lãnh thổ có độ cao lớn của cao nguyên Mông Cổ.
Thủ tướng Mông Cổ Oyun-Erdene Luvsannamsrai cho biết nghiên cứu khả thi của đường ống dẫn khí đốt "Sức mạnh của Siberia 2" đã hoàn thành và việc xây dựng sẽ bắt đầu vào năm 2024.
Tờ Moscow Times đưa tin, đường ống này sẽ lần đầu tiên cung cấp khí đốt chuyển hướng khỏi châu Âu từ các mỏ ở phía Tây Siberia tới Trung Quốc, dự kiến đi vào hoạt động từ nam 2030.
Đường ống mới có thể vận chuyển 50 tỉ mét khối khí đốt hàng năm từ Nga đến Trung Quốc, đánh dấu sự gia tăng mạnh mẽ so với công suất 38 tỉ mét khối/năm của đường ống “Power of Siberia” (Sức mạnh Siberia), đã đi vào hoạt động từ tháng 12/2019. Công suất đó lớn hơn nhiều so với tổng lượng khí đốt mà Nga đang xuất khẩu mỗi năm sang Đức, khoảng 35 tỉ mét khối.
Tờ Moscow Times dẫn lời các giám đốc điều hành ngành năng lượng cho biết họ hy vọng thời gian thi công đường ống Siberia 2 sẽ tăng tốc khi quan hệ giữa Moskva với phương Tây đi xuống.
Truyền thông Trung Quốc từng bình luận rằng việc Nga đưa đường ống mới đi qua Mông Cổ là một “ý tưởng kỳ lạ”. Nhưng một số nhà bình luận Trung Quốc phỏng đoán động thái này nhằm ngăn Mông Cổ ngả về phía Mỹ, trong khi những người khác nói rằng Nga đang đề phòng ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc đối với khu vực Viễn Đông.
Đường đi của hệ thống đường ống này đã được thảo luận trong nhiều năm, với hai lộ trình thay thế bao gồm một tuyến đi vào Trung Quốc trực tiếp từ vùng Viễn Đông - Nga, và một tuyến kết nối với khu vực Tân Cương ở tây bắc Trung Quốc.
Hai tháng sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014, tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) đã ký hợp đồng cung cấp khí đốt trong 30 năm, trị giá 400 tỉ USD.
Trong khi đó, các nước châu Âu đã áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga, bao gồm cả ngành năng lượng, mặc dù đến nay châu Âu vẫn tiếp nhận xuất khẩu năng lượng của Nga. Đầu tuần này, Gazprom tuyên bố với khách hàng châu Âu rằng họ không thể đảm bảo nguồn cung khí đốt trong tương lai do những trường hợp “bất thường”.
Đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng và suy thoái kinh tế, EU đang tăng cường chuyển sang sử dụng khí đốt hóa lỏng (LNG) của Mỹ. Gần đây, lần đầu tiên châu Âu đã nhận được nhiều LNG do Mỹ vận chuyển hơn là khí đốt từ đường ống của Nga. EU dự định sẽ ngừng sử dụng nhiên liệu hóa thạch của Nga vào năm 2027.
Đường ống dẫn khí đốt đầu tiên giữa Nga và Trung Quốc, “Power of Siberia”, bắt đầu hoạt động vào tháng 12/2019. Đường ống này dài 3.000 km kết nối mỏ khí đốt Kovykta ở Siberia - Nga với Bắc Kinh qua Hắc Hà ở tỉnh Hắc Long Giang, đông bắc Trung Quốc.
Xuất khẩu khí đốt của Nga sang Trung Quốc thông qua “Sức mạnh Siberia” đã tiếp tục tăng về khối lượng, tăng 63,4% trong sáu tháng đầu năm nay – theo Gazprom công bố ngày 15/7.
Năm 2019, Nga và Mông Cổ cũng đã ký một biên bản ghi nhớ để nghiên cứu tính khả thi của dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt Trung-Nga mới, “Power of Siberia 2”, xuyên Mông Cổ. Biên bản ghi nhớ cho biết đường ống dẫn khí đốt mới dài 2.600 km sẽ bắt đầu hoạt động vào năm 2030.
Năm 2020, Nga cung cấp 4,1 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên cho Trung Quốc thông qua đường ống “Sức mạnh Siberia”. Tuy nhiên, khối lượng đó dự kiến sẽ lên 38 tỷ mét khối vào năm 2023, tăng đáng kể vào thời điểm nhiều nước châu Âu đang đa dạng hóa nguồn cung để thay thế nhiên liệu của Nga. Điều này thúc đẩy Moskva hướng về phương Đông thay vì phương Tây, với các khách hàng chủ chốt là Trung Quốc và Ấn Độ.
Ngày 15/6, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết trong một cuộc điện đàm rằng cả hai nước sẽ thúc đẩy sự phát triển ổn định và lâu dài của quan hệ hợp tác song phương thiết thực. Điều đó cũng có nghĩa là Nga sẽ bán dầu và khí đốt cho Trung Quốc nhiều hơn.
Tuy nhiên, một số bài bình luận trên phương tiện truyền thông Trung Quốc đã nhấn mạnh về việc Nga để “Sức mạnh Siberia 2” đi qua Mông Cổ. Một bài báo có tiêu đề “Nga kiên quyết để đường ống khí đốt mới đi qua Mông Cổ đến Trung Quốc. Ý định của họ là gì? " đã được lưu truyền rộng rãi trên các trang mạng Trung Quốc vào tháng 12 năm ngoái.
Bài báo cho biết trước năm 2014, Trung Quốc đã đề xuất mua khí đốt của Nga ngang bằng với giá mà nước này phải trả cho các nước Trung Á nhưng Moskva yêu cầu một mức giá cao hơn, gần với mức mà các nước châu Âu phải trả. Nga chỉ sẵn sàng thực hiện một thỏa thuận với Trung Quốc sau khi nước này bị phương Tây trừng phạt liên quan đến cuộc sáp nhập Crimea.
Bài báo trên cho rằng lý do duy nhất để Nga đặt đường ống mới qua Mông Cổ, chấp nhận chia sẻ lợi nhuận với bên thứ ba, là để ngăn Mông Cổ ngả về phía Mỹ cũng như kiểm soát ảnh hưởng ngày càng lớn của Bắc Kinh ở vùng Viễn Đông Nga.