Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), các nhà lãnh đạo EU sẽ tham gia một hội nghị thượng đỉnh tổ chức tại Versailles (Pháp) trong hai ngày 10-11/3 để thảo luận về chính sách quốc phòng chung. Tại hội nghị, họ cũng sẽ nhất trí loại bỏ dần sự phụ thuộc của EU đối với khí đốt, dầu và than đá nhập khẩu từ Nga.
Tuy nhiên, đây được đánh giá là một nhiệm vụ đầy thách thức khi Nga cung cấp gần 40% nhu cầu khí đốt và 33% nhu cầu dầu của châu Âu.
Những lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung năng lượng đã thúc đẩy các nước châu Âu trì hoãn thỏa thuận từ bỏ than đá trong khi nhanh chóng tìm hướng sử dụng năng lượng sạch thay thế.
Tháng trước, Thủ tướng Italy Mario Draghi tuyên bố nước này có thể mở lại một số nhà máy nhiệt điện than nhằm thu hẹp khoảng cách nguồn cung năng lượng và giảm sự phụ thuộc vào Nga. Chính phủ Ba Lan cũng đã tiếp cận Australia để tìm nguồn than thay thế.
Tại Đức, với cam kết trước đó sẽ ngưng sử dụng toàn bộ nhà máy nhiệt điện than trước năm 2038, các cục trưởng kinh tế của 16 bang đã kêu gọi gia hạn thời gian hoạt động đối với nhà máy nhiệt điện than và hạt nhân. Phó Thủ tướng Đức kiêm Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck cho biết các nhà máy than nhiệt điện có thể hoạt động sau năm 2030.
Michaela Holl, một nhà nghiên cứu cấp cao tại viện chiến lược Agora Energiewende của Đức, tiết lộ một vài quốc gia EU đang thảo luận về việc làm chậm tiến độ giải trừ than đá.
“Điều này có thể khiến lượng khí thải từ các nhà máy than nhiệt điện giảm chậm hơn so với kỳ vọng… nhưng nó sẽ không ảnh hưởng đến tham vọng về khí hậu của Châu Âu vì Hệ thống Thương mại Khí thải EU đã đặt ra ngưỡng giới hạn khí thải tuyệt đối trong ngành này”, chuyên gia Holl nhận xét.
Lauri Myllyvirta, nhà phân tích tại Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch ở Helsinki, cho biết có khả năng cuộc khủng hoảng Ukraine sẽ làm tăng lượng khí thải từ các nhà máy than nhiệt điện trong một hoặc hai năm tới, nhưng sau đó, quá trình loại bỏ các nhà máy điện sử dụng than sẽ diễn ra nhanh hơn dự kiến.
“Tác động từ cuộc xung đột và các lệnh trừng phạt đối với thị trường khí đốt đã làm tăng giá đáng kể… Điều này đồng nghĩa với việc sản xuất điện đang chuyển từ khí sang than, làm tăng lượng khí thải trong ngắn hạn”, vị chuyên gia cho hay.
Giá khí đốt ở châu Âu đã đạt mức cao nhất trong lịch sử vào ngày 7/3 do ảnh hưởng từ xung đột tại Ukraine. Giá dầu và các mặt hàng khác cũng tăng vọt khi Mỹ cho biết họ sẵn sàng cấm nhập khẩu dầu của Nga.
Tuy nhiên, ông Myllyvirta nói thêm chiến dịch quân sự của Nga đã tạo ra một quyết tâm mới ở châu Âu nhằm cắt giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu khí đốt Nga trong tương lai. Đây cũng là một hướng đi phù hợp với mục tiêu giải trừ cacbon của châu Âu. “Đức đã công bố mục tiêu đạt 80% điện năng tái tạo vào năm 2030 và 100% vào năm 2035, điều này có nghĩa là việc sản xuất điện từ than và khí đốt bị loại bỏ hoàn toàn”, chuyên gia Myllyvirta chỉ ra.
EU đặt mục tiêu giảm 55% lượng khí thải carbon dioxide vào năm 2030 và trở thành khu vực không carbon vào năm 2050. Để đạt được các mục tiêu về khí hậu, EU cần giảm sử dụng và nhập khẩu khí đốt, than đá.
“Xung đột Ukraine đã đặt ra những câu hỏi liên quan đến vấn đề nhập khẩu năng lượng từ Nga và những gì các nhà hoạch định chính sách cần làm để cắt giảm chúng”, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IAE) cho biết trong một báo cáo ngày 3/3 đề xuất 10 cách giảm sự phụ thuộc của EU đối với khí đốt tự nhiên Nga.
"Các biện pháp được thực thi trong năm nay có thể cắt giảm 1/3 lương khí đốt nhập khẩu từ Nga, với các lựa chọn bổ sung tạm thời để tăng cường mức cắt giảm này xuống hơn một nửa”, IAE lưu ý.