Phát biểu với phóng viên, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết vấn đề này đã được đề cập trong cuộc thảo luận trực tuyến ngày 7/3 giữa ông Biden và các nhà lãnh đạo của Đức, Pháp và Anh. Tuy nhiên, mỗi nước có năng lực cũng như trữ lượng khác nhau và Washington chưa đưa ra quyết định vào thời điểm này.
Bà Psaki cũng cho biết, Washington nhận thấy cần phải xem xét lệnh cấm này từ góc độ riêng của từng nước thay vì áp dụng đồng bộ cùng các đồng minh, nhấn mạnh tình hình ở Liên minh châu Âu (EU) khác với Mỹ trong vấn đề năng lượng. Trong khi các nước châu Âu còn phụ thuộc lớn vào nguồn cung từ Nga thì Mỹ có những nguồn tự cung đáng kể. Quốc hội Mỹ hiện đang thảo luận về dự luật nhằm cấm nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt của Nga. Tuy nhiên, Tổng thống Biden được cho là không muốn gây rạn nứt với các đồng minh châu Âu khi đơn phương đưa ra lệnh cấm.
Sau cuộc họp trực tuyến, thông báo từ Mỹ và Pháp đều nêu rõ các nhà lãnh đạo gồm ông Biden, Tổng thống Pháp Emmmanuel Macron, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Thủ tướng Anh Boris Johnson đã nhất trí gia tăng sức ép nhằm cô lập Nga cả về kinh tế và chính trị. Tuy nhiên, thông báo từ Đức không đề cập các biện pháp trừng phạt mà chủ yếu nêu các quan ngại về cứu trợ nhân đạo.
Trước đó cùng ngày, Thủ tướng Đức Scholz cảnh báo lệnh cấm vận dầu mỏ và khí đốt xuất khẩu từ Nga có nguy cơ đẩy an ninh năng lượng của châu Âu vào vòng nguy hiểm. Trong một thông báo, ông Scholz nêu rõ hoạt động cung cấp năng lượng cho châu Âu để sưởi ấm, đi lại, sản xuất điện và công nghiệp không thể được đảm bảo bằng bất cứ cách nào khác trong lúc này. Do đó, năng lượng nhập khẩu từ Nga có tầm quan trọng thiết yếu đối với việc cung cấp cho các dịch vụ công cộng và đời sống hàng ngày của người dân.
Đây cũng là cảnh báo được Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đưa ra sau cuộc điện đàm với Thủ tướng Anh Johnson diễn ra cùng ngày. Thủ tướng Rutte nêu rõ thực tế châu Âu vẫn phụ thuộc vào dầu và khí đốt của Nga. Do đó, việc cấm các công ty châu Âu ngừng hợp tác với Nga ngay lập tức có thể gây ra những hậu quả to lớn cho châu lục, bao gồm Ukraine, và toàn thế giới. Người đứng đầu Chính phủ Hà Lan cũng khẳng định cần nhiều thời gian mới có thể giảm bớt phụ thuộc vào dầu và khí đốt từ Nga.
Trong diễn biến liên quan, ngày 7/3, Bộ trưởng Chuyển đổi sinh thái Italy Roberto Cingolani cho biết nước này có khả năng thay thế khoảng một nửa số khí đốt nhập khẩu từ Nga bằng các nguồn khác vào giữa năm nay. Italy đã tăng cường nỗ lực tìm kiếm các nguồn cung khí đốt thay thế, với việc Ngoại trưởng Luigi Di Maio đã tới thăm Algeria và Qatar. Khí đốt nhập khẩu là nguồn cung cấp 90% nhu cầu khí đốt của Italy và trong năm 2021, khí đốt của Nga chiếm khoảng 40% tổng lượng nhập khẩu.