Nền kinh tế Sri Lanka có thể sẽ suy giảm hơn 6% trong năm nay do bất ổn chính trị và bất ổn xã hội ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán về cứu trợ tài chính với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Thông tin trên đã được Thống đốc Ngân hàng Trung ương nước này đưa ra khi trả lời phỏng vấn phóng viên tờ The Wall Street Journal.
IMF hy vọng tình trạng bất ổn ở Sri Lanka sẽ sớm được giải quyết để các cuộc đàm phán cứu trợ có thể được nối lại. Các cuộc đàm phán chính thức về một chương trình cho vay mới dành cho Sri Lanka bắt đầu vào tháng trước song đã bị đình trệ do biến động chính trị dẫn đến việc Tổng thống nước này Gotabaya Rajapaksa từ chức.
Người phát ngôn của IMF, ông Gerry Rice, cho biết IMF quan ngại sâu sắc về tác động của cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại Sri Lanka đối với người dân nước này, đặc biệt là đối với những người nghèo và nhóm dễ bị tổn thương. IMF đang theo dõi sát sao diễn biến tại Sri Lanka đồng thời hy vọng sẽ có một giải pháp giải quyết tình hình hiện tại để cho phép nối lại đàm phán về chương trình viện trợ.
Sri Lanka đã trải qua nhiều tháng thiếu lương thực và nhiên liệu, mất điện kéo dài và lạm phát phi mã, sau khi cạn kiệt ngoại tệ không nhập khẩu được các mặt hàng thiết yếu, dẫn tới một cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có. Giá cả các mặt hàng thiết yếu nhất tại Sri Lanka đã tăng gấp 3 lần trong những tháng gần đây.
Tình hình trên dẫn đến các cuộc biểu tình ở nước này kéo dài suốt nhiều tháng, buộc nhà lãnh đạo Gotabaya Rajapaksa phải từ chức Tổng thống và rời khỏi đất nước. Sau đó, Thủ tướng Ranil Wickremesinghe đã tuyên thệ nhậm chức quyền Tổng thống thay ông Gotabaya Rajapaksa.