Giữa khủng hoảng lạm phát, EU cân nhắc cắt viện trợ tài chính cho Ukraine

Ủy ban châu Âu (EC) đã tạm giữ lại các khoản viện trợ do lo ngại về nền kinh tế khu vực.  

Chú thích ảnh
Ảnh minh hoạ - Bloomberg

Bloomberg ngày 15/7 trích dẫn một số nguồn thạo tin cho biết các khoản viện trợ tài chính mà Liên minh châu Âu (EU) cam kết gửi cho Ukraine đã bị trì hoãn do lo ngại về những khó khăn kinh tế của chính khối này, cũng như bất đồng nội bộ ở Brussels. 

Hồi tháng 3, EC đã đề xuất khoản vay trị giá 9 tỷ euro cho Kiev, được các chính phủ thành viên EU hỗ trợ đảm bảo. Tuy nhiên, cho đến nay EU mới chỉ đồng ý về đợt đầu tiên trị giá 1 tỷ euro được công bố hôm 12/7. 

Theo Bloomberg, động thái trì hoãn trên xảy ra khi Đức cố gắng thuyết phục EU cung cấp các khoản tài trợ không hoàn lại thông qua Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thay vì cho Kiev vay.

Một quan chức Đức được dẫn lời cho biết Berlin không muốn chịu gánh nặng bảo lãnh các khoản vay của Ukraine và đã yêu cầu các thành viên khác cùng tham gia. 

Ngoài ra, có thông tin cho rằng một khoản vay 1,5 tỷ euro của Ngân hàng Đầu tư châu Âu là cũng bị chặn lại vì cần thêm quốc gia đứng ra bảo lãnh.

Thông tin này xuất hiện trong bối cảnh EU đang phải vật lộn với lạm phát tăng cao. Đức đặc biệt lo ngại rằng các lệnh trừng phạt và căng thẳng với Nga có thể buộc Moskva phải cắt dòng chảy khí đốt sang châu Âu và điều này có thể làm tê liệt nền kinh tế Đức.

Chính phủ Đức nhiều lần cảnh báo rằng kịch bản trên sẽ làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp và nghèo đói trong khu vực. Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck trả lời tạp chí Der Spiegel vào tháng trước rằng tình trạng thiếu nhiên liệu sẽ là thảm họa đối với nhiều ngành kinh doanh.

Hôm 15/7, Thủ tướng Hungary Viktor Orban cũng bày tỏ quan điểm tương tự. Ông cho rằng với việc áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm Moskva, nền kinh tế châu Âu đã “tự bắn vào lá phổi của mình".

Theo Bloomberg, khoảng 1/3 trong số 27 quốc gia thành viên đã cảnh báo tại cuộc họp của các bộ trưởng tài chính EU ngày 12/7 rằng cần hỗ trợ thêm cho các nhóm dễ bị tổn thương nhất trong khối bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng đang diễn ra.

Một quan chức EU được trích lời cho biết ông Paolo Gentiloni, ủy viên kinh tế của khối, đã nói với các đồng nghiệp tại một cuộc họp kín rằng chính phủ các quốc gia cần tránh nguy cơ gây sức ép cho người dân châu Âu.

Các nước phương Tây đã áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt sâu rộng đối với Nga sau khi nước này đưa quân đến Ukraine vào cuối tháng 2. Tháng trước, nhóm bảy nền kinh tế lớn nhất (G-7) đã cam kết hỗ trợ Kiev trong thời gian cần thiết.

Hoàng Trang/Báo Tin tức (Theo RT)
Nhân lực ngành công nghệ rời Nga trong 'làn sóng thứ 2' giữa cuộc chiến Ukraine
Nhân lực ngành công nghệ rời Nga trong 'làn sóng thứ 2' giữa cuộc chiến Ukraine

Một làn sóng gồm nhiều nhân lực ngành công nghệ, doanh nhân, được cho là đang chạy khỏi đất nước khi cuộc chiến tiếp tục diễn ra ác liệt tại Ukraine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN