Từ nhiều tháng nay, anh Vladimir, 37 tuổi, một giám đốc khởi nghiệp công nghệ, đã chuẩn bị các thủ tục giấy tờ và sắp xếp mọi việc để chuyển đến Pháp. Thủ tục xin thị thực trước đây tương đối dễ dàng nay lại trở nên phức tạp, nhưng người đàn ông 37 tuổi này tự tin rằng việc đưa gia đình và nhân viên của anh rời khỏi Nga là đúng đắn.
“Một mặt, thật thoải mái khi sống ở đất nước nơi mình sinh ra. Nhưng mặt khác, đó là sự an toàn của gia đình”, Vladimir nói với kênh CNBC qua cuộc gọi video từ văn phòng của anh ở Moskva.
Đối với Vladimir, quyết định rời bỏ quê hương “không được thực hiện trong một ngày”. Nhưng cuộc chiến của Nga ở Ukraine đã đưa Vladimir đi đến quyết định cuối cùng. Anh lo ngại tình hình trong nước sẽ xấu đi trong một hoặc hai năm nữa.
Đại sứ quán Nga tại London và Bộ Ngoại giao Nga đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của CNBC về vấn đề này.
"Làn sóng di cư thứ hai"
Vladimir là một phần của cái mà anh coi là "làn sóng di cư thứ hai" của Nga sau khi chiến tranh Ukraine bùng nổ. Làn sóng này bao gồm những người mất nhiều thời gian hơn để chuẩn bị rời khỏi đất nước, như những người đang vận hành doanh nghiệp hoặc gia đình muốn chờ con cái kết thúc năm học rồi mới rời đi.
Khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra ngày 24/2, cùng với hàng triệu người Ukraine phải rời bỏ nhà cửa, quê hương, cuộc sống của một số người Nga cũng thay đổi.
Làn sóng đầu tiên rời đất nước gồm các nghệ sĩ, nhà báo đối lập và những người khác cảm thấy họ phải rời khỏi đất nước ngay lập tức. Sau đó khi chiến tranh diễn ra, thêm nhiều người Nga quyết định thu dọn đồ đạc và rời đi.
“Cách thức hoạt động của việc di cư là một khi dòng chảy bắt đầu và mọi người bắt đầu tìm ra cách để làm mọi thứ - mua căn hộ, xin tị nạn, tìm việc làm hoặc bắt đầu kinh doanh - điều đó sẽ thúc đẩy nhiều người khác rời đi”, Jeanne Batalova, nhà phân tích chính sách cấp cao thuộc Viện Chính sách Di cư (trụ sở ở Washington, Mỹ), cho biết.
Không có dữ liệu cụ thể về số lượng người Nga đã rời khỏi đất nước kể từ khi bắt đầu chiến tranh. Tuy nhiên, một nhà kinh tế Nga đã đưa ra con số 200.000 tính đến giữa tháng 3. Theo chuyên gia Batalova, con số này hiện nay có thể sẽ cao hơn nhiều khi hàng chục nghìn người Nga đã chuyển đến Thổ Nhĩ Kỳ, Gruzia, Armenia, Israel, các nước Baltic và xa hơn nữa.
Chỉ riêng trong lĩnh vực công nghệ, ước tính có khoảng 50.000 - 70.000 chuyên gia đã rời Nga trong tháng đầu tiên của cuộc chiến, và dự kiến có thêm 70.000 - 100.000 người nữa sau đó - theo một tổ chức thương mại trong ngành công nghiệp công nghệ thông tin của Nga.
Một số nhà sáng lập doanh nghiệp khởi nghiệp như Vladimir, người điều hành một dịch vụ phần mềm cho các nhà hàng, đã quyết định chuyển doanh nghiệp và nhân viên ra nước ngoài, lựa chọn các quốc gia có khả năng tiếp cận vốn cao như Pháp, Anh, Tây Ban Nha và Síp. Vladimir đang đưa vợ và đứa con ở tuổi đi học, cùng với nhóm cộng sự bốn người và gia đình của họ, đến Paris.
Cuộc rời đi của họ diễn ra trong làn sóng nhiều nhân viên ngành công nghệ Nga đổ xô đến các quốc gia dễ cấp thị thực như Indonesia, Thái Lan và Thổ Nhĩ Kỳ.
Mikhail Mizhinsky, người sáng lập Relocode, một công ty hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ chuyển địa điểm, cho biết nhóm các nhân viên ngành công nghệ trong các công ty IT lớn của Nga, phải đối mặt với một tình huống đặc biệt khó khăn. Nhiều người nhận được tối hậu thư từ các khách hàng nước ngoài đã ngừng kinh doanh với Nga. Họ phải cân nhắc giữa chi phí sống thấp ở Bulgaria, ảnh hưởng của Nga ở Serbia và lợi ích về thuế ở Armenia.
Ông Mizhinsky nói: “Hầu hết họ không nhất thiết muốn rời khỏi Nga, quê hương của họ. Tuy nhiên, mặt khác họ lại có những khách hàng mua các sản phẩm và dịch vụ CNTT thuê ngoài, những người đã yêu cầu họ rời đi. Nhiều người nhận được thư từ khách hàng nói sẽ chấm dứt hợp đồng nếu họ không rời Nga”.
Công nghệ chỉ là một trong số các ngành dịch vụ chuyên nghiệp đã chứng kiến sự "chảy máu" các nhân lực ngành công nghệ, kinh doanh khỏi các thành phố lớn của Nga, khi điều kiện kinh doanh ngày càng kém đi.
Scott Antel, một luật sư đã có gần hai thập kỷ làm việc tại Moskva, cho đến nay đã giúp 5 người bạn chuyển từ Nga đến Dubai. Antel cho biết: “Bạn đang thấy một cuộc chảy máu chất xám lớn."
Giữ thái độ trung lập về mặt chính trị trong bối cảnh các lệnh trừng phạt quốc tế, tiểu vương quốc Dubai đã nổi lên là một điểm đến được những người giàu có ở Nga lựa chọn. Nhiều người Nga giàu có đã tới đây đầu tư vào thị trường bất động sản cao cấp.
Trên thực tế, khoảng 15.000 triệu phú dự kiến sẽ rời Nga trong năm nay, theo một báo cáo tháng 6 từ công ty đầu tư Henley & Partners có trụ sở tại London. Trong đó, Dubai là địa điểm đến hàng đầu của giới siêu giàu.
Sự thận trọng của các nước chủ nhà
Làn sóng di cư thứ hai đang diễn ra trong bối cảnh có báo cáo cho rằng một số người di cư trước đó rời khỏi Nga đã trở về nhà, vì mối quan hệ gia đình và kinh doanh, cũng như gặp những khó khăn do hạn chế đi lại và các lệnh trừng phạt ngân hàng.
Tuy nhiên, chuyên gia Batalova cho rằng những cuộc hồi hương như vậy sẽ chỉ diễn ra trong thời gian ngắn. Bà nói: “Tôi cá là cuộc di cư khỏi Nga sẽ tiếp tục, và khi mọi người quay trở lại, họ sẽ bán tài sản, nhà cửa, và sau đó lại rời đi”. Tuy vậy, vẫn còn nhiều câu hỏi về việc tiếp nhận người Nga di cư ở các nước sở tại.
Quả thật, một số nước chủ nhà lo ngại họ có thể trở thành mục tiêu cho hành động quân sự của Nga trong tương lai. Theo bà Batalova, các quốc gia như Gruzia, Armenia và các nước vùng Baltic có thể sẽ đặc biệt lo lắng.
Tuy vậy, Vladimir vẫn không nản lòng. Anh đang hy vọng về một khởi đầu mới bên ngoài nước Nga.