Theo tờ Pravda, ông Budanov được nhìn nhận như người điều hành các đường dây đặc biệt của Ukraine tại Nga và đã được trao tặng "Huân chương Dũng cảm" của Ukraine cho các hoạt động không được tiết lộ.
Vào năm 2020, ông Budanov được bổ nhiệm làm Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng Ukraine (GUR) khi mới 34 tuổi.
Một người thân cận với ông Budanov tiết lộ với tờ The Washington Post của Mỹ rằng đã có ít nhất 10 vụ ám sát nhằm vào nhân vật này. Năm 2019, một quả bom được đặt dưới gầm ô tô của ông Budanov nhưng đã phát nổ sớm.
Hiện nay, ông Budanov vẫn là một mục tiêu nhắm tới của phía Nga bởi sau vụ tấn công cầu Crimea hồi đầu tháng 10/2022, Moskva đã chỉ đích danh cơ quan tình báo Ukraine là “tác giả, người thực hiện, người đặt hàng” hành vi tấn công khủng bố nhằm phá hủy cơ sở hạ tầng cực kì quan trọng của nước Nga.
Tuy nhiên, khi trả lời phỏng vấn tờ The Washington Post ngày 31/1, ông Budanov đã từ chối xác nhận lực lượng đặc biệt của Ukraine đứng sau, chịu trách nhiệm cho các cuộc tấn công nhằm vào cầu Crimea hồi tháng 10/2022 và nhằm vào các sân bay quân sự ở sâu bên trong lãnh thổ Nga hồi tháng 12/2022.
Dẫu vậy, ông Budanov đã cảnh báo rằng sẽ còn có nhiều cuộc tấn công kiểu đó và Nga sẽ tiếp tục gặp “vấn đề” cho đến khi nước này rút khỏi Ukraine và khôi phục toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.
Đài RT của Nga dẫn trả lời phỏng vấn tờ The Washington Post của người đứng đầu Cơ quan Tình báo quốc phòng Ukraine cho biết thêm, Kiev hiện có người gài chất nổ trên lãnh thổ Nga, đồng thời ám chỉ về khả năng xảy ra một chuỗi tấn công khủng bố ở nước này trong thời gian tới.
Ông Budanov nói: “Có người gài chất nổ. Có máy bay không người lái. Cho đến khi sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine được khôi phục, sẽ có những vấn đề bên trong nước Nga” và “điều này phá vỡ ảo tưởng về sự an toàn của họ”.
Ông Budanov cũng cảnh báo tới Điện Kremlin rằng có những cộng tác viên người Ukraine ở giữa họ và họ là “những người rất dễ làm việc cùng”, được Kiev tích cực hỗ trợ.
Ông Budanov tiếp tục nhấn mạnh rằng Ukraine phải “làm mọi cách để đảm bảo rằng Crimea sẽ trở về nhà vào mùa hè” và bác bỏ những ý kiến cho rằng Moskva có thể sử dụng vũ khí hạt nhân nếu quân đội của Kiev tiến đến bán đảo này.
Về phía Nga, sau khi tờ New York Times của Mỹ đăng tải thông tin nói rằng các quan chức Mỹ đang ngày càng nghiêng về ý tưởng giúp Kiev tấn công bán đảo Crimea, ngày 19/1, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cảnh báo Ukraine tấn công Crimea là hành động "cực kỳ nguy hiểm"
"Nó có nghĩa là đưa cuộc xung đột lên một tầm cao mới và điều đó sẽ không tốt cho an ninh toàn cầu cũng như toàn châu Âu", ông Peskov nhấn mạnh.
Nga sáp nhập bán đảo Crimea sau cuộc trưng cầu dân ý năm 2014.
Mỹ, phương Tây và Ukraine gọi động thái này là bất hợp pháp, Kiev cũng nhiều lần tuyên bố sẽ giành lại Crimea.
Từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào ngày 24/2/2022, bán đảo Crimea nhiều lần bị máy bay không người lái (UAV) tấn công.