Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói về vai trò của Mỹ trong xung đột ở Ukraine

Bắc Kinh tuyên bố không khoanh tay nhìn Mỹ làm tổn hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các công ty Trung Quốc và nói rằng Washington nên ngừng gửi vũ khí nếu muốn cuộc xung đột ở Ukraine chấm dứt.

 

Chú thích ảnh
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ning. Ảnh: AP

Ngày 30/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ning đã đáp trả một báo cáo rằng Mỹ có bằng chứng cho thấy một số công ty thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc có thể giúp đỡ cuộc chiến của Nga ở Ukraine, đồng thời nhấn mạnh Washington nên ngừng gửi vũ khí nếu muốn cuộc xung đột ở Ukraine chấm dứt.

Theo hãng tin Bloomberg, phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mao Ning nói rằng, Trung Quốc “không bao giờ đổ thêm dầu vào lửa, càng không lợi dụng khủng hoảng”. Mỹ mới là “người bắt đầu cuộc khủng hoảng Ukraine và là nhân tố lớn nhất thúc đẩy cuộc khủng hoảng ấy”.

Bà Mao Ning nói: “Thay vì phản ánh về hành động của chính mình, Mỹ đã gieo rắc sự hoang tưởng và chỉ trích Trung Quốc”.

“Chúng tôi phản đối hành vi tống tiền vô căn cứ như vậy và sẽ không khoanh tay nhìn Mỹ làm tổn hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các công ty Trung Quốc”, bà Mao Ning nhấn mạnh.

Trước đó vào ngày 25/1, Bloomberg News trích dẫn những nguồn tin quen thuộc với vấn đề cho biết sự hỗ trợ từ các công ty Trung Quốc, bao gồm hỗ trợ kinh tế và quân sự phi sát thương đã giúp (Moskva) tránh được toàn bộ các lệnh trừng phạt mà Mỹ và các đồng minh áp đặt (đối với Moskva) sau khi các lực lượng Nga tiến hành cuộc chiến toàn diện nhằm vào Ukraine khoảng một năm trước.

Mặc dù từ chối cung cấp chi tiết liên quan, nhưng nguồn tin cho biết xu hướng này đáng lo ngại đến mức các quan chức Mỹ đã nêu vấn đề với các đối tác Trung Quốc và cảnh báo về tác động của việc cung cấp hỗ trợ vật chất cho cuộc chiến (của Nga ở Ukraine).

Theo Bloomberg, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tránh chỉ trích Nga về cuộc xung đột ở Ukraine và đã đề nghị đóng một vai trò trong đàm phán hòa bình (giữa Nga và Ukraine). Ông Tập Cận Bình cũng đã lên tiếng phản đối việc sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc xung đột (ở Ukraine).

Liên quan tới việc Mỹ viện trợ cho Ukraine, ngày 19/1, Mỹ đã công bố gói viện trợ quân sự mới trị giá 2,5 tỷ USD cho Ukraine.

Thông báo của Lầu Năm Góc nêu rõ danh sách viện trợ bao gồm 90 xe thiết giáp chở quân Stryker, 59 xe chiến đấu bộ binh Bradley, hệ thống phòng không Avenger và đạn dược các loại.

Gói hỗ trợ mới nhất này đã nâng tổng viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine kể từ tháng 2/2022 lên hơn 26,7 tỷ USD.

Sau đó, vào ngày 25/1, Mỹ tuyên bố sẽ cung cấp 31 xe tăng M1 Abrams tiên tiến trong vài tháng tới cho Ukraine.

Những chiếc xe tăng chủ lực mạnh nhất của Mỹ sẽ được cung cấp cho Kiev thông qua quỹ Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine, cho phép chính quyền Tổng thống Biden mua vũ khí từ ngành công nghiệp nước này, thay vì lấy từ kho vũ khí hiện có của Mỹ.

Về phía Nga, Phó đặc phái viên của Nga tại Tổ chức An ninh và Hợp tác ở châu Âu (OSCE), Maksim Buyakevich, đã cảnh báo hôm 26/1 rằng việc trang bị cho quân đội Ukraine xe tăng phương Tây “là con đường thẳng dẫn đến một cuộc xung đột toàn diện ở châu Âu”.

Ngày 25/1, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh những chiếc xe tăng mà Đức và Mỹ cung cấp cho Ukraine sẽ “cháy” như những chiếc khác. Trước đó vào ngày 21/12/2022, ông Peskov cảnh báo việc các nước phương Tây tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine sẽ chỉ càng làm trầm trọng thêm cuộc xung đột hiện nay, không có lợi cho Ukraine.

Về phần mình, ngày 22/1, ông Vyacheslav Volodin, Chủ tịch Duma quốc gia (Hạ viện Nga) cảnh báo việc phương Tây cung cấp các vũ khí tấn công mới cho Ukraine sẽ dẫn đến "thảm họa toàn cầu".

Còn vào hôm 15/12/2022, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cảnh báo: "Chúng tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa rằng tất cả vũ khí phương Tây chuyển cho Ukraine đều là mục tiêu quân sự chính đáng cho quân đội Nga, hoặc sẽ bị phá hủy hoặc bị thu giữ như chúng tôi tuyên bố nhiều lần".

Thành Nam/Báo Tin tức
Nga cung cấp thêm bằng chứng về phòng thí nghiệm sinh học của Mỹ ở Ukraine
Nga cung cấp thêm bằng chứng về phòng thí nghiệm sinh học của Mỹ ở Ukraine

Theo Bộ Quốc phòng Nga, Quân đội Ukraine là một trong những đối tượng thử nghiệm cho các nghiên cứu được Lầu Năm Góc tài trợ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN