Ngày 15/4, quốc gia châu Âu này ghi nhận thêm 523 ca tử vong, giảm so với 567 ca của ngày trước đó. Như vậy, tính tới nay, Tây Ban Nha ghi nhận 18.579 ca tử vong do mắc COVID-19, trong khi tổng số người nhiễm bệnh là 177.633.
Cùng ngày, Đức ghi nhận thêm 285 ca tử vong do mắc COVID-19, đưa số ca tử vong tại nước này lên 3.254. Tổng số ca nhiễm tại nước này là 127.584, tăng 2.486 trường hợp so với ngày 14/4.
Nhật báo kinh doanh Handelsblatt của Đức cho biết chính phủ nước này sẽ gia hạn các biện pháp hạn chế đi lại, vốn được áp đặt vào tháng trước nhằm hạn chế sự lây lan của dịch COVID-19 ít nhất là đến ngày 3/5.
Theo báo trên, hiện Thủ tướng Đức Angela Merkel đang họp trực tuyến với các bộ trưởng và sau đó họp với lãnh đạo của 16 bang của Đức về việc liệu có nới lỏng các biện pháp hạn chế, vốn được áp đặt đến ngày 19/4, hay không.
Trong khi đó, Bộ Kinh tế Đức cho biết nước này đã rơi vào suy thoái kể từ tháng Ba, và tình trạng này có thể kéo dài tới giữa năm nay. Trong một tuyên bố, bộ trên nêu rõ nhu cầu toàn cầu sụt giảm, sự đứt gãy của các chuỗi cung ứng, cùng với sự thay đổi trong hoạt động của người tiêu dùng cũng như sự không chắc chắn của các nhà đầu tư khiến kim ngạch xuất khẩu của nền kinh tế lớn nhất châu Âu này giảm mạnh.
Đại dịch COVID-19 đã giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế Đức ngay khi nước này bắt đầu tiến trình phục hồi sau những tác động của các cuộc xung đột thương mại và những quan ngại về việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) trong năm 2019. Để hạn chế tác động đối với kinh tế, Berlin đã tung ra gói cứu trợ trị giá 1.100 tỷ euro. Thống kê cho thấy khoảng 725.000 công ty nước này đã nộp đơn xin hỗ trợ và số lao động bị ảnh hưởng có thể lên tới 2,1 triệu người, cao hơn nhiều so với mức 1,4 triệu người xin trợ cấp trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Cũng trong ngày 15/4, Nga ghi nhận thêm 3.388 ca mắc COVID-19, đưa tổng số người mắc bệnh lên 24.490. Tính tới nay, đã có 198 người tử vong do mắc COVID-19 tại Nga.
Để giúp cảnh sát có thêm công cụ thực thi nhiệm vụ, chính quyền thủ đô Moskva - nơi có nhiều người nhiễm virus SARS-CoV-2 nhất ở Nga, đã áp dụng việc cấp giấy phép đi lại, dù điều này có thể dẫn tới tình trạng tắc đường và nhiều người phải xếp hàng khi đi tàu điện ngầm. Cụ thể, từ ngày 15/4, mọi người dân Moskva đi lại bằng ô tô hoặc phương tiện công cộng đều phải trình giấy phép đi lại có mã QR hoặc dãy số chứng minh họ được phép đi lại. Cảnh sát giao thông cũng đã lập các chốt kiểm tra trên đường.
Với các ca mắc COVID-19 liên tục được ghi nhận, theo thống kê của hãng tin Pháp AFP, đến nay, châu Âu đã ghi nhận hơn 1 triệu người mắc bệnh. Đây cũng là châu lục bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19. Theo đó, hiện số ca mắc COVID-19 tại châu Âu là 1.003.284, trong đó có 84.465 người tử vong.