Trên toàn thế giới, số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 65.991.706 người. Hiện biến thể của virus SARS-CoV-2 đã lây lan ra 50 nước và vùng lãnh thổ.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với tổng số 23,3 triệu ca nhiễm, trong đó trên 390.000 ca tử vong sau khi ghi nhận số tử vong trong một ngày cao chưa từng thấy. Theo số liệu thống kê của trường Đại học Johns Hopkins, Mỹ đã ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 trong một ngày cao nhất từ trước đến nay với 4.470 ca. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, số ca tử vong trong vòng một ngày ở nước này vượt ngưỡng 4.000 ca. Cũng trong 24 giờ qua, Mỹ có thêm 235.000 ca nhiễm mới.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donal Trump đang cân nhắc quy định yêu cầu tất cả khách quốc tế dự định tới Mỹ phải có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 trước khi lên máy bay.
Tiếp theo trong danh sách các nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19 là Ấn Độ với trên 151.000 ca tử vong trong số trên 10,4 triệu ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với trên 204.000 ca tử vong trong số trên 8,1 triệu bệnh nhân.
Tại châu Á, tình hình dịch bệnh tại Hàn Quốc đã cải thiện rõ rệt trong bối cảnh số ca mắc mới ở nước này duy trì quanh mức 500 ca trong ngày thứ hai liên tiếp (13/2). Đây được xem là một dấu hiệu cho thấy việc chính phủ siết chặt các biện pháp giãn cách xã hội đã giúp làm chậm lại tốc độ phát triển của làn sóng thứ ba của đại dịch COVID-19 ở nước này sau khi lên tới đỉnh điểm.
Theo Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), nước này ghi nhận thêm 562 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua, trong đó có 536 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc tại đây lên 70.212 ca. Số ca tử vong tại Hàn Quốc tăng thêm 20 ca, lên 1.185 ca.
Tại Nhật Bản, ngày 13/1, Thủ tướng Suga Yoshihide đã quyết định mở rộng phạm vi áp dụng tình trạng khẩn cấp vì dịch COVID-19 đối với thêm 7 tỉnh, gồm tỉnh Aichi, Tochigi và Gifu ở miền Trung, Osaka, Hyogo và Kyoto ở phía Tây, và Fukuoka ở phía Nam. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh dịch COVID-19 đã lan rộng khắp cả nước và số người nhiễm virus SARS-CoV-2 ở nước này đã vượt ngưỡng 300.000 ca.
Trong khi đó, đài truyền hình NHK đưa tin các quan chức Chính phủ Nhật Bản dự định sẽ tạm dừng cấp phép nhập cảnh đối với những người đi lại vì mục đích công việc đến từ 11 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam. Điều này đồng nghĩa Nhật Bản sẽ không cấp phép nhập cảnh cho tất cả người nước ngoài.
Trước đó, ngày 28/12/2020, Nhật Bản đã tạm ngừng cấp phép nhập cảnh đối với công dân nước ngoài không sinh sống tại Nhật Bản nhằm khống chế dịch COVID-19, tuy nhiên vẫn tiếp tục cấp phép cho những người đi lại vì mục đích công việc đến từ 10 quốc gia và vùng lãnh thổ có thỏa thuận song phương, trong đó có Việt Nam.
Trung Quốc và Thái Lan cũng kêu gọi người dân tăng cường phòng, chống dịch. Cơ quan hàng không dân dụng Trung Quốc (CAAC) thông báo đình chỉ chuyến bay của hãng hàng không Air China và chuyến bay của hãng hàng không Pakistan International Airlines sau khi một số hành khách trên các chuyến bay gần đây của hai hãng này dương tính với virus SARS-CoV-2. Quyết định này có hiệu lực trong vòng 2 tuần, bắt đầu từ ngày 18/1.
Cùng ngày, Indonesia thông báo ghi nhận 11.278 ca mắc mới và 306 ca tử vong, mức cao nhất kể từ khi dịch bùng phát. Như vậy, cho tới nay, Indonesia đã có 858.043 ca mắc và 24.951 trường hợp tử vong.
Malaysia ngày 13/1 cũng cho biết buộc phải tái ban bố Lệnh hạn chế di chuyển (MCO) từ ngày 13 - 26/1 tại nhiều địa phương do Lệnh hạn chế di chuyển có điều kiện (CMCO) không thể mang lại hiệu quả mong muốn. Malaysia cùng ngày ghi nhận 2.985 ca nhiễm mới, trong đó 2 ca nhập cảnh, còn lại là lây nhiễm cộng động, nâng tổng số ca bệnh tại nước này lên 144.518 ca.
Tại châu Âu, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn nhận định nước này đang trải qua một trong những giai đoạn khó khăn nhất của đại dịch COVID-19 khi số ca nhiễm và tử vong mới vẫn ở mức quá cao. Dịch bệnh phức tạp khiến chính quyền thủ đô Berlin đã ban hành lệnh cấm rời khỏi nơi cư trú quá 15km do chỉ số lây nhiễm trong 7 ngày ở Berlin đã vượt 200 ca nhiễm mới/100.000 dân. Đức hiện ghi nhận tổng số 1.961.520 ca nhiễm, trong đó 43.431 ca tử vong do COVID-19.
Tây Ban Nha và Hà Lan cũng đã gia hạn các biện pháp phòng dịch. Chính phủ Tây Ban Nha xác nhận sẽ gia hạn lệnh hạn chế nhập cảnh đối với hành khách từ Anh đến ngày 2/2 tới. Tương tự, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte thông báo nước này sẽ gia hạn các biện pháp hạn chế đến ngày 9/2 tới trong bối cảnh số ca mắc mới tại nước này vẫn ở mức cao và chính phủ lo ngại về biến thể của virus SARS-CoV-2.
Trong khi đó, Chính phủ CH Ireland cho biết từ ngày 16/1 tới, tất cả những người muốn nhập cảnh vào nước này sẽ phải có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 sau khi nước này có tỷ lệ lây nhiễm ở mức cao nhất thế giới. Italy, Đan Mạch và Thụy Sĩ cũng tăng cường các biện pháp hạn chế.
Bộ trưởng Y tế Italy Roberto Speranza cho biết nước này sẽ gia hạn tình trạng khẩn cấp đang được áp đặt nhằm kiềm chế dịch bệnh lây lan đến cuối tháng 4 tới sau khi số ca nhiễm mới hiện nay không có dấu hiệu giảm xuống. Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen cho biết nước này sẽ kéo dài các biện pháp phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19. Trong khi đó, Thụy Sĩ thông báo áp đặt các biện pháp hạn chế mới nhằm giảm khả năng tiếp xúc giữa mọi người do lo ngại số ca nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gia tăng.
Tại châu Mỹ, Thủ tướng Canada Justin Trudeau thông báo sẽ duy trì đóng cửa biên giới giữa nước này và Mỹ đối với tất cả hoạt động đi lại không thiết yếu đến ngày 21/2 tới nhằm ngăn dịch bệnh COVID-19 lây lan. Phát biểu với báo giới, ông Trudeau xác nhận Canada sẽ gia hạn thêm 30 ngày các biện pháp kiểm soát biên giới với Mỹ hiện đang được áp dụng. Thủ tướng Trudeau lưu ý quyết định quan trọng này nhằm giúp đảm bảo an toàn cho người dân cả hai nước.
Tỉnh đông dân nhất Canada là Ontario cũng đã ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn tỉnh để hạn chế sự lây lan của dịch COVID-19. Ontario sẽ ở trong tình trạng khẩn cấp ít nhất 28 ngày. Đây là lần thứ hai Ontario ban bố tình trạng khẩn cấp kể từ khi đại dịch bùng phát.
Tại khu vực Trung Đông, số ca mắc COVID-19 trong ngày tại Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã lần đầu tiên vượt ngưỡng 3.000 ca/ngày trong tuần này. Bộ Y tế UAE tối 12/1 thông báo nước này đã ghi nhận 3.243 ca mắc mới. Đây là mức cao nhất trong vùng Vịnh khi mà 5 quốc gia khác cùng khu vực này chỉ ghi nhận dưới ngưỡng 500 ca/ngày.
Tại châu Phi, Bộ trưởng Y tế Tunisia Faouzi Mehdi thông báo chính phủ nước này quyết định áp dụng phong tỏa trên quy mô toàn quốc trong thời gian 4 ngày, từ ngày 14 - 17/1, cùng với lệnh giới nghiêm từ 16h chiều hôm trước đến 6h sáng hôm sau để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19. Tổng thống Malawi Lazarus Chakwera cũng tuyên bố tình trạng thảm họa quốc gia tại tất cả 28 huyện của nước này khi dịch bệnh COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 50 người và khiến trên 2.000 người mắc bệnh.
Tại Liban, giới chức nước này cho biết đã ghi nhận 76 trường hợp tử vong do COVID-19 trong 24 giờ qua - mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại quốc gia châu Phi này, nâng tổng số ca tử vong ở nước này lên 1.705 người. Ngoài ra, danh sách bệnh nhân COVID-19 của Liban cũng đã tăng thêm 4.557 trường hợp, lên 226.948 ca.
Về việc phát triển vaccine, Viện Butantan thuộc bang Sao Paulo của Brazil cho biết kết quả chương trình thử nghiệm lâm sàng vaccine CoronaVac của Trung Quốc tại quốc gia Nam Mỹ này cho hiệu quả chung khoảng 50,38%, sau khi đã được thực hiện đối với các chuyên gia y tế có tiếp xúc trực tiếp với SARS-CoV-2.
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết một nhóm chuyên gia của tổ chức này tại Trung Quốc đang làm việc với các nhà sản xuất vaccine Sinovac và Sinopharm để đưa vaccine ngừa COVID-19 của họ vào danh sách sử dụng khẩn cấp.
Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) đã khởi động tiến trình phê chuẩn vaccine thứ ba ngừa bệnh COVID-19. Đó là vaccine của công ty dược phẩm AstraZeneca. Đến nay, EU đã cấp phép sử dụng có điều kiện đối với 2 vaccine, một của hãng Pfizer/BioNTech và một của hãng Moderna.
Tại Nga, Tổng thống Vladimir Putin đã chỉ thị giới chức nước này bắt đầu triển khai chương trình tiêm chủng đại trà vaccine Sputnik V phòng bệnh COVID-19 từ tuần tới, đồng thời cho rằng vaccine Sputnik V do nước này sản xuất là tốt nhất thế giới.