Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 617.884 ca tử vong trong tổng số 34.434.924 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 391.385 ca tử vong trong số 30.067.305 ca bệnh. Giới chuyên gia lo ngại biến thể Delta Plus, phiên bản đột biến mới của biến thể Delta được phát hiện lần đầu tại Ấn Độ, có thể gây ra làn sóng thứ ba ở nước này khi phát hiện 22 ca nhiễm biến thể này ở ba bang Maharashtra, Kerala và Madhya Pradesh. Brazil đứng thứ 3 với 504.897 ca tử vong trong số 18.056.639 bệnh nhân.
Tại châu Á, ngày 23/6, cơ quan y tế Indonesia cho biết trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận thêm 15.308 ca nhiễm mới, trở thành ngày có số ca nhiễm mới cao nhất từ trước tới nay tại nước này. Số bệnh nhân không qua khỏi trong 24 giờ qua là 303 trường hợp. Tính đến nay, Indonesia ghi nhận tổng cộng 2.033.421 bệnh nhân COVID-19, trong đó có 55.594 người đã tử vong. Hiện Indonesia là nước chịu ảnh hưởng dịch bệnh nghiêm trọng nhất tại Đông Nam Á.
Cùng ngày, Bộ Y tế Malaysia thông báo ghi nhận thêm 5.244 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc trên cả nước lên 711.006 ca. Đáng lo ngại, trong số này chỉ có 7 ca lây nhiễm trong khu cách ly. Trong khi đó, số ca tử vong tại nước này đã lên tới 4.637 ca, sau khi có thêm 83 bệnh nhân không qua khỏi trong 24 giờ qua.
Bộ Y tế Philippines cũng xác nhận thêm 4.353 ca mắc mới, theo đó tổng số ca bệnh tại nước này đến nay đã lên tới 1.372.232 ca. Số ca tử vong hiện là 23.928 ca sau khi có thêm 119 bệnh nhân không qua khỏi trong ngày 23/6.
Ngày 23/6, Bộ Y tế Lào cho biết đã ghi nhận 9 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua (gồm 6 ca lây nhiễm trong cộng đồng ở thủ đô Viêng Chăn và 3 ca nhập cảnh được cách ly ngay tại các tỉnh khác), nâng tổng số ca bệnh tại Lào đến nay lên 2.076 ca. Mặc dù các ca nhiễm mới đã giảm xuống, song giới chức Lào đang lo ngại về các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 có khả năng lây lan nhanh và nguy hiểm hơn như biến thể Alpha và Delta.
Bộ Y tế Thái Lan sáng 23/6 công bố trong 24 giờ qua có 51 người tử vong do COVID-19, cao nhất kể từ khi dịch bùng phát. Như vậy, đến nay tại Thái Lan có tổng cộng 1.744 ca tử vong. Thái Lan cũng ghi nhận thêm 3.174 ca mắc mới, nâng tổng số ca bệnh tại nước này lên 228.539 ca. Chỉ riêng trong làn sóng COVID-19 thứ 3 bùng phát từ đầu tháng 4 vừa qua, Thái Lan ghi nhận 199.676 ca mắc mới và 1.650 ca tử vong. Trong khi đó, nhà chức trách y tế Thái Lan cho biết các giường bệnh được chỉ định dành cho những bệnh nhân nguy kịch tại tất cả các bệnh viện nhà nước ở Bangkok đã gần như kín chỗ vì bệnh nhân COVID-19. Hiện chỉ còn 20 giường cuối cùng dành riêng cho các trường hợp cấp cứu.
Trong khi đó, Bộ Y tế Singapore (MOH) cho biết kể từ ngày 23/6, tất cả người nhập cảnh đến từ các quốc gia và khu vực có nguy cơ cao sẽ chỉ phải cách ly 14 ngày, thay vì 21 ngày như hiện nay, tại các cơ sở cách ly tập trung. Tuy nhiên, người nhập cảnh sẽ phải làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên bằng bộ dụng cụ tự kiểm tra vào ngày thứ ba, thứ bảy và thứ mười một sau khi đến Singapore. Theo đánh giá của MOH, mặc dù các ca mắc COVID-19 với các biến thể mới đáng lo ngại có gia tăng, nhưng không có bằng chứng nào - từ cả dữ liệu trong và ngoài nước – cho thấy những biến thể này có thời gian ủ bệnh lâu hơn.
Cùng ngày 23/6, người đứng đầu cơ quan y tế Đài Loan (Trung Quốc) Chen Shih-chung cho biết vùng lãnh thổ này sẽ gia hạn các biện pháp hạn chế phòng dịch COVID-19 thêm hai tuần, đến ngày 12/7 tới. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh tình hình dịch bệnh ở Đài Loan vẫn chưa lắng dịu. Kể từ tháng 5 vừa qua, số ca lây nhiễm trong cộng đồng ở Đài Loan liên tục gia tăng, buộc chính quyền vùng lãnh thổ này phải áp đặt hạn chế tụ tập và đóng cửa các cơ sở vui chơi giải trí. Các biện pháp hạn chế hiện tại sẽ hết hiệu lực vào ngày 28/6. Đài Loan ghi nhận 104 ca mắc mới trong ngày 23/6, tăng so với 78 ca ghi nhận trước đó một ngày. Cho đến nay, vùng lãnh thổ này có 14.260 ca mắc, trong đó có 599 ca tử vong.
Chính quyền bang New South Wales (NSW) của Australia ngày 23/6 đã siết chặt các biện pháp hạn chế đi lại và tụ tập ở thành phố thủ phủ Sydney nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến thể Delta. Theo đó, cư dân tại 7 khu vực ở phía Đông và phía Tây Sydney chỉ được phép ra ngoài vì mục đích thiết yếu. Mỗi gia đình được tiếp tối đa 5 khách cùng lúc, trong khi đeo khẩu trang ở các không gian kín là quy định bắt buộc, kể cả nơi công sở và phòng tập gym. Một số trường học phải chuyển hoàn toàn sang hình thức dạy và học trực tuyến. Các biện pháp này có hiệu lực trong một tuần. Các bang giáp với NSW như Victoria và Queensland đã đóng cửa biên giới đối với những người đến từ thành phố Sydney và các vùng lân cận, trong khi bang South Australia đóng cửa biên giới toàn bộ.
Tại quốc gia láng giềng New Zealand, mức cảnh báo dịch COVID-19 đã được nâng lên ở thủ đô Wellington do lo ngại nguy cơ lây lan dịch bệnh sau khi một du khách đến từ Sydney có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 khi về nước. Cụ thể, Wellington nâng mức cảnh báo lên mức 2, với các biện pháp phòng dịch mạnh mẽ gần ngang với một lệnh phong tỏa áp dụng đến hết ngày 27/6. Trong thời gian này, các cơ quan, công sở, trường học và doanh nghiệp được phép mở cửa nhưng phải tuân thủ quy định giãn cách, các hoạt động thể thao và vui chơi, giải trí vẫn được phép diễn ra. Tuy nhiên, các sự kiện như đám cưới và tang lễ phải giới hạn tối đa 100 người tham dự.
Tại châu Âu, biến thể Delta cũng gây lo ngại tại nhiều nước. Ngày 23/6, người phát ngôn Chính phủ Pháp Gabriel Attal cho biết biến thể Delta hiện chiếm đến 9-10% số các ca mắc mới bệnh COVID-19 tại nước này, tăng mạnh từ mức 2 - 4% của tuần trước.
Cùng ngày, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng nhận định đại dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc vì các ca bệnh nhiễm biến thể Delta đang gia tăng. Do vậy, các chuyên gia nước này cần đánh giá chính xác và thận trọng tình hình để không mạo hiểm với những kết quả chống dịch đã đạt được.
Bồ Đào Nha cũng đang lo ngại nguy cơ bùng phát làn sóng thứ 4 của dịch COVID-19 tại nước này khi 60% số ca mắc mới tại thủ đô Lisbon nhiễm biến thể Delta. Thống kê của hãng tin AFP (Pháp) cho thấy với số ca mắc mới hằng ngày tăng 54% vào tuần trước, Bồ Đào Nha đã vượt Anh trở thành nước có tỷ lệ lây bệnh COVID-19 cao nhất tại châu Âu. Số ca mắc mới đã tăng lên mức trung bình 1.100 ca/ngày trong 7 ngày, so với 300 ca/ngày 6 tuần trước đó.
Theo số liệu công bố ngày 23/6, trong 24 giờ qua, Anh đã ghi nhận 16.135 ca nhiễm mới, mức cao nhất theo ngày kể từ giữa tháng 2, và số ca tử vong mới là 19 người. Hiện tổng số ca bệnh trên cả nước Anh đã tăng lên 4.667.870 ca, trong đó 128.027 người đã tử vong. Số ca phải nhập viện là 1.378 ca, tương tự số ca ghi nhận vào đầu tháng 5, nhưng vẫn thấp hơn mức đỉnh 4.077 ca thông báo vào ngày 24/1.
Ở khu vực Trung Đông, Israel đối mặt với một đợt bùng phát mới do biến thể Delta. Thủ tướng Israel Naftali Bennett khuyến cáo người dân tránh đi ra nước ngoài và phải đeo khẩu trang ở những không gian kín. Trong khi đó, Bộ Y tế Israel ra chỉ thị những người đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 hoặc đã khỏi bệnh trước đó có thể được yêu cầu cách ly lên đến 14 ngày nếu họ có tiếp xúc gần với ca nhiễm biến thể nguy hiểm trên.
Israel cũng sẽ phạt những công dân Israel hoặc người cư trú tại nước này đến các nước có nguy cơ lây nhiễm cao hàng nghìn shekel. Israel đã ghi nhận 125 ca mắc mới COVID-19 vào ngày 21/6, mức cao nhất trong vòng hai tháng qua.