Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 23/6 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 179.867.270 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 3.896.051 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 322.589 và 6.984 ca tử vong mới.
Số bệnh nhân bình phục đã đạt 164.616.948 người, 11.354.271 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 82.003 ca nguy kịch.
Trong 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Brazil (84.847 ca), Ấn Độ (54.393 ca), và Argentina (21.387 ca); Brazil dẫn đầu về số ca tử vong mới (với 1.900 ca), tiếp theo là Ấn Độ (với 1.129 ca) và Argentina (791 ca).
Mỹ, Ấn Độ và Brazil là 3 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Số ca nhiễm tại Mỹ hiện là 34.432.422 triệu người, trong đó có 617.824 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 30.027.850 ca nhiễm, bao gồm 390.691 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 18.054.653 ca bệnh và 504.717 ca tử vong.
Ấn Độ vượt mốc 30 triệu ca nhiễm
Ngày 22/6, Ấn Độ ghi nhận thêm 42.640 ca nhiễm mới và 1.167 ca tử vong. Đây cũng là ngày đầu tiên trong 91 ngày qua, số ca nhiễm mới ghi nhận hằng ngày tại nước này dưới 50.000 ca.
Trong 24 giờ tính đến 6h sáng 23/6, Ấn Độ ghi nhận 54.393 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh vượt ngưỡng 30 triệu. Số ca nhiễm mới tại nước này đang trên đà giảm nhờ tiến bộ của chương trình tiêm chủng.
Nga: Tình hình xấu đi do biến thể Delta lây lan mạnh
Ban phòng chống COVID-19 của LB Nga cho biết trong vòng 1 ngày qua tính đến sáng 22/6, nước này đã ghi nhận 16.715 ca mắc mới COVID-19. Các địa phương có số ca mắc mới nhiều nhất trong ngày là thủ đô Moskva với 6.555 ca, tỉnh Moskva (1.871 ca) và thành phố St.Petersburg (1.065 ca).
Trong ngày qua tại Nga cũng có 546 ca tử vong mới - số ca tử vong cao nhất trong ngày kể từ ngày 11/2 (553 người). Đáng chú ý trong 24 giờ qua, thủ đô Moskva đã ghi nhận tới 86 ca tử vong, con số kỷ lục trong toàn bộ thời kỳ đại dịch, vượt kỷ lục ngày 19/1 là 84 ca. Đến nay Nga ghi nhận tổng cộng 5.350.919 người nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó 130.347 người tử vong và 4.889.450 người được chữa khỏi bệnh.
Trước đó cùng ngày, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh vật học mang tên Gamaleya, ông Alexander Gintsburg đã lưu ý rằng việc tiêm phòng là cần thiết để chống lây nhiễm, tuy nhiên, có thể do không đủ "bộ nhớ" tế bào để bảo vệ chống lại biến thể Delta nên cần phải tiêm chủng lại. Còn theo Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko, tình hình COVID-19 ở Nga có thể kiểm soát được nhờ tiêm chủng. Hiện tình trạng gia tăng lây nhiễm đã ghi nhận tại 65 địa phương ở nước này và khoảng 465.000 bệnh nhân đang được các bác sĩ theo dõi.
Hoạt động tiêm chủng quy mô lớn ngừa COVID-19 đã diễn ra ở Nga từ ngày 18/1. Tất cả người dân đều được tiêm phòng miễn phí. Hiện tại, người dân Nga có thể chọn 4 loại vaccine đã được đăng ký trong nước là Sputnik V, Sputnik Light, EpiVacCorona và KoviVak.
Thủ tướng Đức Merkel tiêm hai loại vaccine khác nhau
Thủ tướng Đức Angela Merkel đã được tiêm chủng ngừa bệnh COVID-19 mũi thứ hai bằng vaccine của hãng Moderna, sau mũi tiêm đầu tiên với vaccine của hãng AstraZeneca hồi tháng 4 vừa qua.
Một người phát ngôn của Chính phủ Đức cho biết Thủ tướng Merkel, 66 tuổi, đã được tiêm mũi đầu tiên với vaccine của AstraZeneca ngày 16/4, khoảng hơn 2 tuần sau khi giới chức nước này khuyến cáo chỉ tiêm chế phẩm của Anh/Thuỵ Điển này cho những người từ 60 tuổi trở lên. Cách đây vài ngày, Thủ tướng Merkel đã được tiêm mũi thứ hai với vaccine Moderna và nhà lãnh đạo Đức không có biểu hiện về tác dụng phụ, khi trong ngày 22/6 bà đã tiếp Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Ursula von der Leyen tại Phủ Thủ tướng ở Berlin.
Hiện chưa rõ lý do tại sao Thủ tướng Merkel lại chuyển sang tiêm mũi thứ hai là vaccine Moderna. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu sơ bộ cho thấy việc tiêm phối hợp một mũi là vaccine của AstraZeneca và mũi còn lại của hãng khác dường như sẽ có hiệu quả tốt hơn. Mặc dù điều này kéo theo khả năng xảy ra tác dụng phụ cao hơn, nhưng các nhà nghiên cứu đánh giá hiện tượng này là dấu hiệu tốt, bởi tác dụng phụ nhiều hơn đồng nghĩa với phản ứng miễn dịch mạnh hơn và do vậy sẽ có hiệu quả phòng bệnh tốt hơn. Cho tới chiều 22/6, nước Đức đã tiêm chủng được trên 67 triệu liều, trong đó 51,2% dân số (42,54 triệu người) được tiêm ít nhất một mũi và 31,6% dân số (26,27 triệu người) được tiêm đủ.
Về tình hình dịch bệnh ở Đức, do số ca nhiễm mới giảm mạnh, nhiều địa phương đã dần dỡ bỏ các lệnh hạn chế để phòng chống đại dịch COVID-19. Chính quyền thủ đô Berlin ngày 22/6 thông báo sẽ cho phép tổ chức các cuộc gặp gỡ cá nhân ở ngoài trời với số lượng người lên tới 100 người.
EU mua thêm 150 triệu liều vaccine Moderna
Ngày 22/6, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định lựa chọn mua thêm 150 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm Moderna (Mỹ) trong khuôn khổ hợp đồng cung cấp vaccine với hãng này.
Trong một tuyên bố, EC cho biết số vaccine bổ sung này bao gồm các loại vaccine thích ứng với các biến thể của virus SARS-CoV-2 cũng như có thể sử dụng cho trẻ em. Dự kiến, số vaccine này sẽ được bàn giao vào năm tới. Thông báo trên được đưa ra sau khi Công ty công nghệ sinh học của Đức CureVac cho biết vaccine của họ chỉ đạt được hiệu quả 47% trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng, gây nghi ngờ về khả năng cung cấp hàng trăm triệu liều cho EU.
Trước đó, EU đã đặt mua thêm 160 triệu liều vaccine Moderna theo một hợp đồng cung cấp ban đầu được ký kết hồi tháng 11/2020.
Israel tăng cường kiểm soát nhập cảnh trước nguy cơ làn sóng dịch mới
Trước nguy cơ dịch COVID-19 tái bùng phát, Israel sẽ tăng cường khâu xét nghiệm tại sân bay quốc tế Ben Gurion, đồng thời kiểm soát cách ly đối với người nhập cảnh.
Tại một cuộc họp diễn ra vào tối 21/6 giữa Thủ tướng Naftali Bennett với các quan chức cấp cao của các bộ Y tế và Giao thông, các ý kiến đều cảnh báo về nguy cơ dịch COVID-19 tái lây lan do biến thể Delta du nhập từ các nước khác, cũng như tình trạng buông lỏng kiểm soát dịch bệnh đối với người nhập cảnh. Thủ tướng Israel Bennett đã yêu cầu bổ sung 250 nhân viên an ninh để tăng cường kiểm soát cách ly sau nhập cảnh, lắp đặt thêm trạm xét nghiệm tại sân bay quốc tế Ben Gurion, trang bị thêm cho các trạm lấy mẫu xét nghiệm, đồng thời tăng cường thông tin tuyên truyền để người dân hiểu rõ nguy cơ đến từ những người trở về từ nước ngoài. Bên cạnh đó, ông cũng cho biết Chính phủ Israel sẽ xem xét xử phạt các phụ huynh không giám sát việc cách ly của trẻ em tại trường học, đồng thời chuẩn bị cho khả năng xảy ra một làn sóng dịch bệnh mới.
Trong những ngày qua, tại Israel đã xuất hiện 2 ổ dịch mới COVID-19 ở trường học sau khi nhiều học sinh xét nghiệm cho kết quả dương tính. Những ổ dịch này đều liên quan tới người Israel trở về từ nước ngoài. Bộ Y tế Israel đã yêu cầu thực hiện việc đeo khẩu trang khi đến trường tại hai địa điểm này.
Sau chiến dịch tiêm phòng hiệu quả, dịch COVID-19 tại Israel cơ bản đã được kiểm soát. Hầu hết các biện pháp giãn cách xã hội được dỡ bỏ, hoạt động kinh tế xã hội trở lại bình thường. Tuy nhiên, chiến dịch tiêm vaccine cho trẻ em dưới 16 tuổi vẫn chưa thu hút được sự tham gia đầy đủ của các phụ huynh.
Australia: Nguy cơ hạn chế nghiêm ngặt tại Sydney
Ngày 22/6, bang New South Wales (NSW) của Australia ghi nhận 10 ca mắc mới COVID-19. Đây là ngày có số ca lây nhiễm trong cộng đồng cao nhất trong gần một tuần qua tại NSW. Điều này làm gia tăng khả năng chính quyền sẽ áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn tại thủ phủ Sydney - cùng là thành phố lớn nhất của Australia. Trong hàng loạt nỗ lực nhằm kiểm soát ổ dịch mới nhất liên quan biến thể Delta có khả năng lây lan cao, chính quyền NSW đã bắt buộc người dân phải đeo khẩu trang khi đi xe buýt, tàu hỏa và phà tại Sydney trong vòng 5 ngày, đồng thời hối thúc 5 triệu cư dân của thành phố có ý thức đeo khẩu trang ở các không gian kín.
Tajikistan có ca mắc sau hơn 5 tháng
Tajikistan cũng xác nhận đã xuất hiện các ca mắc COVID-19 đầu tiên ở nước này sau hơn 5 tháng không ghi nhận ca bệnh nào tại đây. Bộ Y tế nước này cho biết những ca bệnh này "được ghi nhận tại các cơ sở chăm sóc y tế", nhưng không nêu con số chi tiết. Theo bộ trên, việc người dân bất cẩn, không đeo khẩu trang và không tuân thủ các hướng dẫn an toàn khác nhiều khả năng là nguyên nhân dẫn tới các ca mắc mới lần này.
Anh nới lỏng hạn chế đi lại với người đã tiêm vaccine
Cũng trong ngày 22/6, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cho biết nước này đang lên kế hoạch nới lỏng hạn chế đi lại đối với những công dân đã tiêm chủng đầy đủ vaccine ngừa COVID-19, tạo điều kiện cho những người này du lịch đến các bãi biển châu Âu vào mùa Hè này. Hiện nay, về cơ bản, công dân Anh bị hạn chế đi du lịch đến hầu hết các quốc gia, trong đó có cả các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) vì các quy tắc phòng ngừa dịch bệnh nghiêm ngặt và tốn kém.
Anh hiện là nước có số ca tử vong do COVID-19 cao thứ 7 thế giới với gần 128.000 ca, nhưng cũng là một trong những quốc gia triển khai tiêm vaccine nhanh nhất thế giới khi có đến 80% dân số là người trưởng thành đã được tiêm chủng, trong đó gần 60% đã tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19.
Italy không bắt buộc đeo khẩu trang từ 28/6
Từ ngày 28/6 tới, việc đeo khẩu trang ở ngoài trời sẽ không còn là quy định bắt buộc tại Italy - một trong những quốc gia ở châu Âu từng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch COVD-19. Theo Bộ trưởng Y tế Roberto Speranza, việc bỏ yêu cầu đeo khẩu trang sẽ có hiệu lực ở các vùng có nguy cơ thấp (vùng trắng) về COVID-19. Những vùng này bao gồm toàn bộ đất nước Italy ngoại trừ khu vực Val d'Aosta nhỏ bé ở miền Tây Bắc xa xôi.
Từ ngày 26/6 tới, Tây Ban Nha cũng sẽ dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang ngoài trời do tỷ lệ mắc COVID-19 đã giảm nhờ chiến dịch tiêm chủng được đẩy mạnh. Khoảng 29% dân số nước này đã được tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19 và 48% đã được tiêm ít nhất 1 mũi. Giới chức Tây Ban Nha thông báo cho phép các câu lạc bộ đêm mở cửa trở lại ở một số khu vực, trong đó có thủ đô Madrid và thành phố Barcelona, trong bối cảnh tỷ lệ mắc COVID-19 đã giảm mạnh. Tuy nhiên, một số biện pháp hạn chế vẫn còn hiệu lực, trong đó có việc giới hạn công suất hoạt động và rút ngắn giờ làm việc để hạn chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2.
Tương tự, Thổ Nhĩ Kỳ thông báo sẽ sớm dỡ bỏ lệnh phong tỏa vào mỗi Chủ nhật và dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế chống dịch trong bối cảnh tình hình dịch bệnh dần lắng dịu. Quốc gia 84 triệu dân này đã từng bước mở cửa trở lại sau khi lần đầu tiên áp đặt lệnh phong tỏa trên toàn quốc vào cuối tháng 4. Số ca mắc mới COVID-19 hằng ngày đã giảm từ hơn 60.000 ca/ngày trước khi phong tỏa xuống còn khoảng 5.000 ca/ngày trong tháng này./.
Campuchia: Số ca tử vong tiếp tục tăng
Số ca tử vong vì COVID-19 tại Campuchia tiếp tục tăng, với ngày 22/6 ghi nhận số ca tử vong vì dịch bệnh cao thứ hai từ trước đến nay với 18 người. Trước đó, Bộ Y tế Campuchia ghi nhận số ca tử vong cao nhất từ trước là 20 ca vào ngày 19/6.
Ngày 22/6, Bộ Y tế Campuchia thông báo ghi nhận thêm 678 ca mắc (bao gồm 58 ca nhập cảnh và 620 ca lây nhiễm cộng đồng), nâng tổng số ca bệnh tại Campuchia lên 44.124 ca, trong đó 38.766 người đã khỏi bệnh và 459 người tử vong.
Bộ Y tế Campuchia cũng đã ra lệnh cấm bán và phân phối bộ xét nghiệm nhanh COVID-19 chưa đăng ký và chưa được công nhận. Lệnh cấm này được đưa ra đồng thời với việc Bộ Y tế áp dụng bộ quy chuẩn về điều trị bệnh nhân COVID-19 tại nhà ở Phnom Penh, có hiệu lực từ ngày 20/6.
Malaysia xác định nguyên nhân khó kiểm soát số ca nhiễm mới
Bộ Y tế Malaysia cho biết nước này đã phát hiện tổng cộng 2.604 ổ dịch COVID-19, trong đó 824 ổ dịch vẫn đang lây lan. Trong khoảng 1 tháng qua, số ổ dịch phát hiện hàng ngày ở Malaysia vẫn ở mức cao, cao nhất là 30 ổ dịch vào ngày 6/6. Một trong những nguyên nhân khiến Malaysia khó kiểm soát tốt sự lây lan của dịch bệnh là những ca nhiễm lẻ tẻ, không thuộc ổ dịch nào, tăng mạnh thời gian qua, nhất là tại thung lũng Klang.
Quan chức cấp cao thuộc Bộ Y tế Noor Hisham Abdullah cho biết từ ngày 1/1-19/6, nước này đã ghi nhận 578.105 ca nhiễm mới, trong đó 398.846 ca nhiễm lẻ tẻ, tương đương 69%. Ông Noor Hisham cho biết thêm các ca nhiễm lẻ tẻ được phát hiện thông qua xét nghiệm tại nơi làm việc, trong cộng đồng hoặc thông qua kiểm tra những người có triệu chứng của COVID-19. Điều đáng lo ngại hơn là hầu hết các trường hợp lẻ tẻ không có triệu chứng lâm sàng nên những người không tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh vẫn có thể lây nhiễm cho bất kỳ người nào xung quanh họ.
Thái Lan thu hẹp khoảng cách tiêm 2 mũi vaccine để ngăn biến thể Delta
Theo Straits Times, một uỷ ban y tế Thái Lan đã đồng ý thu hẹp khoảng cách giữa hai mũi tiêm vaccine AstraZeneca từ 10-12 tuần xuống 8 tuần ở những nơi đang có các ổ dịch do biến thể Delta (được phát hiện lần đầu ở Ấn Độ).
Động thái này được đưa ra sau khi tuần trước Thái Lan đã huỷ bỏ kế hoạch nâng khoảng cách giữa hai mũi tiêm lên 16 tuần trong nỗ lực cung cấp liều vaccine đầu cho nhiều người hơn.
Chương trình tiêm chủng COVID-19 của Thái Lan dựa chủ yếu vào vaccine Sinovac/Trung Quốc và AstraZeneca, đã bị trì hoãn một tuần sau khi bắt đầu hồi đầu tháng 6 do thiếu nguồn cung. Đến nay nước này mới tiêm đủ vaccine cho 2,2 triệu người, trong tổng dân số trên 66 triệu.
Philippines: Tặng gạo khuyến khích tiêm vaccine
Nhằm giúp người dân vượt qua nỗi lo ngại hay tâm lý kén chọn vaccine ngừa COVID-19, Philippines đang áp dụng nhiều sáng kiến, trong đó có treo thưởng những món quà thiết thực. Một khu vực ở ngoại ô thủ đô Manila đã đưa ra ý tưởng tặng các bao tải gạo lớn nhằm khuyến khích người dân tiêm chủng.
Cứ mỗi tuần, vùng Sucat lại treo thưởng 25kg gạo cho 20 người đã tiêm vaccine may mắn bốc thăm được phần thưởng. Quan chức địa phương Jeramel Mendoza cho biết sáng kiến này chủ yếu hướng tới những cư dân thuộc nhóm nghèo hơn vốn không quá quan tâm đến việc tiêm chủng. Theo ông, khi chiến dịch tiêm chủng được tiến hành, có rất ít người đăng ký, chủ yếu là những người giàu hoặc có điều kiện.
Tính đến ngày 20/6, Philippines đã tiêm đủ liều vaccine cho 2,1 triệu người dân, quá ít so với mục tiêu của chính phủ là tiêm chủng cho 70 triệu trong tổng số 110 triệu dân trong năm nay. Philippines đã đặt mua 113 triệu liều vaccine từ 5 nhà sản xuất.
Lào tăng cường kiểm soát biên giới
Để ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh từ bên ngoài, đặc biệt là người nhập cảnh bất hợp pháp, Cơ quan kiểm soát và phòng ngừa COVID-19 các tỉnh của Lào giáp biên với Thái Lan đang tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuần tra đường thủy trên sông Mekong.
Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh ở các trạm kiểm soát biên giới cũng được yêu cầu lưu lại toàn bộ thông tin về những người lao động nhập cảnh, trong khi ngành y tế tiến hành các biện pháp sàng lọc và đưa họ đi cách ly tập trung. Ở các bản, chính quyền cũng đang vận động người dân nhanh chóng thông báo trường hợp nghi ngờ nhập cảnh trái phép từ Thái Lan qua sông Mekong.
Trong một diễn biến khác liên quan, hãng hàng không quốc gia Lào Lao Airlines thông báo sẽ nối lại các chặng bay nội địa kể từ ngày 25/6 sau hơn hai tháng đình chỉ hoạt động do sự bùng phát của dịch COVID-19. Quyết định này của hãng hàng không quốc gia Lào xuất phát từ bộ quy tắc phòng dịch mới của chính phủ vừa công bố, trong đó cho phép người dân sử dụng dịch vụ vận tải hành khách đường bộ, hàng không và đường thủy giữa thành phố Viêng Chăn và các tỉnh nếu đã tiêm đủ hai mũi vaccine ngừa COVID-19.