Khi Israel và Mỹ đang đứng trước một giao lộ mới, hai nhà lãnh đạo mới của hai nước đều thừa hưởng một mối quan hệ mà ngay lập tức bị thúc đẩy bởi những cân nhắc chính trị trong nước, ràng buộc sâu sắc trong lịch sử và sự thừa nhận đã được khắc sâu rằng họ cần nhau.
Theo hãng tin AP, cách Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Israel Naftali Bennett xử lý mối quan hệ đó sẽ định hình triển vọng cho hòa bình và ổn định ở Trung Đông. Họ đang mở ra một thời đại không còn được xác định bởi cá tính mạnh mẽ của Thủ tướng kỳ cựu Benjamin Netayahu, người nhiều lần thách thức chính quyền Barack Obama và sau đó gặt hái thành quả từ mối quan hệ nồng ấm với Tổng thống Donald Trump.
Chính phủ Israel của tân Thủ tướng Bennett cho biết họ muốn nắn lại quan hệ với Đảng Dân chủ và khôi phục sự ủng hộ của lưỡng đảng ở Mỹ với Israel. Trong khi đó, Tổng thống Biden đang theo đuổi một cách tiếp cận cân bằng hơn về cuộc xung đột Palestine-Israel và vấn đề Iran.
Mối quan hệ giữa hai nước là rất quan trọng đối với cả Washington và Tel Aviv. Israel từ lâu đã coi Mỹ là đồng minh thân cận nhất và là người bảo đảm cho an ninh và vị thế quốc tế của mình, trong khi Mỹ dựa vào sức mạnh quân sự và tình báo của Israel giữa một Trung Đông đầy biến động.
Nhưng cả ông Biden và Bennett đều bị kìm hãm bởi nền chính trị nội bộ.
Ông Bennett dẫn đầu một liên minh không chắc chắn bao gồm 8 đảng từ khắp các phe phái chính trị Israel có điểm chung chính là loại bỏ ông Netanyahu khỏi quyền lực sau 12 năm. Ông Biden thì đang nỗ lực thu hẹp sự chia rẽ trong nội bộ đảng khi mà sự ủng hộ vốn gần như đồng đều dành cho Israel đã bị xói mòn và một cánh tiến bộ muốn Mỹ làm nhiều hơn nữa để chấm dứt sự chiếm đóng nửa thế kỷ của Israel trên những vùng đất mà người Palestine muốn có một nhà nước tương lai.
Ngay sau khi nhậm chức, tân Ngoại trưởng Israel, Yair Lapid, đã nhận ra những thách thức mà Israel phải đối mặt ở Washington. "Chúng tôi nhận ra [quan hệ giữa] mình với một Nhà Trắng, Thượng viện và Hạ viện của đảng Dân chủ và họ rất tức giận. Chúng tôi cần thay đổi cách làm việc với họ”, ông Lapid nói khi nhậm chức quyền lãnh đạo Bộ Ngoại giao Israel tuần trước.
Mối quan hệ giữa hai lãnh đạo mới của Mỹ - Israel cũng là một bài kiểm tra quan trọng sẽ dành cho Iran. Tổng thống Biden đã tìm cách quay trở lại thỏa thuận hạt nhân Iran mà cựu Tổng thống Obama coi là một thành tựu đối ngoại đặc sắc. Dưới thời Tổng thống Trump, Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận lịch sử này với sự ủng hộ của các nhà lập pháp thân Israel. Mặc dù Iran vẫn chưa chấp nhận đề nghị đàm phán trực tiếp từ ông Biden, các cuộc thảo luận gián tiếp về thỏa thuận hạt nhân hiện đang ở vòng thứ sáu tại Vienna (Áo).
Chính phủ mới của Israel vẫn kiên quyết phản đối những nỗ lực của ông Biden nhằm phục hồi thỏa thuận hạt nhân Iran. Nhưng Tel Aviv vẫn khẳng định sẽ thảo luận về vấn đề này đằng sau những cánh cửa đóng kín thay vì các cuộc đối đầu công khai, như bài phát biểu gây tranh cãi của ông Netanyahu trước Quốc hội Mỹ vào năm 2015.
Trong cuộc trò chuyện với Ngoại trưởng Antony Blinken hôm 17/6, Ngoại trưởng Israel Lapid cho biết hai ông đã đồng ý về một chính sách "không bất ngờ" và duy trì những đường dây liên lạc cởi mở.
Eytan Gilboa, một chuyên gia về quan hệ Mỹ-Israel tại Đại học Bar-Ilan (Israel), nói rằng thay vì cố gắng lách bất kỳ thỏa thuận nào với Iran, chính phủ mới ở Israel sẽ thúc ép chính quyền Mỹ giữ nguyên một số lệnh trừng phạt đối với Tehran và tìm kiếm “đền bù chiến lược” cho Israel như một phần trao đổi cho bất cứ cuộc quay trở lại thỏa thuận nào của Mỹ.
Giải quyết những khác biệt về xung đột Israel-Palestine cũng sẽ là một thách thức đáng kể khác đối với hai nhà lãnh đạo Mỹ, Israel.
Tổng thống Biden đã đảo ngược các chính sách của người tiền nhiệm Trump, vốn được ông Netanyahu ủng hộ, khiến người Palestine xa lánh và gây ra sự rạn nứt gần như hoàn toàn trong các mối quan hệ chính thức giữa Mỹ và Palestine. Gần như ngay lập tức sau khi nhậm chức, ông Biden đã khôi phục lại sự trợ giúp của Mỹ cho Palestine – vốn bị cắt giảm dưới thời ông Trump.
Tổng cộng Mỹ đã chi chỉ trong bốn tháng ông Biden cầm quyền là hơn 300 triệu USD. Ông tuyên bố ý định mở lại Lãnh sự quán Mỹ tại Jerusalem, nơi đã bị ông Trump đóng cửa, để xử lý các mối quan hệ với người Palestine. Các quan chức chính quyền Mỹ cũng phát biểu công khai rằng người Israel và người Palestine phải được hưởng các giải pháp bình đẳng về an ninh và thịnh vượng.
Tuy nhiên, cả hai ngoại trưởng Mỹ và Israel đều không đưa ra bất kỳ động thái nào nhằm thay đổi những bước đi ủng hộ Israel quan trọng nhất của cựu Tổng thống Trump. Những động thái đó bao gồm việc ông Trump từ bỏ chính sách lâu năm của Mỹ cho rằng các khu định cư của người Do Thái là bất hợp pháp theo luật pháp quốc tế; việc công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan, lãnh thổ mà Israel chiếm từ Syria trong cuộc chiến tranh Arab-Israel năm 1967.
Chính quyền Mỹ đương nhiệm cũng hy vọng sẽ mở rộng các thỏa thuận bình thường hóa mối quan hệ Arab-Israel mà chính quyền Trump đã tạo ra trong những tháng cuối cùng tại nhiệm. Trong cuộc gọi vào ngày đầu tiên Thủ tướng Israel Bennett nhậm chức, Tổng thống Joe Biden khẳng định “sự ủng hộ kiên định của mình đối với mối quan hệ Mỹ-Israel” và “cam kết kiên định đối với an ninh của Israel”. Ông cam kết sẽ phối hợp trong tất cả các vấn đề an ninh, bao gồm cả Iran.
Sự ủng hộ của ông Biden đối với chiến dịch không kích hạng nặng của Israel trong cuộc chiến hồi tháng 5 với lực lượng Hamas ở Gaza đã khiến các đảng viên Dân chủ tiến bộ trong Quốc hội tức giận. Với sức mạnh mới đạt được về lực lượng trong Quốc hội, nhóm này đang yêu cầu chính quyền phải làm nhiều hơn nữa để hỗ trợ người Palestine, và cần đặt điều kiện với Israel để đổi lấy viện trợ quân sự.
Trong khi các nhà lập pháp uy tín của Đảng Dân chủ Mỹ vẫn ủng hộ Israel và quyền tự vệ tuyệt đối của Israel, ngày càng có nhiều tiếng nói tiến bộ trong cuộc họp kín của đảng đã biến vấn đề này trở thành một vấn đề chính trị. Sự thay đổi trong chính phủ của Israel không có khả năng làm giảm bớt những lời kêu gọi hành động của nhóm nghị sĩ này do bạo lực giữa Israel và Palestine tiếp tục diễn ra trong những ngày gần đây.
Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Biden cũng đã thúc giục chính phủ mới của Israel giảm bớt căng thẳng với người Palestine. Trong hai cuộc điện đàm với đồng cấp Lapid vào tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Blinken đã nói về “sự cần thiết phải cải thiện quan hệ giữa Israel và Palestine theo những cách thiết thực” và cam kết làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa người Arab và Israel.
Hiện chưa rõ chính phủ mới sẽ phản hồi lời kêu gọi này như thế nào. Các thành viên cốt cán như Lapid và Bộ trưởng Quốc phòng Benny Gantz rõ ràng muốn áp dụng cách tiếp cận hợp tác hơn với chính quyền Biden, trong khi tân Thủ tướng Bennett và các đối tác cánh hữu của ông phải đối mặt với áp lực từ chính người ủng hộ họ về việc duy trì cách tiếp cận cứng rắn của người tiền nhiệm Netanyahu, không chỉ đối với Iran mà còn với người Palestine.
Chính phủ Israel hiện đối mặt với những quyết định khó khăn, bao gồm việc có nên sơ tán một khu định cư trái phép được thành lập vào tháng trước hay không và liệu có nên can thiệp vào quy trình pháp lý, mà qua đó các tổ chức định cư đang sử dụng để đuổi hàng chục gia đình Palestine ra khỏi nhà của họ ở đông Jerusalem.
Trong khi đó, chính quyền Biden đang thúc ép Israel kiềm chế bất kỳ bước đi đơn phương nào có thể cản trở sự hồi sinh tiến trình hòa bình, vốn đã tồn tại trong hơn một thập kỷ. Tuy nhiên, Washington vẫn chưa đưa ra lời lên án công khai về hoạt động định cư, ngoài kêu gọi chung chung hai bên kiềm chế những hành động đơn phương có thể làm gia tăng căng thẳng hoặc gây tổn hại đến triển vọng một thỏa thuận hòa bình.
Thủ tướng Bennett là một người ủng hộ mạnh mẽ các khu định cư và phản đối chế độ nhà nước của người Palestine, nhưng ông cũng là một người thực tế. Ông có thể biến điểm yếu của mình thành sức mạnh, với quan điểm rằng bất kỳ sự nhượng bộ lớn nào - đối với người Palestine hoặc những người định cư Do Thái - đều có nguy cơ hạ bệ chính phủ của ông và đưa cựu Thủ tướng Netanyahu trở lại nắm quyền.