COVID-19 tại ASEAN hết 22/6: Trên 89.000 người đã chết; Ca tử vong ở Campuchia tiếp tục tăng

Tính tới 23 giờ 59 phút ngày 22/6, các nước ASEAN ghi nhận thêm trên 27.000 ca nhiễm và trên 500 ca tử vong mới. Ca tử vong mới tại Campuchia tiếp tục tăng trong khi dịch vẫn chưa có dấu hiệu dịu đi ở Indonesia, với trên 13.600 ca nhiễm chỉ trong 24 giờ qua.

Chú thích ảnh
Một khu vực bị phong toả tại Indonesia. Ảnh: AFP

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 22/6, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 27.046 ca mắc COVID-19 và 525 ca tử vong, nâng tổng số ca bệnh lên 4.597.057 trường hợp và 89.200 ca tử vong. Toàn khối có 4.178.545 bệnh nhân đã bình phục.

Trong 24 giờ qua, khu vực Đông Nam Á có 6 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 trong đó Indonesia chiếm nhiều nhất với 335 ca; Malaysia đứng thứ hai với 77 ca; Philippines ghi nhận 60 ca tử vong, trong khi Thái Lan thêm 35 ca, Campuchia ghi nhận 18 ca.

Với 13.668 ca nhiễm trong ngày 22/6, Indonesia cũng đang dẫn đầu khối về lây nhiễm mới. Nước này tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong khu vực, với tổng cộng 2.018.113 ca bệnh và 55.291 ca tử vong.

Philippines ghi nhận 3.666 ca nhiễm mới, nâng tổng ca bệnh lên 1.367.894, bao gồm 23.809 người tử vong. Trong khi đó, Malaysia ghi nhận 4.743 ca nhiễm mới, nâng tổng ca bệnh lên 705.762, trong đó có 4.554 ca tử vong và 639.181 ca bình phục.

Cùng ngày Thái Lan chứng kiến 4.059 ca nhiễm mới. Campuchia cũng ghi nhận 678 ca nhiễm mới và tổng ca bệnh đã lên trên 44.000 người. Tình hình dịch ở Lào cơ bản đã được kiểm soát, với chỉ 3 ca nhiễm mới trong ngày; Timor Leste thêm 53 ca và Brunei thêm 1 ca.

Chú thích ảnh
Binh sĩ quân đội Campuchia hướng dẫn người dân giữ khoảng cách phòng lây nhiễm COVID-19 tại một điểm tiêm chủng ở Phnom Penh. Ảnh: AFP/TTXVN

Campuchia: Số ca tử vong tiếp tục tăng

Số ca tử vong vì COVID-19 tại Campuchia tiếp tục tăng, với ngày 22/6 ghi nhận số ca tử vong vì dịch bệnh cao thứ hai từ trước đến nay với 18 người. Trước đó, Bộ Y tế Campuchia ghi nhận số ca tử vong cao nhất từ trước là 20 ca vào ngày 19/6.

Ngày 22/6, Bộ Y tế Campuchia thông báo ghi nhận thêm 678 ca mắc (bao gồm 58 ca nhập cảnh và 620 ca lây nhiễm cộng đồng), nâng tổng số ca bệnh tại Campuchia lên 44.124 ca, trong đó 38.766 người đã khỏi bệnh và 459 người tử vong. 

Bộ Y tế Campuchia cũng đã ra lệnh cấm bán và phân phối bộ xét nghiệm nhanh COVID-19 chưa đăng ký và chưa được công nhận. Lệnh cấm này được đưa ra đồng thời với việc Bộ Y tế áp dụng bộ quy chuẩn về điều trị bệnh nhân COVID-19 tại nhà ở Phnom Penh, có hiệu lực từ ngày 20/6. 

Chú thích ảnh
Người dân tiêm chủng ngừa vaccine COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: THX/TTXVN

Trong thông báo ngày 20/6, Bộ trưởng Y tế Campuchia Mam Bun Heng cho biết việc thực hiện bộ quy chuẩn về điều trị bệnh nhân COVID-19 tại nhà ở các tỉnh sẽ được công bố sau, tùy thuộc vào diễn biến của dịch bệnh tại các địa phương. Việc điều trị bệnh nhân COVID-19 tại nhà được thực hiện theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhằm giảm áp lực cho hệ thống y tế bằng cách nhường chỗ cho các ca bệnh nặng. Theo số liệu của Bộ Y tế, có tới 80% bệnh nhân COVID-19 tại Campuchia có triệu chứng nhẹ có thể điều trị tại nhà với sự theo dõi thường xuyên của các nhân viên y tế. 

Chú thích ảnh
 Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia ngày 31/5/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Malaysia xác định nguyên nhân khó kiểm soát số ca nhiễm mới

Bộ Y tế Malaysia cho biết nước này đã phát hiện tổng cộng 2.604 ổ dịch COVID-19, trong đó 824 ổ dịch vẫn đang lây lan. Trong khoảng 1 tháng qua, số ổ dịch phát hiện hàng ngày ở Malaysia vẫn ở mức cao, cao nhất là 30 ổ dịch vào ngày 6/6. Một trong những nguyên nhân khiến Malaysia khó kiểm soát tốt sự lây lan của dịch bệnh là những ca nhiễm lẻ tẻ, không thuộc ổ dịch nào, tăng mạnh thời gian qua, nhất là tại thung lũng Klang.

Quan chức cấp cao thuộc Bộ Y tế Noor Hisham Abdullah cho biết từ ngày 1/1-19/6, nước này đã ghi nhận 578.105 ca nhiễm mới, trong đó 398.846 ca nhiễm lẻ tẻ, tương đương 69%. Ông Noor Hisham cho biết thêm các ca nhiễm lẻ tẻ được phát hiện thông qua xét nghiệm tại nơi làm việc, trong cộng đồng hoặc thông qua kiểm tra những người có triệu chứng của COVID-19. Điều đáng lo ngại hơn là hầu hết các trường hợp lẻ tẻ không có triệu chứng lâm sàng nên những người không tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh vẫn có thể lây nhiễm cho bất kỳ người nào xung quanh họ.

Chú thích ảnh
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Shah Alam, ngoại ô Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, Malaysia đã đẩy mạnh kế hoạch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 để tạo miễn dịch cộng đồng. Ngày 21/6, Malaysia đã ghi nhận số mũi tiêm vaccine cao nhất trong một ngày với 235.623 mũi kể từ khi Chương trình tiêm chủng quốc gia được triển khai vào ngày 24/2.

Theo Bộ trưởng Y tế, Tiến sỹ Adham Baba, đến nay, 6.051.198 người tại Malaysia đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19, trong đó 4.384.441 người đã được tiêm mũi đầu tiên và 1.666.757 người đã được tiêm đủ liều gồm 2 mũi. Ngoài ra, Bộ trưởng Adham cho biết trong ngày 21/6 có 6 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 đã được phân phối. Trên trang Twitter cá nhân, Tiến sỹ Adham cho biết 5 bang có số người đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine nhiều nhất, lần lượt là Selangor, Sarawak, Johor, Perak và Kuala Lumpur.

Chú thích ảnh
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Shah Alam, ngoại ô Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: AFP/TTXVN

Thái Lan thu hẹp khoảng cách tiêm 2 mũi vaccine để ngăn biến thể Delta

Theo Straits Times, một uỷ ban y tế Thái Lan đã đồng ý thu hẹp khoảng cách giữa hai mũi tiêm vaccine AstraZeneca từ 10-12 tuần xuống 8 tuần ở những nơi đang có các ổ dịch do biến thể Delta (được phát hiện lần đầu ở Ấn Độ).

Động thái này được đưa ra sau khi tuần trước Thái Lan đã huỷ bỏ kế hoạch nâng khoảng cách giữa hai mũi tiêm lên 16 tuần trong nỗ lực cung cấp liều vaccine đầu cho nhiều người hơn. 

Chương trình tiêm chủng COVID-19 của Thái Lan dựa chủ yếu vào vaccine Sinovac/Trung Quốc và AstraZeneca, đã bị trì hoãn một tuần sau khi bắt đầu hồi đầu tháng 6 do thiếu nguồn cung. Đến nay nước này mới tiêm đủ vaccine cho 2,2 triệu người, trong tổng dân số trên 66 triệu.

Chú thích ảnh
Thái Lan phát hiện trường hợp nhiễm biến thể Delta đầu tiên ở Bangkok hồi tháng 5 và đến nay biến thể này đã lan ra 20 tỉnh. Ảnh: Reuters 

Philippines: Tặng gạo khuyến khích tiêm vaccine

Nhằm giúp người dân vượt qua nỗi lo ngại hay tâm lý kén chọn vaccine ngừa COVID-19, Philippines đang áp dụng nhiều sáng kiến, trong đó có treo thưởng những món quà thiết thực. Một khu vực ở ngoại ô thủ đô Manila đã đưa ra ý tưởng tặng các bao tải gạo lớn nhằm khuyến khích người dân tiêm chủng.

Cứ mỗi tuần, vùng Sucat lại treo thưởng 25kg gạo cho 20 người đã tiêm vaccine may mắn bốc thăm được phần thưởng. Quan chức địa phương Jeramel Mendoza cho biết sáng kiến này chủ yếu hướng tới những cư dân thuộc nhóm nghèo hơn vốn không quá quan tâm đến việc tiêm chủng. Theo ông, khi chiến dịch tiêm chủng được tiến hành, có rất ít người đăng ký, chủ yếu là những người giàu hoặc có điều kiện. 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Manila, Philippines, ngày 12/5/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Giới chức Sucat cho biết kể từ khi sáng kiến tặng gạo để khuyến khích tiêm chủng được triển khai vào cuối tháng 5 vừa qua, số liều vaccine được sử dụng hàng ngày đã lên tới 2.000 liều, trong khi trước đó họ chỉ tiêm được khoảng 400 liều/ngày. 

Trong bối cảnh Philippines đang vật lộn với một trong những đợt bùng phát dịch bệnh nghiêm trọng nhất tại châu Á với hơn 1,3 triệu ca mắc và hơn 23.000 ca tử vong, Tổng thống Duterte ngày 21/6 đã cảnh báo phạt tù những người từ chối tiêm vaccine phòng COVID-19.

Tính đến ngày 20/6,  Philippines đã tiêm đủ liều vaccine cho 2,1 triệu người dân, quá ít so với mục tiêu của chính phủ là tiêm chủng cho 70 triệu trong tổng số 110 triệu dân trong năm nay. Philippines đã đặt mua 113 triệu liều vaccine từ 5 nhà sản xuất.

Chú thích ảnh
Người dân chờ xét nghiệm COVID-19 ở Klang, bang Selangor, Malaysia, ngày 30/5/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Lào tăng cường kiểm soát biên giới 

Để ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh từ bên ngoài, đặc biệt là người nhập cảnh bất hợp pháp, Cơ quan kiểm soát và phòng ngừa COVID-19 các tỉnh của Lào giáp biên với Thái Lan đang tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuần tra đường thủy trên sông Mekong.

Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh ở các trạm kiểm soát biên giới cũng được yêu cầu lưu lại toàn bộ thông tin về những người lao động nhập cảnh, trong khi ngành y tế tiến hành các biện pháp sàng lọc và đưa họ đi cách ly tập trung. Ở các bản, chính quyền cũng đang vận động người dân nhanh chóng thông báo trường hợp nghi ngờ nhập cảnh trái phép từ Thái Lan qua sông Mekong.

Trước đó, những người Lào làm việc ở Thái Lan đã tìm cách nhập cảnh bất hợp pháp qua sông Mekong vì không có đủ giấy tờ hợp pháp, đồng thời để tránh phải cách ly y tế, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát dịch bệnh trong cộng đồng. Vì vậy, chính quyền các địa phương giáp biên giới với Thái Lan đang tập trung ngăn chặn tối đa hoạt động này.

Chú thích ảnh
 Các nhân viên y tế tại một điểm tiêm ở thủ đô Vientiane kiểm tra tiền sử bệnh lý của người dân trước khi tiêm vaccine. Ảnh: Phạm Kiên - Phóng viên TTXVN tại Lào

Trong một diễn biến khác liên quan, hãng hàng không quốc gia Lào Lao Airlines thông báo sẽ nối lại các chặng bay nội địa kể từ ngày 25/6 sau hơn hai tháng đình chỉ hoạt động do sự bùng phát của dịch COVID-19. Quyết định này của hãng hàng không quốc gia Lào xuất phát từ bộ quy tắc phòng dịch mới của chính phủ vừa công bố, trong đó cho phép người dân sử dụng dịch vụ vận tải hành khách đường bộ, hàng không và đường thủy giữa thành phố Viêng Chăn và các tỉnh nếu đã tiêm đủ hai mũi vaccine ngừa COVID-19.

Cách đây nửa tháng, Lao Airlines cũng lên kế hoạch mở lại chặng bay, nhưng đã phải hủy bỏ khi nhận thấy không có nhiều người đáp ứng được tiêu chí tiêm đủ hai mũi vaccine ngừa COVID-19. 

Thu Hằng/Báo Tin tức
COVID-19 tới 6h sáng 23/6: Ấn Độ vượt 30 triệu ca nhiễm; Biến thể Delta càn quét Nga
COVID-19 tới 6h sáng 23/6: Ấn Độ vượt 30 triệu ca nhiễm; Biến thể Delta càn quét Nga

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm trên 322.000 ca nhiễm và gần 7.000 ca tử vong. Ấn Độ vượt mốc 30 triệu ca nhiễm và trên 390.000 ca tử vong, trong khi biến thể Delta khiến Nga ghi nhận ca tử vong cao kỷ lục.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN