Theo tờ Foreign Policy, thoạt nhìn thì việc triển khai tiêm chủng toàn cầu có vẻ rất khả quan. Tối thiểu 2,4 tỷ người đã được tiêm ít nhất một liều vaccine. Tuy nhiên, khi phân tích kỹ hơn thì lộ rõ sự bất bình đẳng trong phân phối vaccine. Mới chỉ 480 triệu người được tiêm đầy đủ hai mũi, tương đương 6,2% dân số toàn cầu. Hơn nữa, quá nửa tổng số mũi vaccine COVID-19 được triển khai chỉ ở hai quốc gia: Mỹ và Trung Quốc.
Tuần trước, sau hội nghị thượng đỉnh ở Anh, lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã cam kết tặng thêm 1 tỷ liều vaccine cho các nước nghèo trong năm 2021 và 2022. Mỹ cho biết sẽ cung cấp 500 triệu liều vaccine, phần lớn thông qua cơ chế vaccine toàn cầu COVAX. Trung Quốc cũng đã xuất khẩu trên 250 triệu liều vaccine cho các quốc gia.
Bất chấp nỗ lực ngoại giao vaccine của các nước nói trên, thế giới vẫn cần đầu tư nhiều hơn thế rất nhiều. Số liều vaccine được chuyển tới các nước thu nhập thấp chiếm chưa đầy 1% trong tổng số hàng tỷ liều vaccine được phân phối tới nay. Với tốc độ phân phối hiện nay, phải đến năm 2024 mọi quốc gia mới có đủ nguồn cung để tiêm cho người dân.
Ngoài yếu tố chủ nghĩa dân tộc vaccine và gián đoạn nguồn cung, vấn đề khó khăn tài chính cũng làm chậm tiến độ tiêm chủng vaccine COVID-19 ở các nước nghèo. Để đạt mục tiêu khiêm tốn là tiêm chủng cho 20% dân số tại 92 quốc gia thu nhập thấp vào cuối năm 2021, COVAX cần thêm 2,8 tỷ USD nữa.
Trì hoãn phân phối vaccine nguy hiểm và tốn kém với mọi quốc gia. Các đợt bùng phát dịch bệnh lặp đi lặp lại sẽ khiến kinh tế toàn cầu trì trệ kéo dài. Tính tới nay, sản lượng kinh tế thế giới đã thiệt hại 28.000 tỷ USD. Càng để các biến thể nguy hiểm có thời gian ủ bệnh và lây lan lâu hơn thì càng có nguy cơ xuất hiện biến thể kháng vaccine. Như Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nói: “Chúng ta (nước Mỹ) sẽ không an toàn chừng nào thế giới chưa an toàn”.
Do đó, cần nỗ lực toàn diện để tài trợ cho cơ chế COVAX và Liên minh Vaccine Toàn cầu (Gavi). Phân tích mạng lưới tài trợ cho Gavi và COVAX cho thấy hai đặc điểm nổi bật. Thứ nhất, các chính phủ hỗ trợ tài chính phần lớn. Trong tổng số 9,5 tỷ USD đã cam kết thì 8,8 tỷ USD tới từ các chính phủ. Thứ hai, mặc dù số tiền còn lại tương đối nhỏ nhưng được quyền góp từ nhiều tổ chức đa dạng, như tổ chức thiện nguyện, tập đoàn, tổ chức xã hội dân sự…
Các tổ chức như Gavi là mô hình cho hợp tác quốc tế kiểu mới và cần được củng cố để gây ảnh hưởng tới tiến độ phân phối vaccine COVID-19.
Theo tờ Foreign Policy, Liên hợp quốc cần dẫn đầu nỗ lực gây quỹ để thu hút thêm đóng góp từ khu vực tư nhân và thiện nguyện. Mặc dù có nhiều tổ chức đã đóng góp cho Gavi nhưng tổng số tiền vẫn tương đối nhỏ: 331 triệu USD và gần một nửa do quỹ Bill & Melinda Gates tài trợ.
Cơ hội đóng góp cho Gavi của khu vực tư nhân và thiện nguyện còn nhiều và cần được đẩy mạnh. Theo nghiên cứu của ngân hàng UBS, có trên 260.000 tổ chức ở 39 quốc gia với tổng tài sản trị giá hơn 1,5 nghìn tỷ USD. Chi tiêu hàng năm của các tổ chức này vượt 150 tỷ USD/năm.
Ngoài ra, Liên hợp quốc cũng có thể kêu gọi đóng góp từ 6.000 tập đoàn đã ký Hiệp ước Toàn cầu Liên hợp quốc. Cho dù chỉ có 30 tập đoàn hưởng ứng lời kêu gọi và mỗi tập đoàn đóng góp 10 triệu USD cho Gavi thì tổng con số đã hơn gấp đôi con số đóng góp của khối này hiện nay.
Đây không phải là vấn đề khó khăn. 500 công ty lớn nhất Mỹ nằm trong danh sách của tạp chí Fortune chi 20 tỷ USD hàng năm cho hoạt động trách nhiệm xã hội doanh nghiệp, trung bình mỗi công ty 40 triệu USD.
Tiêm chủng toàn cầu là nhu cầu cấp thiết và đóng góp vào nỗ lực này sẽ có lợi cho uy tín của công ty. Ngoài ra, khoản đóng góp cũng sẽ có lợi cho chính các công ty khi mà phục hồi kinh tế toàn cầu phụ thuộc vào tiêm chủng và đại dịch đang khiến các ngành toàn cầu thiệt hại hàng tỷ USD doanh thu.