WHO tính thành lập trung tâm sản xuất vaccine COVID-19 tại Nam Phi

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang trong quá trình thảo luận thành lập trung tâm sản xuất vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên tại Nam Phi.

Chú thích ảnh
Một cơ sở xét nghiệm nhanh tại Cape Town, Nam Phi. Ảnh: AP

Động thái này được cho là sẽ thúc đẩy nguồn cung tới châu lục đang bị han chế trong việc tiêm cận vaccine COVID-19.

Theo hãng tin AP, WHO sẽ hợp tác với các nhà sản xuất dược phẩm Biovac và Afrigen Biologics Vaccine để phát triển các cơ sở đào tạo cho các nhà sản xuất vaccine khác nhằm có khả năng tạo ra các liều vaccine sử dụng công nghệ cao mRNA.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreysus ngày 21/6 cho biết: “Chúng tôi đang thảo luận với một số công ty quan tâm đến việc cung cấp công nghệ mRNA. Công nghệ này đã được sử dụng trong vaccine của các hãng Pfizer-BioNTech và Moderna”.

Trong một cuộc họp báo, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa bày tỏ châu Phi sẽ sớm có khả năng “bảo vệ sức khỏe của người dân” với sự hỗ trợ chuyển giao công nghệ vaccine của WHO.

Các quốc gia nghèo ở châu Phi và những nơi khác đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng vaccine ngừa COVID-19 mặc dù một số quốc gia có khả năng sản xuất vaccine. “Các công ty cần chia sẻ công nghệ càng nhanh thì chúng ta mới có thể chấm dứt đại dịch này sớm được”, Lara Dovifat, cố vấn chiến dịch và vận động cho Tổ chức Bác sĩ không biên giới, nhấn mạnh.

Nhiều nhà máy ở Canada, Bangladesh, Đan Mạch đã kêu gọi các công ty dược phẩm chia sẻ công nghệ sản xuất vaccine, cho rằng dây chuyền sản xuất nhàn rỗi của họ có thể tạo ra hàng triệu liều vaccine nếu không bị cản trở bởi luật sở hữu trí tuệ và các quy định hạn chế khác.

Tính đến thời điểm hiện tại, trên 1 tỷ liều vaccine đã được sử dụng trên toàn cầu nhưng trong đó chưa đến 1% đến tay các nước nghèo.

Nam Phi chiếm gần 40% tổng số ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận ở châu Phi và hiện phải đối mặt với một đợt dịch bùng phát mới. Tuy nhiên, chương trình tiêm chủng tại đây diễn ra tương đối chậm do những trì hoãn trong việc vận chuyển vaccine.

Mặc dù Nam Phi không trực tiếp sản xuất bất kỳ loại vaccine COVID-19 nào song công ty dược phẩm Aspen Pharmacare của nước này có tham gia trộn thành phần và đóng gói vaccine một liều của hãng Johnson & Johnson. Đầu tháng này, công ty Aspen Pharmacare phải hủy bỏ 2 triệu liều vaccine do các thành phần bên Mỹ gửi bị nghi là không đảm bảo an toàn.

Các quan chức của WHO cho biết mặc dù công nghệ chuyển giao vaccine mới hy vọng sẽ tăng nguồn cung vaccine trong tương lai cho châu Phi nhưng nó sẽ không giải quyết được cuộc khủng hoảng ngay lập tức vì sẽ mất hàng tháng để bất kỳ nhà máy mới nào có đủ khả năng sản xuất vaccine.

Với hàng chục quốc gia tuyệt vọng chờ đợi thêm vaccine qua sáng kiến COVAX, WHO đang tìm cách thuyết phục các quốc gia giàu có tài trợ vaccine để đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng toàn cầu. Tuy nhiên, Tiến sĩ Michael Ryan - Giám đốc Chương trình khẩn cấp của WHO - thừa nhận các quốc gia trên hầu như từ chối chia sẻ vaccine ngay lập tức vì họ muốn ưu tiên cho công dân nước họ. Về mặt lâu dài, việc chuyển giao công nghệ vaccine sẽ hữu ích nhưng hiện nó không thể ngăn chặn được đà các ca mắc gia tăng hiện nay. 

Bảo Hà/Báo Tin tức
Vaccine của Cuba đạt hiệu quả cao trong thử nghiệm lâm sàng
Vaccine của Cuba đạt hiệu quả cao trong thử nghiệm lâm sàng

Ngày 21/6, tập đoàn công nghệ sinh học và dược phẩm BioCubaFarma (Cuba) thông báo kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối đối với ứng viên vaccine Abdala đạt hiệu quả hơn 92% trong phòng bệnh COVID-19. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN