Singapore tham vọng với sáng kiến sức khỏe mới: Mỗi người dân, một bác sĩ gia đình

Sáng kiến đầy tham vọng của Singapore để mỗi người dân có một bác sĩ gia đình và một kế hoạch sức khỏe đến cuối đời dự kiến triển khai từ nửa cuối năm 2023.

Chú thích ảnh
Bác sĩ gia đình sẽ nắm rõ tình trạng sức khỏe và điều kiện gia đình của bệnh nhân để đưa ra lời tư vấn tốt nhất. Ảnh: CNA

Với chương trình Healthier SG, Bộ Y tế Singapore đặt mục tiêu chuyển trọng tâm từ "chăm sóc bệnh tật" sang “chăm lo sức khỏe dự phòng”.

Theo kênh Channel News Asia (CNA), là một phần của chiến lược mới nhằm thúc đẩy việc chăm sóc sức khỏe dự phòng cho người dân Singapore, những người tham gia chương trình sẽ được hỗ trợ đầy đủ với các dịch vụ khám sức khỏe và tiêm chủng theo khuyến nghị của chính phủ.

Ngày 21/9, Bộ Y tế Singapore đã đệ trình Sách trắng về chương trình Healthier SG lên Quốc hội sau khi tham vấn ý kiến người dân, các chuyên gia chăm sóc sức khỏe, đối tác cộng đồng, công ty bảo hiểm và các bên liên quan khác trong 6 tháng qua. Sách Trắng sẽ được đưa ra thảo luận tại Quốc hội vào tháng 10.

Trong sáng kiến ​​Healthier SG nhằm mục đích để người dân tự chịu trách nhiệm chăm sóc sức khỏe của bản thân, người dân sẽ được đăng ký với một bác sĩ duy nhất, là bác sĩ đa khoa hoặc là bác sĩ phòng khám. Người này có trách nhiệm hỗ trợ người dân khi có nhu cầu sức khỏe đến cuối đời.

Theo kế hoạch, người dân tham gia tự nguyện chương trình Healthier SG có thể đặt lịch tư vấn khám sức khỏe tổng quát trực tiếp và toàn bộ chi phí được chính phủ chi trả. Sau đó, người dân sẽ lập kế hoạch sức khỏe với bác sĩ riêng và theo dõi diễn biến sức khỏe về lâu dài.

Thông báo trong một cuộc thảo luận hồi tháng 3 của Bộ Y tế Singapore, chương trình Healthier SG ban đầu sẽ áp dụng cho những người trên 60 tuổi từ nửa năm cuối 2023. Hiện Singapore ước tính có khoảng 1 triệu người trong độ tuổi đó. Trong 2 năm tiếp theo, chương trình sẽ được mở rộng ra nhóm từ 40 đến 59 tuổi.

Chương trình này là một phần trong nỗ lực của chính phủ Singapore nhằm giải quyết hai thách thức chính mà nước này đang phải đối mặt - dân số già và xu hướng gia tăng của bệnh mãn tính.

Đến năm 2030, Singapore dự báo 1/4 dân số trên 65 tuổi. Bộ Y tế nước này cho biết tỷ lệ người dân mắc các bệnh mãn tính như cao huyết áp và máu mỡ cũng có chiều hướng gia tăng, lần lượt chiếm 32% và 37% tổng dân số.

Chú thích ảnh
Người dân ngồi chờ tại một cơ sở khám bệnh. Ảnh: Mediacorp

Bộ Y tế Singapore chỉ ra trong 5 người thì chỉ có 3 người có bác sĩ gia đình. Những người thường xuyên đến bác sĩ gia đình thăm khám và tư vấn cũng ít bị nhập viện hay đưa vào các khoa cấp cứu hơn.

“Chúng tôi để người dân tự lựa chọn bác sĩ gia đình của riêng mình. Bạn có thể chọn một người gần nhà hoặc bác sĩ trong công ty. Sau đó, hãy cam kết thực hiện mối quan hệ một người dân – một bác sĩ hoặc một người dân – một phòng khám”, Bộ trưởng Y tế Ong Ye Kung giải thích.

Nhà chức trách nói thêm một mối quan hệ lâu dài giữa người dân và bác sĩ gia đình là cần thiết để sáng kiến chăm sóc sức khỏe phòng ngừa đạt hiệu quả.

“Một bác sĩ duy nhất sẽ thực sự biết rõ về tình trạng của bạn, về điều kiện của gia đình bạn, từ đó có thể tư vấn, thuyết phục để giúp bạn duy trì kế hoạch sức khỏe”, Bộ trưởng Ong lý giải.

Trong quá trình hỏi ý kiến người dân, một trong những mối quan tâm chính được nêu ra là chi phí cho việc khám sàng lọc định kỳ. Chính phủ đang giải quyết mối lo này thông qua việc trợ cấp hoàn toàn cho các cuộc khám sàng lọc và tiêm chủng được khuyến nghị đối với người dân.

Bộ Y tế cũng đề xuất bỏ yêu cầu người dân phải thanh toán một phần hóa đơn khám chữa bệnh bằng tiền mặt thông qua ứng dụng MediSave để chăm sóc bệnh mãn tính. Người dân mắc các bệnh mãn tính cũng có thể nhận được thuốc với giá cả phải chăng theo Chương trình Hỗ trợ Y tế Cộng đồng.

Người dân sẽ được phép lựa chọn bác sĩ gia đình. Họ có thể đổi tối đa bác sĩ bốn lần trong hai năm đầu tiên đăng ký và một lần một năm sau đó.

Về phần mình, khi được hỏi ý kiến về chương trình mới, 1.000 chuyên gia chăm sóc sức khỏe cho rằng cần có một mô hình kinh doanh khả thi để quản lý bệnh nhân cũng như bày tỏ lo ngại về khối lượng công việc hành chính và chi phí hỗ trợ công nghệ thông tin (CNTT).

Để đáp ứng yêu cầu, chính phủ sẽ trả cho bác sĩ gia đình khoản phí dịch vụ hàng năm dựa trên hồ sơ rủi ro sức khỏe của các bệnh nhân. Chính phủ cũng sẽ tài trợ một lần cho các bác sĩ gia đình để bù đắp chi phí ứng dụng CNTT để tạo điều kiện thuận lợi cho việc chia sẻ các ghi chú, dữ liệu lâm sàng và theo dõi kết quả của bệnh nhân.

Bảo Hà/Báo Tin tức (Theo CNA)
Mỹ: Tăng tỷ lệ giới trẻ điều trị sức khỏe tâm thần trong đại dịch COVID-19
Mỹ: Tăng tỷ lệ giới trẻ điều trị sức khỏe tâm thần trong đại dịch COVID-19

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ vừa công bố số liệu cho thấy tỷ lệ thanh niên tại nước này từ 20-24 tuổi được điều trị sức khỏe tâm thần đã tăng lên trong giai đoạn dịch COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN