Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 17/6 kêu gọi tất cả các nước đầu tư nhiều hơn cho sức khỏe tâm thần của người dân, nhấn mạnh rằng vấn đề này ngày càng trầm trọng do đại dịch COVID-19.
Trong "Báo cáo sức khỏe tâm thần trên thế giới” (WMHR) - báo cáo rà soát vấn đề sức khỏe tâm thần quy mô lớn nhất trong 2 thập kỷ qua của WHO, cơ quan này nêu rõ ngay cả trước khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, trên thế giới đã có gần 1 tỷ người có rối loạn về tinh thần. Trong năm đầu tiên của đại dịch, tỷ lệ trầm cảm và lo lắng tăng 1/4.
Theo báo cáo, chỉ 2% ngân sách y tế quốc gia và chưa đến 1% viện trợ y tế quốc tế dành cho lĩnh vực sức khỏe tâm thần.
Phát biểu tại họp báo, ông Mark Van Ommeren, chuyên gia lĩnh vực sức khỏe tâm thần của WHO, nhấn mạnh mức chi trên là "rất, rất thấp". Ông nêu rõ: "Mối quan tâm đến sức khỏe tâm thần hiện ở mức cao nhất từ trước tới nay do đại dịch, nhưng đầu tư cho lĩnh vực này chưa tăng”. Theo ông, báo cáo của WHO cung cấp cho các quốc gia thông tin về cách đầu tư tốt hơn cho sức khỏe tâm thần.
Theo báo cáo của WHO, trên thế giới cứ 8 người thì có 1 người có những rối loạn về tinh thần. Tình hình còn tệ hơn tại các vùng có xung đột, nơi ước tính cứ 5 người thì có 1 người gặp phải vấn đề về sức khỏe tâm thần. Giới trẻ, phụ nữ và người đã từng gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần chịu tác động nặng nề hơn của dịch COVID-19 và các biện pháp hạn chế do dịch.
Báo cáo trên cũng đề cập khoảng cách rất lớn giữa các quốc gia về khả năng tiếp cận các chăm sóc sức khỏe tâm thần. Trong khi hơn 70% người gặp vấn đề về tâm thần ở các nước có thu nhập cao được điều trị, tỷ lệ này ở các nước có thu nhập thấp chỉ ở mức 12%.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh: "Đầu tư vào sức khỏe tâm thần chính là đầu tư cho một cuộc sống tốt đẹp hơn và tương lai tươi sáng hơn cho tất cả mọi người".