Theo giám đốc Cơ quan y tế công cộng Pháp Jérôme Salomon, số người bị rơi vào trạng thái trầm cảm đã tăng gấp đôi từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 11. Có nhiều người không nhìn thấy "triển vọng nào" cho tương lai. Bộ trưởng Y tế Olivier Véran nhấn mạnh quyết tâm tránh "làn sóng thứ ba", làn sóng ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của người dân. Thậm chí các chuyên gia tâm lý đã lên tiếng cảnh báo về "một làn sóng tự tử" đáng lo ngại, trong bối cảnh kỳ nghỉ lễ cuối năm đang đến gần trong sự ảm đạm của một năm dịch bệnh. Theo viện Ifop, nguy cơ dường như tăng cao trong lần phong tỏa quốc gia thứ hai này.
Còn quá sớm để có số liệu về các vụ tự tử tại Pháp trong năm 2020. Nhưng theo kết quả khảo sát, 20% số người được hỏi cho biết đã từng nghĩ đến việc tự tử, trong đó 11% trong lần phong tỏa quốc gia đầu tiên và 17% sau khi kết thúc lệnh phong tỏa. Theo nhà xã hội học Michel Debout, đồng tác giả của cuộc khảo sát, những con số trên khiến mọi người nhận thức được rằng cuộc khủng hoảng đang ở trước mắt. Kể từ cuộc khủng hoảng năm 1929 ở Mỹ, "tất cả các nghiên cứu cho thấy tác động tự tử của các cuộc khủng hoảng được ghi nhận trong khoảng thời gian vài tháng, thậm chí vài năm sau đó", ông Debout nhắc lại. Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, đỉnh điểm của số vụ tự tử được xác định vào các năm 2009 và 2010.
Theo ông Michel Debout, điều nghịch lý là nguy cơ tự tử lại lớn hơn vào thời điểm dỡ bỏ lệnh phong tỏa. Trong thời gian phong tỏa đầu tiên, tất cả người dân Pháp đều được đối xử như nhau. Đối mặt với mối đe dọa từ dịch bệnh mới, những người có xu hướng trầm cảm hoặc gặp khó khăn trong xã hội trở nên giống như những người khác. Tình đoàn kết đã được thể hiện rõ, tạo ra một động lực sống. Song sự khác biệt trở lại sau khi hết phong tỏa: người thất nghiệp vẫn thất nghiệp, trong khi những người lao động khác tiếp tục công việc... Nhà xã hội học cảnh báo rằng đó sẽ là những bệnh nhân tương lai trong bệnh viện, thay thế những người mắc COVID-19.
Cuộc khảo sát xác định 3 nhóm nghề nghiệp xã hội bị ảnh hưởng đặc biệt : các nhà quản lý doanh nghiệp (27% có ý định tự tử trong năm 2020), các nhà sản xuất và buôn bán nhỏ (25%), những người thất nghiệp (27%). Trong số các nhà sản xuất và buôn bán nhỏ từng nghĩ đến việc tự tử, 42% đã hành động, dẫn đến việc nhập viện. Vào giữa tháng 11, một chủ nhà hàng 36 tuổi đã đặt dấu chấm hết cuộc đời mình ở thị trấn Plougoumelen, tỉnh Morbihan. Một tuần sau, một nhân viên của nhà máy Verallia ở thành phố Châteaubernard, tỉnh Charente, đã tìm đến cái chết sau khi biết rằng ban lãnh đạo đang xem xét việc sa thải hơn 80 vị trí làm việc.
Hiệp hội hỗ trợ tâm lý cho các doanh nhân Apesa France đã chăm sóc 941 người tính đến ngày 23/11, so với 601 người cùng kỳ năm ngoái. Bruno, một doanh nhân phá sản, đã từng tự hào vì “luôn làm việc mà không cần sự hỗ trợ của bất kỳ ai”. Vậy mà hiện nay ông bị dồn vào đường cùng và biết rằng sẽ không có lối thoát. "Tôi đã từng quyết định tự sát. Song tôi còn vợ và một đứa con gái...", ông tâm sự.
Đối với bà Caroline, ba đứa con là nguồn động lực giúp bà trụ vững. Doanh nhân 50 tuổi này đã tiếp quản một công việc kinh doanh mới chỉ một năm trước. Bà phải đối mặt với hàng loạt khó khăn, từ nhân lực đến nguồn tài chính. Bà chia sẻ : “Tôi thậm chí không dám mở hộp thư nữa, tôi rất sợ những chồng hóa đơn trong đó. Tôi đã nghĩ đến việc kết thúc: thật khó để trở về nhà vào buổi tối và không thể nói chuyện với ai”.
Ông Marc Binnié, chủ tịch Hiệp hội Apesa France, cho biết tất cả các ngành nghề thủ công, như thợ mộc, thợ giày, thợ kim hoàn… đều bị ảnh hưởng. "Đỉnh điểm trong đợt phong tỏa thứ hai này, chúng tôi nhận khoảng 50 cuộc gọi mỗi ngày", ông nói. Trong lần phong tỏa đầu tiên, rất nhiều video hài được đưa lên mạng Internet. Song trong đợt phong tỏa thứ hai này, "mọi người ít muốn cười hơn. Hiện nay mọi người đều quan tâm đến số phận của các doanh nhân, phải tránh để họ cảm thấy bị bỏ rơi khi người khác tiến lên phía trước", ông Binnié nhấn mạnh.
Hội SOS Amitié hiện nhận từ 8.000 đến 10.000 cuộc gọi mỗi ngày, so với khoảng 5.000 - 6.000 hồi mùa xuân. Năm ngoái, 14% cuộc gọi đề cập đến vấn đề tự tử. Năm nay, con số đó là "một trên ba hoặc bốn cuộc gọi".
Một nhóm nghề nghiệp khác cũng đang rơi vào tình trạng căng thẳng, đó là những nhân viên bệnh viện. Một nửa số bác sĩ nói rằng có các triệu chứng kiệt sức, theo trang web Medscape. Trong đó gần 1/3 được cho là đang nghĩ đến việc tự tử. Về phía sinh viên, theo khảo sát của Đại học Lille công bố cuối tháng 10, khoảng 11,4% số người được hỏi đã thoáng có ý nghĩ tự tử. Hiệu trưởng trường Đại học Strasbourg, Michel Deneken, cảnh báo trên Franceinfo rằng "sự kiệt sức tâm lý" của các sinh viên "sẽ gây chết chóc nhiều hơn cả virus".
Trong vài tuần qua, các bác sĩ tâm thần đã thăm khám cho hàng loạt người vốn không phải là bệnh nhân thường xuyên hỏi tư vấn: thanh niên và người cao tuổi. Ông Jean-Jacques Pirez, chủ tịch của SOS Amitié tại Paris và vùng Île-de-France, lưu ý rằng các trạng thái trầm cảm trở nên nghiêm trọng hơn bởi cảm giác bất lực, ở cả cá nhân lẫn tập thể.
Rõ ràng là rất nhiều người đã không thể lấy lại tinh thần sau đợt phong tỏa mùa xuân, lại phải tiếp tục đối mặt với những khó khăn của đợt phong tỏa mùa thu kéo dài đến kỳ nghỉ lễ cuối năm. "Những suy nghĩ u ám có thể xuất hiện, sau khi mọi người đã nỗ lực hết sức để trụ vững lúc cao điểm của dịch bệnh", ông Pirez cảnh báo.