Pháp chưa tính đến dỡ bỏ lệnh phong tỏa

Ngày 18/11, người phát ngôn Chính phủ Pháp Gabriel Attal cho biết Pháp khó có thể dỡ bỏ lệnh phong tỏa một phần trong thời gian tới, cho dù một số biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 có thể được nới lỏng trước lễ Giáng sinh.

Chú thích ảnh
 Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Marseille, Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN

Trao đổi với báo giới, ông Attal cho hay Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và các bộ trưởng đã nhóm họp về cuộc khủng hoảng dịch COVID-19, trong đó thảo luận đề xuất nới lỏng một số hạn chế từ ngày 1/12 "nếu điều kiện cho phép". Tuy nhiên, ông Attal khẳng định Pháp chưa thể dỡ bỏ phong tỏa trong thời gian tới. 

Phát biểu của ông Attal được đưa ra trong bối cảnh các doanh nghiệp Pháp đang kêu gọi chính phủ cho phép các cửa hàng mở cửa trở lại vào ngày 27/11 - ngày hội mua sắm Black Friday. Các doanh nghiệp lo ngại sự cạnh tranh của các tập đoàn thương mại trực tuyến như Amazon trong bối cảnh xu hướng mua hàng tại nhà gia tăng do dịch COVID-19 khiến người dân ít ra đường. 

Dự kiến, trong tuần tới, Tổng thống Macron sẽ có bài phát biểu về tình hình dịch COVID-19, trong đó đề cập kế hoạch liên quan hoạt động đi lại và tụ họp gia đình của người dân trong kỳ nghỉ lễ Giáng sinh. 

Theo số liệu của Bộ Y tế Pháp, số ca mắc mới COVID-19 ở Pháp ghi nhận trong ngày 17/11 là 12.587 ca, thấp hơn rất nhiều so với mức 50.000-60.000 ca/ngày khi Tổng thống Macron ban bố lệnh phong tỏa một phần hồi tháng trước. Tuy nhiên, ông Macron khẳng định số ca mắc mới phải giảm xuống dưới 5.000 ca/ngày thì chính phủ mới có thể bắt đầu nới lỏng các hạn chế.

Trong khi đó, Chính phủ Bồ Đào Nha đang nỗ lực đối phó với làn sóng lây lan dịch COVID-19 thứ hai. Dự kiến, ngày 20/11 tới, Quốc hội Bồ Đào Nha sẽ thông qua dự luật gia hạn tình trạng khẩn cấp thêm 2 tuần. Theo đó, kể từ ngày 23/11, những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 ở nước này sẽ tiếp tục áp dụng các biện pháp khẩn cấp phòng dịch, trong đó có lệnh giới nghiêm vào ban đêm và cuối tuần. Phát biểu với báo giới ngày 18/11, Bộ trưởng Y tế Bồ Đào Nha Marta Temido cảnh báo làn sóng lây nhiễm thứ hai ở nước này sẽ vẫn rất đáng lo ngại trong 2-3 tuần tới. 

Chú thích ảnh
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Cascais, Bồ Đào Nha. Ảnh: AFP/TTXVN

Kể từ ngày 16/11 vừa qua, Bồ Đào Nha thực hiện phong tỏa một phần nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan. Theo thống kê, kể từ cuối tháng 9, cứ sau 2 tuần tỷ lệ lây nhiễm ở Bồ Đào Nha tính trên dân số lại tăng gần gấp đôi và hiện tỷ lệ này đã vượt Pháp, Italy và Bỉ. Hầu hết số giường bệnh dành riêng điều trị bệnh nhân COVID-19 ở nước này đã kín chỗ.

Tình hình dịch COVID-19 cũng đang diễn biến phức tạp ở Luxembourg, buộc chính phủ nước này phải gấp rút chuẩn bị cho đợt phong tỏa lần thứ hai.

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel mới đây tuyên bố: “Nếu các chỉ số không được cải thiện, ngày 23/11 tới chính phủ sẽ đề nghị quốc hội thông qua các biện pháp mới”. Cũng theo Thủ tướng Bettel, Chính phủ Luxembourg đã chuẩn bị đề xuất đợt phong tỏa lần hai nhằm ngăn chặn đà lây lan của dịch COVID-19 đang gây quá tải cho hệ thống y tế.

Với dân số chỉ hơn 600.000 người, hiện quốc gia châu Âu nhỏ bé này đã có tới 27.681 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 240 ca tử vong. Số ca chuyển bệnh nặng phải nhập viện tại Luxembourg hiện là 211 ca, trong đó có 46 ca nguy kịch.

Phan An - Đức Hùng (TTXVN)
Nhật Bản và Hàn Quốc trong tình trạng cảnh giác cao độ với dịch COVID-19
Nhật Bản và Hàn Quốc trong tình trạng cảnh giác cao độ với dịch COVID-19

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, ngày 19/11, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide cho biết nước này đang trong trạng thái “cảnh giác cao nhất” trước đại dịch COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN