COVID-19 tới 6 giờ sáng 19/11: Thế giới trên 10.300 ca tử vong/ngày; Mỹ và châu Âu diễn biến rất nghiêm trọng

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 560.949 trường hợp mắc COVID-19 và 10.306 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu tăng lên trên 56,5 triệu người.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở Muret, Pháp ngày 17/11/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 19/11 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 56.500.421 ca, trong đó có 1.353.376 người thiệt mạng.

Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 217 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 39.302.041 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch hiện là 101.086 ca và 15.845.004 ca đang điều trị tích cực.

Ngày 18/11, thế giới có tới 152 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 104 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua tăng mạnh trở lại. Dịch tiếp tục chuyển tâm từ Mỹ, Ấn Độ và Brazil sang diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước. Châu Âu và Mỹ tình hình dịch bệnh đang vô cùng đáng ngại.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 từ xe cứu thương vào một bệnh viện ở Lorient, Pháp ngày 4/11/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong vòng 1 ngày qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới là Mỹ (135.629 ca), Ấn Độ (45.439 ca) và Italy (34.283 ca); trong khi đó Mỹ (với 1.516 ca), Italy (753 ca) và Brazil (712 ca) ghi nhận số ca tử vong cao nhất.  

Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia. Diễn biến dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi một số quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới. Châu Âu và Mỹ lại đang chứng kiến đợt bùng phát dịch mới nghiêm trọng hơn nhiều khi số ca bệnh tăng mại trở lại ở các nước thành viên.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 khi xếp hàng bên ngoài một cửa hàng thực phẩm ở Brooklyn, New York, Mỹ, ngày 12/11/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 255.814 ca tử vong trong tổng số 11.835.724 ca mắc. Đứng thứ hai thế giới là Ấn Độ với 8.958.143 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 131.618 ca tử vong.

Brazil đứng thứ 3 thế giới với 5.911.758 ca mắc và 167.455 ca tử vong. Đứng thứ 4 là Pháp 2.036.755 ca mắc và 46.237 ca tử vong. Đứng thứ 5 là Nga với 1.991.998 ca mắc và 34.387 ca tử vong do COVID-19.

Chú thích ảnh
Bên ngoài sàn giao dịch chứng khoán ở New York, Mỹ ngày 9/11/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 18/11, Thị trưởng thành phố New York, ông Bill de Blasio thông báo thành phố sẽ đóng cửa các trường công lập kể từ ngày 19/11 do tỷ lệ nhiễm COVID-19 gia tăng trong thành phố, và tất cả học sinh sẽ học từ xa trong khoảng thời gian không xác định.

Trong thông báo viết trên Twitter, ông Bill de Blasio cho biết: "Thành phố New York đã đạt đến ngưỡng trung bình 3% trường hợp nhiễm COVID-19 trong vòng 7 ngày. Thật không may, điều này có nghĩa là các trường công lập sẽ đóng cửa kể từ ngày 19/11”. Trước đó, ông Bill de Blasio đã đưa ra cảnh báo các trường công lập trong thành phố New York sẽ phải đóng cửa nếu tỷ lệ nhiễm COVID-19 của thành phố tăng trên 3% trong vòng 1 tuần.

Việc thành phố New York đóng cửa các trường công lập, với 1,1 triệu học sinh, là lần đóng cửa mới nhất và lớn nhất trong làn sóng đóng cửa các trường học trên khắp nước Mỹ trong những ngày gần đây, khi tỷ lệ nhiễm COVID-19 đang tăng nhanh chóng.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Stockholm, Thụy Điển, ngày 3/11/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Tại "điểm nóng" châu Âu, Pháp đã trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên vượt mốc 2 triệu ca mắc COVID-19, cho dù đợt phong tỏa toàn quốc lần hai từ ngày 30/10 đã phần nào hạn chế được tốc độ lây nhiễm.

Tính đến thời điểm hiện tại, Pháp đứng thứ 4 thế giới về số ca mắc COVID-19 (sau Mỹ, Ấn Độ và Brazil) và đứng thứ 3 ở châu Âu về số ca tử vong (sau Anh và Italy).

Anh cũng ghi nhận số ca tử vong theo ngày cao nhất kể từ ngày 5/6. Theo số liệu thống kê chính thức của Bộ Y tế Anh, số ca tử vong tại nước này trong 24 giờ qua tăng cao kỷ lục - 598 ca, nâng tổng số ca tử vong lên 52.745 trong tổng số 1.410.732 bệnh nhân. Anh trở thành nước đứng thứ 5 thế giới về số ca tử vong do COVID-19.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Moskva, Nga ngày 28/10/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Trong vòng 24 giờ qua, Nga cũng có 20.985 ca nhiễm mới và 456 ca tử vong do COVID-19. Đây là ngày có số ca tử vong cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này,  Ba Lan cùng ngày cũng ghi nhận số ca tử vong trong vòng một ngày ở mức cao kỷ lục với 603 ca. Số ca mắc mới trong vòng 24 giờ qua tại Ba Lan cũng tăng thêm 19.883 ca.

Bộ Y tế Ukraine cũng thông báo trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 256 ca tử vong, con số cao nhất kể từ khi dịch bùng phát, nâng tổng số ca mắc không qua khỏi tại nước này lên 10.112 ca.

Cũng trong 24 giờ qua, Ukraine ghi nhận thêm 12.496 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc lên 570.153 ca. Thụy Điển cũng thông báo 96 ca tử vong mới trong vòng 24 giờ qua, mức cao nhất trong vòng 3 tháng qua, nâng tổng số lên 6.321 ca.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 trên tàu điện ngầm ở Budapest, Hungary, ngày 10/9/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Hungary đã quyết định gia hạn tình trạng khẩn cấp đến tháng 2/2021 nhằm ngăn chặn dịch bệnh, trong đó áp đặt lệnh giới nghiêm từ 20h tối hôm trước đến 5h sáng hôm sau, cấm tập trung đông người, bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng, và triển khai học trực tuyến cho các trường trung học và đại học.

Theo Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu (ECDC), tỷ lệ tử vong do COVID-19 trung bình trong vòng 7 ngày, tính đến ngày 18/11, tại Hungary hiện cao thứ 4 ở châu Âu, sau CH Séc, Bỉ và Bulgaria. Ngày 18/11, Hungary ghi nhận hơn 4.200 ca nhiễm mới.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 12/11/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng ban bố lệnh giới nghiêm vào cuối tuần, đồng thời yêu cầu các nhà hàng chuyển sang dịch vụ giao đồ ăn trong bối cảnh số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 gia tăng.

Lệnh giới nghiêm sẽ có hiệu lực từ 20h tối hôm trước đến 10h sáng hôm sau và bắt đầu vào cuối tuần này.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại một cửa hàng ở Tokyo, Nhật bản, ngày 21/4/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN

Tại châu Á, Nhật Bản và Hàn Quốc đối mặt với làn sóng lây nhiễm mới trên diện rộng. Giới chức y tế Nhật Bản đã xác nhận thêm 1.699 ca nhiễm mới COVID-19 trên toàn quốc, đáng chú ý, có tới 6 trên tổng số 47 tỉnh, thành ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất từ trước tới nay.

Trong đó, thủ đô Tokyo cùng ngày công bố 493 ca mắc mới, số ca mắc trong ngày cao nhất kể từ khi dịch bùng phát, nâng tổng cộng lên hơn 35.000 ca mắc.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp ở thủ đô Tokyo, chính quyền thành phố này đang cân nhắc khả năng nâng mức cảnh báo về dịch bệnh lên mức cao nhất.

Chú thích ảnh
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Suncheon, Hàn Quốc, ngày 8/11/2020. Ảnh: YONHAP/TTXVN

Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết nước này đã ghi nhận thêm 313 ca mắc mới, trong đó 245 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca nhiễm trong nước lên 29.311 ca. Đây là lần đầu tiên kể từ ngày 29/8, số ca nhiễm mới tại nước này vượt mức 300 ca/ngày và là ngày thứ 4 liên tiếp số ca nhiễm mới tăng trên 200 ca/ngày.

Trung Quốc xác nhận thêm 2 ca mắc cộng đồng tại thành phố Thiên Tân, miền Bắc Trung Quốc . Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh thành phố cho biết cả hai người nói trên làm việc tại một trung tâm logistics ở khu mới Tân Hải (Binhai). Hai người này là đồng nghiệp và bạn cùng phòng với một ca mắc COVID-19 không có triệu chứng được ghi nhận trước đó.

Chú thích ảnh
Người dân chờ xét nghiệm COVID-19 tại Toronto, Canada. Ảnh: THX/TTXVN

Tại châu Mỹ, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cảnh báo tình hình dịch bệnh ở quốc gia Bắc Mỹ này vẫn “nghiêm trọng”, đòi hỏi người dân cần nỗ lực thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho tới khi có vaccine phòng bệnh. Số liệu thống kê mới nhất cho thấy số ca nhiễm mới tiếp tục tăng với tốc độ đáng báo động ở nhiều khu vực tại Canada, cho dù các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn đã được áp dụng. Tính đến trưa 17/11 (giờ địa phương), Canada có 304.477 ca nhiễm, trong đó có 11.063 ca tử vong.

Về việc phát triển vaccine, Công ty công nghệ sinh học Pfizer của Mỹ cho biết kết quả thử nghiệm cuối cùng loại vaccine phòng ngừa COVID-19 của hãng này cho thấy hiệu quả đến 95% mà không cho thấy tác dụng phụ nghiêm trọng nào.

Chú thích ảnh
Vaccine ngừa COVID-19 của Johnson & Johnson. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó, Tây Ban Nha đã cho phép tiến hành giai đoạn thử nghiệm cuối cùng đối với vaccine phòng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do hãng Johnson & Johnson của Mỹ nghiên cứu và phát triển.

Cơ quan Y khoa quốc gia của Tây Ban Nha cho biết việc thử nghiệm giai đoạn 3 đối với vaccine phòng COVID-19 của Johnson & Johnson sẽ được thực hiện trên 30.000 tình nguyện viên tại Bỉ, Colombia, Pháp, Đức, Nam Phi, Tây Ban Nha, Anh, Mỹ và Philippines.

22% các tình nguyện viên trên gồm những người ở độ tuổi dưới 40 và 30% ở độ tuổi trên 60. Họ sẽ được tiêm một liều vaccine thử nghiệm có tên Ad26.COV2.S hoặc giả dược. Tại Tây Ban Nha, chương trình này sẽ được tiến hành tại 9 bệnh viện trên khắp cả nước đối với các tình nguyện viên có lẫn không có các bệnh lý nền.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Barcelona, Tây Ban Nha. Ảnh: THX/TTXVN

Theo nguyên tắc của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), một "ứng cử viên" vaccine phải hoàn tất 3 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng mới được phép sản xuất đại trà. Các cuộc thử nghiệm giai đoạn 3 có quy mô lớn nhất.

Một vaccine được đánh giá sẵn sàng bước vào giai đoạn sản xuất hàng loạt một khi vượt qua được giai đoạn thử nghiệm cuối cùng với độ an toàn và hiệu quả được chứng minh rõ rệt.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 3/11/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 18/11, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 7.920 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 25.558 người.

Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN vẫn có 4 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Malaysia và Myanmar. Indonesia vẫn là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN, khi nước này trong ngày ghi nhận số ca bệnh cũng như tử vong mới cao nhất khu vực. Tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” vẫn duy trì đà tăng nhiệt sau nhiều tháng dịch bùng phát tại đây.

Chú thích ảnh
Người dân phòng dịch COVID-19 tại Philippines. Ảnh: AFP/TTXVN

Philippines dịch vẫn diễn biến xấu, số ca mắc mới cao, song số ca tử vong tiếp tục đà giảm những ngày gần đây. Malaysia tình hình cũng ngày càng đáng quan ngại hơn, làn sóng dịch mới đang quay lại tấn công Malaysia khi nước này ghi nhận 660 ca bệnh phát sinh và 4 ca tử vong trong 1 ngày qua.

Myanmar dịch bệnh đang ngày càng nghiêm trọng với việc nhiều ngày liền ghi nhận số ca mắc và tử vong đều tăng nhanh. Tình hình tại quốc gia thành viên ASEAN này hiện rất đáng lo ngại với 1.592 ca bệnh mới và 25 người tử vong vì virus SARS-CoV-2 trong 1 ngày qua.

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng chờ kiểm tra thân nhiệt phòng lây nhiễm COVID-19 tại cây cầu hữu nghị ở biên giới Thái Lan - Myanmar tại Mae Sot, tỉnh Tak, ngày 29/10/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 25.558 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 234 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 1.078.351ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 932.419 trường hợp.

Toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới, ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, ASEAN có tới 8 nước thành viên ghi nhận các ca COVID-19 mới. Có Lào, Brunei và Timor Leste là những nước ASEAN không có thêm ca bệnh COVID-19 nào trong ngày 18/11.

Chú thích ảnh
Cử tri Ai Cập xếp hàng chờ bỏ phiếu bầu Hạ viện tại điểm bầu cử ở Cairo ngày 7/11/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Tại Ai Cập, phát biểu tại cuộc họp nội các trực tuyến ngày 18/11, Thủ tướng Mostafa Madbouly nhận định rằng làn sóng thứ hai của đại dịch COVID-19, hiện đang tấn công một số quốc gia trên thế giới, lan rộng và nguy hiểm hơn đợt đầu. Ông Madbouly cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc "tránh trượt vào khúc quanh đầy rủi ro này".

Những lo ngại về khả năng chứng kiến làn sóng thứ hai của đại dịch COVID-19 đang gia tăng ở Ai Cập, với sự tăng nhẹ về số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 được ghi nhận hàng ngày trong hai tuần qua sau ba tháng duy trì ở mức thấp và chỉ dao động quanh mức 100-150 ca/ngày.

Tuy nhiên, trong những tuần đây số ca mắc mới đã vượt mức 200 ca/ngày. Tính đến nay, Ai Cập đã ghi nhận tổng cộng 111.284 ca mắc COVID-19, trong đó có 6.481 trường hợp tử vong.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức
Dịch COVID-19 tại ASEAN hết 18/11: Số ca tử vong tăng trở lại ở Indonesia; Myanmar chưa ‘hạ nhiệt’
Dịch COVID-19 tại ASEAN hết 18/11: Số ca tử vong tăng trở lại ở Indonesia; Myanmar chưa ‘hạ nhiệt’

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 18/11, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 7.920 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 25.558 người.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN