Trung Quốc làm mất lòng đối tác thương mại vì xét nghiệm COVID-19 trên thực phẩm

Nhiều quốc gia đã không hài lòng với tình trạng thắt chặt nhập khẩu thực phẩm của Trung Quốc do nghi ngờ tồn tại virus Cornona chủng mới (SARS-CoV-2) gây COVID-19 trên bề mặt.

Chú thích ảnh
Khách hàng mua sắm thực phẩm tại một siêu thị ở Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Hãng thông tấn Reuters (Anh) ngày 18/11 đưa tin rằng những nước này cũng đề nghị Bắc Kinh ngừng thử nghiệm gắt gao COVID-19 trên thực phẩm bởi điều này tương đương với hạn chế thương mại.

Trung Quốc tuyên bố phát hiện SARS-CoV-2 trên bao bì thực phẩm từ 20 quốc gia bao gồm thịt lợn Đức, thịt bò Brazil và cá Ấn Độ. Nhưng các quan chức nước ngoài đánh giá tuyên bố thiếu bằng chứng của Trung Quốc đồng nghĩa với việc gây tổn thương cho thương mại và danh tiếng của thực phẩm nhập khẩu mà không có lý do.

Reuters dẫn nguồn tin giấu tên cho biết trong cuộc họp của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) diễn ra từ 5-6/11, Canada đánh giá việc xét nghiệm thực phẩm nhập khẩu và từ chối sản phẩm có kết quả dương tính qua xét nghiệm nucleic acid là “hạn chế thương mại không công bằng” đồng thời khuyến khích Bắc Kinh ngừng động thái này.

Cũng theo nguồn tin này, Australia, Brazil, Mexico, Canada, Anh và Mỹ đều cho rằng Trung Quốc đã không cung cấp bằng chứng khoa học thiết thực về biện pháp xét nghiệm này.

Trong tháng 11, tờ Global Times cho rằng sự hiện diện của SARS-CoV-2 trên thực phẩm nhập khẩu cho thấy khả năng virus này có nguồn gốc từ nước ngoài.

Trung Quốc đã bắt đầu xét nghiệm COVID-19 với thực phẩm nhập khẩu từ tháng 6, sau khi xuất hiện ổ dịch tại khu chợ Tân Phát Địa cách trung tâm Bắc Kinh 14km về phía Tây Nam. Ổ dịch khiến Bắc Kinh phải tiến hành xét nghiệm cho hơn 10 triệu dân và áp dụng lệnh phong tỏa một phần.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá cả thực phẩm và bao bì khó có thể là nguồn lây lan COVID-19. Nhưng Bắc Kinh cho rằng SARS-CoV-2 có thể “nhập cảnh” vào nước này qua thực phẩm nhập khẩu.

Chú thích ảnh
Quầy thực phẩm đông lạnh tại một siêu thị ở Bắc Kinh. Ảnh: Reuters

Nhiều đối tác thương mại của Trung Quốc phàn nàn rằng việc nước này thắt chặt xét nghiệm thực phẩm nhập khẩu là không tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế.

Ngày 16/11, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern đã băn khoăn về kết quả xét nghiệm của Trung Quốc sau khi chính quyền thành phố Tế Nam, tỉnh Sơn Đông tuyên bố phát hiện SARS-CoV-2 trên thịt bò đông lạnh nhập khẩu từ New Zealand. Thủ tướng Ardern khẳng định không có sản phẩm thịt nào của nước này xuất khẩu có mang theo SARS-CoV-2 và phía Trung Quốc không có giải thích rõ ràng.

Bộ Nông nghiệp Brazil cho biết trong tháng 8, nhiều quan chức đã đến thành phố Thâm Quyến sau khi chính quyền địa phương thông báo phát hiện SARS-CoV-2 trên cánh gà nhập khẩu từ Brazil. Nhưng chính quyền Thâm Quyến không thể cung cấp thông tin làm rõ liệu SARS-CoV-2 phát hiện được còn hoạt động hay đã vô hiệu.

Bộ Nông nghiệp Mỹ ngày 17/11 đánh giá: “Hạn chế của Trung Quốc đối với thực phẩm nhập khẩu không hề dựa trên khoa học và còn gây rủi ro gián đoạn thương mại”. Trung Quốc phản hồi rằng động thái của nước này là nhằm “bảo vệ tối đa cuộc sống của người dân”.

Phát biểu trong một hội thảo an toàn thực phẩm trong tháng 10, cố vấn an toàn thực phẩm và sức khỏe của phái đoàn Liên minh châu Âu tại Trung Quốc – bà Gudrun Gallhoff nói rằng các nhà xuất khẩu cần có thêm thông tin về kết quả và phương pháp xét nghiệm của Trung Quốc. Bà Gudrun Gallhoff nói: “Bạn cần đối xử công bằng với đối tác thương mại và cho họ cơ hội để phối hợp”.

Hà Linh/Báo Tin tức
Nga dự định sản xuất vaccine COVID-19 dạng đông khô 
Nga dự định sản xuất vaccine COVID-19 dạng đông khô 

Nga đang dự định sẽ điều chế vaccine phòng dịch COVID-19 đầu tiên của mình, Sputnik-V, ở dạng đông khô, trong bối cảnh nước này đang tìm kiếm giải pháp cho những thách thức trong việc vận chuyển và bảo quản vaccine trong và ngoài nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN