Bộ điều khiển Tấn công Trực diện Phối hợp (JDAM) có khả năng sử dụng dữ liệu từ hệ thống định vị toàn cầu (GPS) để giúp vũ khí đánh trúng mục tiêu với độ chính xác cao.
Dẫn lời các quan chức cấp cao của Mỹ biết rõ vấn đề, báo Washington Post ngày 15/12 đưa tin chính quyền Tổng thống Joe Biden đang lên kế hoạch gửi cho Ukraine thiết bị điện tử tiên tiến JDAM để có thể chuyển đổi rocket thành “bom thông minh” nhắm mục tiêu chính xác vào các vị trí quân sự của Nga. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ Tổng thống Biden hay bất kỳ cố vấn an ninh quốc gia hàng đầu nào của ông đã thông qua việc đó hay chưa.
Bộ điều khiển JDAM sử dụng được trong mọi điều kiện địa hình, thời tiết và có khả năng ném bom tự động. Công nghệ JDAM cũng cho phép bom chống lại nguy cơ làm nhiễu GPS bằng kỹ thuật cao của đối phương. Thông thường, quân đội Mỹ hay sử dụng công nghệ JDAM đối với những quả bom nặng tới 900 kg, kết hợp nó với máy bay ném bom và máy bay chiến đấu.
Sức chiến đầu của Lực lượng Không quân Ukraine chủ yếu vẫn dựa vào các máy bay MiG cũ kỹ từ thời Liên Xô. Thay vì cung cấp các máy bay phương Tây hiện đại hơn vốn sẽ yêu cầu các phi công và đơn vị bảo trì của họ phải thực hiện các khóa huấn luyện mới phức tạp, Lầu Năm Góc dự định tìm cách nâng cấp các máy bay cũ của Ukraine.
Trước đây, chính quyền Tổng thống Biden trang bị cho Ukraine các loại vũ khí tiên tiến bao gồm tên lửa dò bức xạ, tên lửa tốc độ cao phóng từ trên không, hoặc tên lửa chống bức xạ (HARM) để tăng cường khả năng triển khai các cuộc không kích của Ukraine. Tuy nhiên, khác với JDAM, những loại vũ khí đó hoạt động dựa trên việc tìm kiếm sóng phát xạ vô tuyến từ các đơn vị của đối phương.
Theo các nhà phân tích, việc chuyển giao công nghệ JDAM sẽ đánh dấu một bước quan trọng khác của Washington nhằm giúp Ukraine đẩy lùi lực lượng của Nga, cung cấp một phương tiện mới để lực lượng Kiev nhắm mục tiêu vào các đơn vị của Nga với độ chính xác cao.
Trước đó, vào tháng 6, Mỹ cũng đã chuyển giao hệ thống phóng loạt rocket cơ động cao HIMARS cho Ukraine. Ukraine cho biết với vũ khí này, lực lượng đã gây thương vong đáng kể cho quân đội Nga và làm gián đoạn các tuyến đường tiếp tế.
Về phần mình, Điện Kremlin đã nhiều lần phản đối trước việc phương Tây rót viện trợ quân sự và cảnh báo về khả năng xảy ra chiến tranh lan rộng hơn với NATO. Vì lý do này, chính quyền Tổng thống Biden luôn tìm cách thận trọng trong việc phê duyệt các khả năng viện trợ mới mà Nga có thể coi là hành động leo thang.
Ngày 13/12, các quan chức cấp cao của Mỹ tiết lộ Lầu Năm Góc cũng đang chuẩn bị cung cấp cho Ukraine hệ thống tên lửa Patriot, vũ khí phòng không tinh vi nhất của quân đội Mỹ. Tuy nhiên, thông tin này vẫn chưa được Bộ Quốc phòng hay Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận.
Từ cuối tháng 2 cho đến nay, Mỹ cam kết viện trợ an ninh khoảng 20 tỷ USD cho Ukraine.
Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng, ngày 12/12 cho biết chính quyền đang tập trung vào việc làm suy giảm bất kỳ nỗ lực nào của Nga để giành lợi thế trong cuộc chiến và dự đoán Mỹ sẽ sớm công bố chuyển giao vũ khí mới.