Điện Kremlin cảnh báo tên lửa Patriot sẽ thành mục tiêu của Nga nếu chuyển giao cho Ukraine

Ngày 14/12 (giờ địa phương), người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố Nga chắc chắn sẽ nhắm mục tiêu vào các hệ thống tên lửa MIM-104 Patriot của Mỹ ở Ukraine, nếu loại vũ khí này được triển khai trong cuộc xung đột đang diễn ra tại đây.

Chú thích ảnh
Tên lửa Patriot tại Sân bay Rzeszow-Jasionka ở Jasionka, Ba Lan. Ảnh: AP

Tuyên bố của ông Peskov được đưa ra nhằm đáp trả câu hỏi Nga sẽ phản ứng thế nào trước khả năng Mỹ chuyển giao hệ thống Patriot cho Ukraine. Theo báo cáo của phương tiện truyền thông, kế hoạch cung cấp hệ thống phòng không tiên tiến này đang ở giai đoạn cuối. 

Vào cuối tháng 11, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Dmitry Medvedev cảnh báo hệ thống tên lửa phòng không Patriot sẽ trở thành mục tiêu quân sự hợp pháp của lực lượng Nga, nếu bất kỳ thành viên NATO nào chuyển giao loại vũ khí này cho Ukraine.

Người phát ngôn Peskov cũng xác nhận rằng Điện Kremlin ủng hộ lập trường của ông Medvedev liên quan đến vấn đề nêu trên. Tuy nhiên, vị quan chức này cho rằng không nên vội vàng đưa ra kết luận.

Tuyên bố của ông Medvedev được đưa ra sau khi Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hoan nghênh quyết định triển khai tên lửa Patriot tới Ba Lan của Đức. Ông ca ngợi sự ủng hộ của Berlin đối với Kiev song lưu ý quyết định cung cấp tên lửa cho Ukraine tùy thuộc vào chính phủ các quốc gia. Một số nhà quan sát, bao gồm cả ông Medvedev, coi đây là tín hiệu cho việc triển khai vũ khí sắp tới.

Trước đó, kênh CNN dẫn lời các quan chức Mỹ giấu tên cho biết Lầu Năm Góc đang hoàn thiện kế hoạch gửi hệ thống tên lửa Patriot tới Ukraine. Kế hoạch này hiện đang ở giai đoạn cuối và cần sự chấp thuận của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin trước khi trình lên Tổng thống Biden ký duyệt.

Tướng Mỹ đã nghỉ hưu Mark Hertling bình luận nếu được chuyển giao, mỗi khẩu đội tên lửa này sẽ yêu cầu “hàng chục lính phòng không được huấn luyện kỹ càng để vận hành”. Theo ông, quá trình huấn luyện sẽ cần nhiều tháng, vì vậy cần có một khóa đào tạo bí mật diễn ra trong thời gian dài. Vị Tướng cũng nhấn mạnh “phê duyệt không có nghĩa là hệ thống này sẽ có mặt trên chiến trường Ukraine ngay lập tức.”

Hiện chưa rõ Mỹ sẽ gửi bao nhiêu hệ thống Patriot tới Ukraine. CNN cho biết các khẩu đội tên lửa trước tiên sẽ được đưa tới một căn cứ của Quân đội Mỹ ở Grafenwoehr, Đức. Tại đây, các lực lượng Ukraine sẽ được huấn luyện để vận hành chúng.

Mỹ và các đồng minh đã cam kết hỗ trợ vũ khí, huấn luyện và tài trợ cho Ukraine “chừng nào còn cần” để giúp nước này đẩy lùi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga. Về phần mình, Moskva cho rằng các quốc gia phương Tây đang kéo dài cuộc xung đột nhằm làm tổn thương Nga, gây áp lực buộc Chính phủ Ukraine không tham gia đàm phán hòa bình.

Một khẩu đội tên lửa Patriot bao gồm một thiết bị cung cấp năng lượng, một trạm chỉ huy, một đơn vị radar, ăng-ten, và tối đa tám bệ phóng gắn trên xe tải, mỗi bệ chứa bốn tên lửa đất đối không. Được phát triển bởi nhà thầu quốc phòng Mỹ Raytheon, hệ thống này có tầm bắn lên tới 160km và có thể đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm ngắn, tên lửa hành trình hoặc máy bay đang lao tới. 

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo RT)
Mỹ cung cấp tên lửa Patriot cho Ukraine sẽ đẩy Nga và NATO tới xung đột trực tiếp?
Mỹ cung cấp tên lửa Patriot cho Ukraine sẽ đẩy Nga và NATO tới xung đột trực tiếp?

Trước thông tin Mỹ đang hoàn tất kế hoạch gửi hệ thống tên lửa đất đối không Patriot cho Ukraine, giới chức Nga đã lên tiếng cảnh báo động thái này có thể gây leo thang quy mô lớn, thậm chí dẫn đến Chiến tranh Thế giới thứ ba. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN