Theo các chuyên gia quân sự, để vận hành hiệu quả các hệ thống tên lửa Patriot, cần có một đội ngũ chuyên gia lớn, với hàng chục binh sĩ được đào tạo bài bản.
Quá trình huấn luyện đặc biệt sử dụng tên lửa Patriot có thể mất nhiều tháng. Hệ thống Patriot thông thường cần 90 binh sĩ để vận hành và bảo trì. Tuy nhiên, hệ thống vẫn có thể được khai hỏa với một đội chỉ gồm ba người trong trường hợp cần thiết.
Theo người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Mỹ Pat Ryder, các hệ thống tiên tiến như hệ thống tên lửa Patriot đòi hỏi kế hoạch bảo dưỡng và đào tạo đáng kể, cho nên, Washington cần phải xác định loại viện trợ nào sẽ cung cấp cho Ukraine.
“Khi nói đến một số hệ thống phòng thủ nhất định, chẳng hạn như tên lửa Patriot… bạn phải thảo luận cả về quy trình bảo trì, cũng như đào tạo đính kèm. Chẳng có hệ thống nào trong số này chỉ đơn giản là ‘cắm điện và phóng’ cả. Không thể nào chỉ đưa nó ra chiến trường và sử dụng”, ông Ryder nói thêm.
Tháng trước, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố Mỹ đang "rất tập trung" vào việc cung cấp các hệ thống phòng không cho Ukraine.
“Chúng tôi hiện rất tập trung vào các hệ thống phòng không và không chỉ chúng tôi mà nhiều quốc gia khác. Chúng tôi muốn đảm bảo rằng người Ukraine có được những hệ thống đó càng nhanh càng tốt nhưng cũng phải sử dụng chúng một cách hiệu quả nhất có thể, đảm bảo họ được đào tạo, đảm bảo rằng họ có khả năng duy trì chúng”, Ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh.
Cuối tháng 11, người phát ngôn Ryder cho biết vào thời điểm đó, Washington không có kế hoạch cung cấp hệ thống tên lửa đất đối không Patriot cho Ukraine.
Tuy nhiên, mới đây, dẫn lời các quan chức Mỹ, đài truyền hình CNN đưa tin Lầu Năm Góc hiện hoàn tất kế hoạch chuyển giao tên lửa Patriot cho Ukraine. Động thái này sẽ được triển khai trong một vài ngày tới.
Tuy nhiên, quyết định cung cấp cho chính quyền Kiev hệ thống phòng không tầm xa tiên tiến này vẫn cần có sự chấp thuận của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Tổng thống Joe Biden phê duyệt lần cuối.
Sau khi các thủ tục hoàn tất, tên lửa Patriot sẽ được vận chuyển đến Ukraine trong vài ngày. Binh sĩ Ukraine sẽ được huấn luyện sử dụng hệ thống tên lửa tại căn cứ Quân đội Mỹ ở Grafenwoehr, Đức.
Vẫn chưa có thông tin cụ thế số lượng tên lửa sẽ được chuyển cho Ukraine. Theo thông số kỹ thuật, một khẩu đội Patriot điển hình được tích hợp một bộ radar phát hiện và theo dõi mục tiêu, máy tính, thiết bị phát điện, trung tâm điều khiển và tối đa 8 bệ phóng, mỗi bệ được trang bị 4 tên lửa.
Tính đến thời điểm hiện tại, Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao Mỹ đều không đưa ra bất kỳ bình luận chính thức nào về thông tin chuyển giao trên.
Hệ thống tên lửa phòng không Patriot được triển khai lần đầu tiên vào năm 1982. Kể từ đó đến nay, hệ thống được nâng cấp nhiều lần, với thiết kế ngăn chặn và tiêu diệt tên lửa đạn đạo tầm ngắn, máy bay và tên lửa hành trình.
Mỹ miêu tả Patriot là hệ thống phòng không tối tân nhất của nước này. Mỹ đã gửi hệ thống tên lửa Patriot tới Saudi Arabia, Iraq, khu vực Thái Bình Dương và gần đây nhất là tới Ba Lan.