Ba Lan bất ngờ thay đổi quan điểm, chấp nhận triển khai tên lửa Patriot của Đức trong lãnh thổ

Ngày 6/12, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak cho biết Warsaw sẽ chấp nhận một hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot mà Đức đề nghị triển khai tới nước này vào tháng trước. Đây là sự thay đổi đáng chú ý của Ba Lan trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine tiếp tục kéo dài.

Chú thích ảnh
Bệ phóng tên lửa đánh chặn Patriot của Mỹ tham gia cuộc tập trận của NATO tại Trondheim, Na Uy. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Tuy nhiên, ông Blaszczak cho biết lấy làm tiếc khi Đức không muốn đặt hệ thống Patriot ở Ukraine. "Tôi thất vọng khi quyết định hỗ trợ cho Ukraine bị từ chối. Việc bố trí hệ thống Patriot ở miền Tây Ukraine sẽ tăng cường an ninh cho cả Ba Lan và Ukraine".

Mặc dù vậy, ông Blaszczak cho biết Bộ Quốc phòng Đức và Ba Lan đang tiến hành "các thỏa thuận liên quan đến việc bố trí các bệ phóng tên lửa trên ở Ba Lan và kết nối chúng với hệ thống chỉ huy chung".

Trong khi đó, một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Đức cho biết ông Blaszczak và Bộ trưởng Quốc phòng Christine Lambrecht đã "đồng ý về nguyên tắc" để tiến hành đề xuất ban đầu. Người phát ngôn trên nêu rõ: “Các chi tiết như địa điểm tiềm năng và cơ sở hạ tầng cần thiết để triển khai sẽ được thảo luận ở cấp độ chuyên gia”.

Động thái này diễn ra sau một cuộc tranh cãi giữa Đức và Ba Lan sau khi Warsaw yêu cầu chuyển vũ khí phòng không cho Ukraine thay vì cho Ba Lan. Berlin đã từ chối đề xuất này và cho biết họ sẽ hành động giống như phần còn lại của NATO, không triển khai hệ thống đặc biệt này ở Ukraine.

Đề nghị gửi hệ thống Patriot của Đức được đưa ra sau khi một tên lửa rơi xuống Ba Lan, ở khu vực gần biên giới với Ukraine, khiến hai người thiệt mạng. Ba Lan và NATO cho biết đó là một tên lửa của Ukraine đã bắn nhầm khi nước này đang phòng thủ trước các cuộc tấn công từ Nga.

Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak ban đầu nói rằng ông chấp nhận lời đề nghị với sự "hài lòng". Nhưng lãnh đạo đảng Luật pháp và Công lý (PiS) cầm quyền đầy quyền lực của Ba Lan, Jaroslaw Kaczynski, cho biết hệ thống Patriot của Đức nên được triển khai ở Ukraine, khiến ông Blaszczak cùng các nhà lãnh đạo Ba Lan khác ủng hộ quan điểm này.

Đề xuất của Đức với sự lạnh nhạt từ Ba Lan có nguy cơ tạo ra những căng thẳng mới trong mối quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng vốn có một lịch sử phức tạp nhưng hiện đang là các đối tác thương mại và đồng minh quan trọng trong NATO. Đức khẳng định hệ thống Patriot cung cấp cho Ba Lan là một phần của hệ thống phòng không tích hợp của NATO và chỉ được triển khai trên lãnh thổ NATO.

Đảng PiS cầm quyền của Ba Lan đã phải đối mặt với sự chỉ trích đáng kể từ các chính trị gia và nhà bình luận khi gợi ý hệ thống Patriot của Đức nên được chuyển đến Ukraine, cho thấy Ba Lan không muốn nhận được hệ thống tên lửa của Berlin. Những người chỉ trích cáo buộc PiS mạo hiểm an ninh quốc gia trong bối cảnh xung đột diễn ra ở nước láng giềng Ukraine bằng cách muốn kích động tình cảm chống Đức.

Một cuộc thăm dò dư luận được công bố trong tuần này cho thấy có sự ủng hộ đáng kể của người Ba Lan đối với việc triển khai bệ phóng tên lửa của Đức ở Ba Lan, nơi nó sẽ giúp tăng cường khả năng phòng thủ vốn đã được Ba Lan và Mỹ củng cố kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine vào ngày 24/2.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo Dailysabah/DW)
Đức rút cam kết tăng chi tiêu quốc phòng sau cuộc xung đột Nga - Ukraine
Đức rút cam kết tăng chi tiêu quốc phòng sau cuộc xung đột Nga - Ukraine

Cam kết chi 2% GDP cho quốc phòng là một tuyên bố quan trọng của Thủ tướng Olaf Scholz trước Quốc hội Đức vào tháng 2, chỉ vài ngày sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN