Theo tờ Politico, bức điện tín được mô tả là “nhạy cảm nhưng không thuộc diện mật”, cho thấy các quan chức Mỹ đang dùng mọi thứ, từ công nghệ chuỗi khối đến binh lính Ukraine, để theo dõi khoản viện trợ này tại Ukraine.
Bức điện đề ngày 6/9 được gửi từ Đại sứ quán Mỹ tại Kiev đã chỉ thẳng những thách thức mà các quan chức Mỹ đang phải đối mặt khi cố gắng theo dõi từng đồng tiền viện trợ.
Ví dụ, khó khăn do chỉ có một số lượng giới hạn quan chức Mỹ có mặt tại Ukraine và do hạn chế về an ninh khi họ di chuyển. Mỹ cũng khó tìm được các nhà thầu sẵn sàng làm việc ở những khu vực có rủi ro cao hoặc khó sắp xếp các cuộc gặp trực tiếp với các quan chức chính phủ, các nhà lãnh đạo xã hội dân sự và các bên nhận viện trợ.
Bức điện xuất hiện khi Nga tăng cường tấn công vào cơ sở hạ tầng của Ukraine, khiến cho việc kiểm soát khoản viện trợ trị giá 50 tỷ USD càng trở nên khó khăn hơn.
Theo bức điện dài 9 trang, tình hình ở Ukraine khiến Mỹ không thể thực hiện các biện pháp bình thường để theo dõi số vũ khí viện trợ.
Bức điện tín của Bộ Ngoại giao Mỹ cho thấy chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang cố gắng giải quyết vấn đề. Theo bức điện tín, các bộ, cơ quan và chương trình cụ thể đã điều chỉnh phương pháp giám sát viện trợ của Mỹ trong bối cảnh xung đột ở Ukraine.
Biện pháp giám sát chủ yếu dựa vào các nhân viên người Ukraine, một số vẫn ở trong nước nhưng nhiều người làm việc từ xa. Mỹ cũng dùng các ứng dụng điện thoại để tải ảnh, video vũ khí lên chuỗi khối phục vụ quá trình theo dõi.
Trong khi đó, Mỹ đang có kế hoạch thiết lập một chương trình có tên là “Dịch vụ Giám sát, Đánh giá và Kiểm toán Báo cáo của Ukraine” (MEASURE) để hỗ trợ công việc giám sát viện trợ. Theo đó, Mỹ sẽ ký hợp đồng ba năm với một công ty Mỹ để giám sát từ xa và trực tiếp tại Ukraine.
Khi được hỏi chi tiết về tình trạng của kế hoạch MEASURE, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết sẽ công bố công ty được chọn vào tháng 2/2023.
Khung thời gian ba năm cho thấy rằng ngay cả khi xung đột kết thúc sớm, các quan chức Mỹ vẫn sẽ tiếp tục gửi viện trợ cho Ukraine.
Bức điện xuất hiện sau khi ngày 14/12, ông Denis Pushilin, lãnh đạo Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng ở Ukraine, cho rằng vũ khí phương Tây cung cấp cho Ukraine đang được bán tràn lan trên thị trường chợ đen, đặc biệt là ở châu Phi.
Hồi tháng 10, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng nói rằng nhiều loại vũ khí phương Tây chuyển cho Ukraine đã bắt đầu xuất hiện ngoài chợ đen. Theo nhà lãnh đạo Nga, nhiều nhóm tội phạm xuyên biên giới đang tích cực vận chuyển vũ khí từ Ukraine đến những khu vực khác. Ông cho rằng luôn có nguy cơ các nhóm tội phạm tiếp cận được các khí tài hiện đại, như tên lửa phòng không vác vai và vũ khí chính xác.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết doanh thu buôn lậu vũ khí hàng tháng thuộc diện này lên tới 1 tỷ USD. Bà chỉ ra nhiều vũ khí đang rơi vào tay các nhóm tội phạm ở Trung Đông, Trung Phi và châu Á, song không nêu cụ thể.
Trong khi đó, Lầu Năm Góc khẳng định rằng không có thông tin đáng tin cậy nào cho thấy vũ khí và thiết bị quân sự do các nước phương Tây cung cấp cho Ukraine được sử dụng vào các mục đích bất hợp pháp.
Dù vậy, nhiều quan chức quốc phòng phương Tây thừa nhận gần như không thể theo dõi lượng vũ khí trị giá hàng tỷ USD được cung cấp cho Ukraine trong gần 10 tháng chiến sự.
Vào tháng 11, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết Washington đã lên kế hoạch ngăn chặn khả năng vũ khí cung cấp cho Ukraine bị tuồn ra bên ngoài. Một quan chức Mỹ tiết lộ nước này đã nối lại các cuộc thanh sát tại Ukraine để theo dõi những chuyến hàng viện trợ vũ khí.
Mỹ cũng đã công bố kế hoạch ngăn chặn nguy cơ vũ khí bị chuyển sang khu vực Đông Âu. Theo đó, kế hoạch này khẳng định ưu tiên hàng đầu của Washington là đảm bảo viện trợ đầy đủ khí tài cho Kiev, đồng thời tăng khả năng giám sát, hạn chế vũ khí bị tuồn ra bên ngoài trong quá trình vận chuyển.
Với kế hoạch này, Mỹ sẽ tăng cường chú ý đến vùng biên giới của Ukraine để sớm phát hiện và ngăn chặn vận chuyển bất hợp pháp các loại vũ khí mà Mỹ và đồng minh chuyển giao cho Ukraine.
Nhưng theo tờ Washington Post, kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine, các quan chức Mỹ chỉ mới tiến hành 2 cuộc kiểm tra trực tiếp các loại vũ khí cần được tăng cường giám sát tại các kho tiếp nhận vũ khí Mỹ đưa vào Ukraine từ Ba Lan.