Sau nới lỏng phong tỏa, Hàn Quốc có ca mắc COVID-19 tiếp xúc với 1.500 người

Ca mắc COVID-19 được xác nhận ngày 8/5 ở Hàn Quốc đã tiếp xúc với ít nhất 1.500 người, làm thay đổi toàn bộ cục diện nới lỏng lệnh phong tỏa ở nước này.

Chú thích ảnh
Chính phủ Hàn Quốc đã nỗ lực dập dịch COVID-19 trong thời gian qua. Ảnh: Reuters

Người đàn ông 29 tuổi sống tại tỉnh Gyeonggi vào tối 2/5 đã dành 4 tiếng vui chơi ở 3 câu lạc bộ đêm  tại Itaewon, thủ đô Seoul. Người đàn ông 29 tuổi sau đó được xác nhận nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Tính đến 9/5, có 18 ca mắc COVID-19 mới liên quan đến người này và trên 1.500 người có tiếp xúc với bệnh nhân.

Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun cam kết huy động mọi nguồn lực để ngăn chặn COVID-19 lây lan. Ông Chung Sye-kyun nhấn mạnh thành công hoặc thất bại của Hàn Quốc đối với kiểm soát COVID-19 phụ thuộc vào việc nước này có kiềm chế được “ổ dịch” các câu lạc bộ ở Seoul hay không. Chính quyền Seoul đã quyết định đóng cửa hơn 2.100 câu lạc bộ, quán bar.

Kênh CNN (Mỹ) cho biết khi chuẩn bị cho nới lỏng lệnh phong tỏa, Hàn Quốc đã hành động thận trọng. Nhiều quốc gia khác đã ngưỡng mộ theo dõi quá trình quay trở lại cuộc sống hậu COVID-19 tại Hàn Quốc.

Hàn Quốc đã tiến hành xét nghiệm diện rộng, lần dấu nghiêm ngặt các trường hợp có tiếp xúc với bệnh nhân COVID-19, thực hiện biện pháp y tế công cộng nghiêm túc, tận dụng công nghệ để ngăn ngừa virus lây lan. Nhờ những biện pháp này, các ca nhiễm mới giảm dần.

Chính phủ Hàn Quốc ngày 6/5 bắt đầu nới lỏng quy định giãn cách xã hội nhưng vẫn yêu cầu người dân tuân thủ chính sách “giãn cách trong cuộc sống thường nhật”.

Theo chính sách này, người dân cần ở nhà nếu ốm hoặc có triệu chứng COVID-19, tiếp tục duy trì khoảng cách 2m với người khác, rửa tay trong 30 giây, khử khuẩn thường xuyên nơi ở. Những người trên 65 tuổi và nhóm rủi ro cao cần tiếp tục ở nhà, tránh đến nơi đông người.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (CDC) cho biết chính sách này “cần được hiểu là nỗ lực để đạt được cả mục tiêu kiểm soát, ngăn ngừa dịch và có cuộc sống thường nhật thay vì coi là trở lại bình thường - thời điểm trước khi COVID-19 xảy ra”.

Chú thích ảnh
Người dân Hàn Quốc đeo khẩu trang khi tản bộ tại công viên ở Hàn Quốc. Ảnh: Reuters

Giải bóng chày Hàn Quốc đã trở lại từ ngày 5/5, nhưng các trận đấu diễn ra mà không có khán giả, còn trọng tài và huấn luyện viên đeo khẩu trang.

Học sinh Hàn Quốc sẽ quay trở lại trường từ ngày 13/5. Ngày 4/5, Bộ trưởng Giáo dục Hàn Quốc Yoo Eun-Hae nhắc nhở học sinh: “Ngay khi trở lại lớp, các em nên lau rửa bàn học, mở cửa sổ thường xuyên. Các em cần đeo khẩu trang trừ giờ ăn và giữ khoảng cách khi di chuyển hoặc xếp hàng”.

Thủ tướng Chung Sye-kyun ngày 3/5 nói rằng các cơ sở đã đóng cửa sẽ dần hoạt động trở lại, các sự kiện tập trung chỉ được tổ chức khi tuân thủ đúng quy định.

Chuyên gia Peter Drobac tại Trường kinh doanh Oxford Saïd (Anh) nhận định thận trọng là cần thiết đối với quyết định nới lỏng lệnh phong tỏa.

Ông Peter Drobac cũng nhấn mạnh đến các quy tắc: Đầu tiên là đảm bảo số ca nhiễm giảm trong thời gian liên tục. Thứ hai, các quốc gia phải đảm bảo hệ thống y tế có đủ năng lực, nhân viên y tế được trang bị thiết bị bảo hộ cần thiết. Thứ ba là có thể thực hiện xét nghiệm diện rộng. Thứ tư là lần dấu trường hợp có tiếp xúc với người mắc COVID-19, lên kế hoạch cách ly họ. Cuối cùng, những nhóm có rủi ro cao cần được bảo vệ. Ông Drobac nói: “Nói về xét nghiệm, lần dấu, cách ly thì dễ dàng nhưng thực hiện lại khó”.

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, đến ngày 9/5 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 tại Hàn Quốc là 10.840 trường hợp, trong đó có 256 người tử vong.

Hà Linh/Báo Tin tức
Bài toán cân bằng kiểm soát COVID-19 và khôi phục kinh tế tại Italy
Bài toán cân bằng kiểm soát COVID-19 và khôi phục kinh tế tại Italy

Italy đã bước vào giai đoạn hai của cuộc chiến chống đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 sau khi chính thức nới lỏng lệnh phong tỏa dài nhất và nghiêm ngặt nhất ở châu Âu từ ngày 4/5.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN