Diễn biến COVID-19 tới 6 giờ sáng 9/5: Thế giới vượt 4 triệu ca bệnh, trên 275.000 ca tử vong

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 97.445 trường hợp mắc COVID-19 và 5.479 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu đã vượt ngưỡng 4 triệu người. Đại dịch đang tiếp tục xu thế hạ nhiệt trên thế giới, song diễn biến vẫn còn phức tạp ở Mỹ, Anh, Nga và các "điểm nóng" mới như Brazil, Mexico.

Chú thích ảnh
Người dân tới nhận thực phẩm cứu trợ bên ngoài sòng bài Palace Station ở Las Vegas, Nevada, Mỹ ngày 7/5/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 9/5 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là  4.007.819 ca, trong đó có 275.781 người thiệt mạng.

Dịch bệnh đến nay đã xuất hiện và lây lan ở 212 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 1.376.235 bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục, 48.650 ca nặng hoặc nguy kịch, trong khi số ca nhẹ chiếm 98% bệnh nhân đang được điều trị.

Mỹ: Thư ký Phó Tổng thống Pence mắc COVID-19

Thư ký báo chí của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence, cô Katie Miller ngày 8/5 được xác nhận đã dương tính với virus SARS-CoV-2. Miller, vốn là vợ của cố vấn hàng đầu Tổng thống Trump, Steven Miller, cho hay cô không xuất hiện triệu chứng bệnh. Sau khi có thông tin này, chuyến bay của ông Pence đến Des Moines đã bị huỷ trong sáng 8/5 (giờ địa phương). Các thành viên trong đội ngũ của Phó Tổng thống gần đây có tiếp xúc với cô Miller đều phải rời khỏi chiếc Không lực Hai tại căn cứ Andrews để đi kiểm tra.

Đến 6 giờ sáng 9/5 (giờ VN), Mỹ tiếp tục là tâm dịch của thế giới với 1.320.044 ca mắc COVID-19 (tăng 27.421 ca so với một ngày trước) và 78.529 ca tử vong (tăng 1.601 ca). Để giúp giảm bớt tác động của dịch COVID-19 đối với nền kinh tế, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang cân nhắc triển khai thêm các biện pháp kinh tế, có thể thông qua sắc lệnh hành pháp như cho phép hoãn nộp thuế thu nhập của năm 2019, vốn đã được gia hạn thêm 3 tháng đến ngày 15/7.

Chú thích ảnh
Giao thông thưa thớt tại một tuyến phố ở New York, Mỹ ngày 6/5/2020 do dịch COVID-19. Ảnh: AFP/TTXVN

Các biện pháp phong tỏa và hạn chế nhằm khống chế đại dịch COVID-19 đã cướp đi 20,5 triệu việc làm tại Mỹ trong tháng 4/2020, qua đó hủy hoại gần như tất cả số việc làm được tạo ra trong thập kỷ trước của nền kinh tế lớn nhất thế giới này. Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 8/5, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ trong tháng vừa qua đã tăng lên 14,7% - mức cao kỷ lục so với thời kỳ đỉnh điểm trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009 và vượt cả tỷ lệ thất nghiệp 10,8% của tháng 11/1982 - mức cao nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. 

Châu Âu tiếp tục mở cửa lại

Tại Anh, ngày 8/5, Bộ trưởng Văn hóa, Kỹ thuật số, Thể thao và Truyền thông Oliver Dowden cho rằng giải bóng đá Ngoại hạng Anh vẫn chưa được “bật đèn xanh” để tổ chức nốt các vòng đấu còn lại. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng chính phủ hy vọng mùa bóng năm nay có thể được hoàn tất, bất chấp việc còn những rào cản như địa điểm thi đấu hay các biện pháp kiểm tra sức khỏe. Dự kiến, trong ngày 11/5, các đội bóng thuộc giải Ngoại hạng Anh sẽ nhóm họp để thảo luận về các kế hoạch liên quan đến "Project Restart" – dự án nhằm tìm giải pháp nối lại giải đấu bóng đá quốc gia danh tiếng bậc nhất thế giới. Tới nay, có một số giải bóng đá hàng đầu ở châu Âu đã tuyên bố hủy mùa bóng năm nay do COVID-19 như Bỉ, Hà Lan hay Pháp.

Tới 6 giờ sáng 9/5 (theo giờ VN), Anh có 211.364 ca mắc COVID-19 (tăng 4.649 ca so với một ngày trước) và 31.241 ca tử vong (tăng 626 trường hợp).

Chú thích ảnh
 Người dân đi lướt ván tại bãi biển La Barceloneta ở Barcelona, Tây Ban Nha ngày 8/5/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó, Tây Ban Nha ghi nhận tổng cộng 260.117 ca mắc COVID-19 (tăng 3.262 ca so với một ngày trước) và 26.299 ca tử vong (tăng 229 ca). Ngày 8/5, các bãi biển ở thành phố Barcelona đã được phép mở cửa trở lại sau gần hai tháng đóng cửa. Theo quyết định mới, từ 6h-10h mỗi ngày, người dân được phép bơi lội, lướt ván và chạy bộ trên bãi biển nhưng dưới sự giám sát của cảnh sát. Trước đó, các thành phố khác ở Tây Ban Nha như San Sebastian và Valencia cũng đã cho phép các bãi biển mở cửa để người dân tập thể dục. Tiếp sau Tây Ban Nha là Italy với 215.858 ca mắc và 29.958 ca tử vong, Anh với 206.715 ca mắc và 30.615 ca tử vong.

Nga đã vượt Đức và Pháp về tổng số ca nhiễm và là quốc gia có số ca nhiễm cao thứ 4 châu Âu. Ngày 8/5 là ngày thứ 6 liên tiếp Nga ghi nhận số ca mắc COVID-19 trong ngày tăng hơn 10.000 người. Trong 24 giờ qua, nước này phát hiện thêm 10.699 ca nhiễm mới tại 83 chủ thể liên bang, nâng tổng số người mắc COVID-19 lên 187.859. Trong khi đó, tổng số ca tử vong là 1.723, tăng 98 ca so với ngày trước đó.

Tại nhiều quốc gia châu Âu, các hạn chế do dịch COVID-19 vẫn đang từng bước được dỡ bỏ. Ngày 8/5, Thụy Sĩ cho biết sẽ tiếp tục nới lỏng hạn chế đối với hoạt động nhập cư từ châu Âu, trong khi xem xét mở cửa trở lại đường biên giới. Ngoài ra, Thụy Sĩ cũng sẽ thử nghiệm một ứng dụng trên điện thoại di động trong tháng này, cho phép người dùng nhận biết liệu họ có đang ở gần một người mắc COVID-19 hay không. Tính đến nay, Thụy Sĩ phát hiện 30.207 ca mắc COVID-19 và 1.810 ca tử vong.

Na Uy cũng đang nới lỏng nhiều biện pháp hạn chế, bao gồm mở cửa trở lại các trường học từ tuần tới và dỡ bỏ giới hạn số người tối đa được phép tụ tập nơi công cộng.

Chú thích ảnh
Giờ học tại trường Nordstrand Steinerskole ở Oslo, Na Uy sau khi được mở cửa lại vào ngày 27/4. Ảnh: AFP/Getty Images

Na Uy hiện ghi nhận 8.055 ca COVID-19, trong đó 218 ca tử vong. Thủ tướng nước này Erna Solberg hôm 7/5 tuyên bố đất nước đã kiểm soát được dịch và cảm ơn nỗ lực chung của mọi người dân.

Hy Lạp và Đan Mạch cũng mở cửa trở lại các địa điểm văn hóa, giải trí. Cụ thể, Hy Lạp bắt đầu cho phép các bảo tàng mở cửa trở lại từ ngày 15/6 tới, các di tích khảo cổ ngoài trời mở cửa từ ngày 18/5, tiếp đến là các nhà hàng, quán ăn - vào ngày 1/6. Hiện Hy Lạp có 2.691 ca mắc COVID-19 và 150 ca tử vong. Tại Đan Mạch, các bảo tàng, nhà hát, rạp chiếu phim, công viên giải trí ngoài trời và sở thú được phép mở cửa trở lại từ ngày 8/6. Lệnh cấm tụ tập cũng được nới lỏng từ mức 10 người hiện tại xuống mức từ 30-50 người tùy thuộc tính chất của từng sự kiện. Kể từ khi dịch bệnh bùng phát đến nay, Đan Mạch ghi nhận 10.218 ca nhiễm với 522 ca tử vong.

Chú thích ảnh
 Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở Cambridge, Anh ngày 5/5/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó, Pháp dự kiến từ ngày 11/5 bắt đầu nới lỏng lệnh phong tỏa vốn được áp đặt từ giữa tháng Ba, sau khi số ca nhiễm và tử vong có dấu hiệu giảm dần. Việc nới lỏng phong tỏa sẽ được thực hiện ở tất cả các khu vực, kể cả khu vực được phân loại ở mức đỏ (nơi có tỷ lệ mắc bệnh cao), nhưng sẽ có những hạn chế nhất định. Các trường trung học và công viên tại các "khu vực đỏ" chưa được mở cửa trở lại. Các trung tâm mua sắm lớn sẽ được nối lại hoạt động trên cả nước nhưng riêng tại thủ đô Paris vẫn phải đóng cửa. từ tuần tới, người dân có thể ra ngoài mà không cần được cấp phép, nhưng chỉ được di chuyển trong phạm vi 100 km từ nơi cư trú nếu có việc cấp thiết. Các cửa hàng cũng được mở cửa trở lại nhưng quán cafe và nhà hàng sẽ vẫn tạm ngừng hoạt động. Khoảng 80-85% trong số 50.500 trường học ở Pháp cũng có thể được mở cửa..

Trong 24 giờ qua, số ca tử vong vì COVID-19 tại Pháp đã tăng thêm 242 ca lên tổng cộng 26.230 ca, trong khi số ca mắc là 176.079, tăng 1.288 ca.

Trong khi dịch đã dịu hẳn đi tại các nước châu Âu, Nga đang đối phó với cuộc khủng hoảng COVID-19 ở giai đoạn căng thẳng. Ngày 8/5, giới chức thủ đô Moskva đã quyết định gia hạn các biện pháp phong tỏa nhằm kiềm chế dịch COVID-19 lây lan cho đến cuối tháng 5 sau khi nước này ghi nhận liên tiếp những ngày ghi nhận số ca nhiễm mới trên 10.000. Hiện tại Nga đã vượt Pháp, Đức về tổng số ca bệnh COVID-19, với 187.859 ca, trong đó có 1.723 ca tử vong.

Chú thích ảnh
Một tuyến đường tại Moskva, Nga, bị phong tỏa ngày 4/5/2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. Ảnh: THX/ TTXVN

Cùng ngày 8/5, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết khối ủng hộ việc tiếp tục hạn chế nhập cảnh trong 30 ngày nữa, tức đến giữa tháng 6, trong khuôn khổ áp dụng các biện pháp đặc biệt nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, dù gây thiệt hại lớn cho thương mại và du lịch. Cũng trong ngày, các bộ trưởng của Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (eurozone) đã chính thức thông qua số tiền lên tới 240 tỷ euro, tương đương 260 tỷ USD, để hỗ trợ các quốc gia châu Âu đang gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. 

Châu Á: Trên 10.000 ca tử vong

Tại khu vực châu Á, số ca tử vong vì COVID-19 đang là 10.001 ca, trong đó Trung Quốc - nước khởi phát dịch - chiếm gần một nửa với 4.633 ca, Ấn Độ 1.985 ca, Indonesia 943 ca. 

Tại Hàn Quốc, số ca nhiễm mới đã tăng trở lại mức hai con số. Cụ thể, ngày 8/5, nước này đã ghi nhận 12 ca nhiễm mới, trong đó 11 ca là trường hợp nhập cảnh. Trước đó, Hàn Quốc 3 ngày liên tiếp không có ca nhiễm mới trong cộng đồng. Tính đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 ở Hàn Quốc là 10.822 ca, với 256 ca tử vong.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại một siêu thị ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó, Nhật Bản đang xem xét dỡ bỏ lệnh tình trạng khẩn ấp tại những vùng không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới. Theo Bộ trưởng Kinh tế Yasutoshi Nishimura , mặc dù có thể xem xét dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp, song ông vẫn muốn người dân giảm 80% việc tiếp xúc với nhau nếu không cần thiết. 

Ngày 8/5, chính quyền Khu Hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội sau khi trung tâm tài chính này cơ bản chặn đứng được sự lây lan của virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Chú thích ảnh
Người dân dạo chơi trong công viên Tamar ở Hong Kong, Trung Quốc ngày 5/5/2020, khi các biện pháp giãn cách xã hội do COVID-19 được nới lỏng. Ảnh: AFP/ TTXVN

Theo đó, các quán bar, phòng tập thể dục, thẩm mỹ viện và rạp chiếu phim đã mở cửa trở lại. Nhà chức trách cũng nới lỏng việc hạn chế số người có thể tụ tập tại các điểm công cộng từ 4 người lên 8 người.

Nhờ các biện pháp xét nghiệm, theo dõi và điều trị hiệu quả, giới chức y tế Hong Kong đã cơ bản khống chế được dịch bệnh. Các ca mắc mới trong ngày chỉ tăng dưới 10 ca trong 18 ngày qua với 11 ngày không ghi nhận ca mắc mới nào. Tất cả các ca mắc mới là những người từ nước ngoài về được cách ly ngay. Đến nay, Hong Kong ghi nhận tổng cộng 1.045 ca mắc, trong đó chỉ có 4 ca tử vong.

Tại Đông Nam Á, chỉ còn một số nước tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm mới tăng cao, trong khi có tới một nửa quốc gia đã liên tiếp nhiều ngày không có ca bệnh mới. Ngày 8/5, Indonesia ghi nhận 336 ca mới mắc COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm bệnh tại quốc gia này lên thành 13.112. Indonesia bắt đầu nới lỏng lệnh cấm đi lại bằng đường không song ở mức hạn chế. Singapore có thêm 768 ca COVID-19 mới, nâng tổng số ca lên 21.707, bao gồm 20 ca tử vong. Philippines cũng xác nhận thêm 120 ca mới nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên 10.463 ca.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm nhân viên viện dưỡng lão All Saints ở Singapore. Ảnh: Straits Times

Tại Malaysia, cùng ngày, đã ghi nhận thêm 68 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc lên thành 6.535, đồng thời không ghi nhận thêm ca tử vong mới nào trong hai ngày liên tiếp và tổng số ca tử vong vẫn ở mức 107. Tại Thái Lan, tổng số ca mắc COVID-19 tính đến chiều 8/5 đã tăng lên 3.000 sau khi có thêm 8 ca nhiễm mới. Trong 24 giờ qua, nước này không ghi nhận thêm ca tử vong mới nào và tổng số ca tử vong vẫn là 55.

Mỹ Latinh: Trên 300.000 ca nhiễm virus

Tại khu vực Mỹ Latinh, số ca nhiễm SARS-CoV-2 đang ở mức hơn 300.000 người, trong khi số ca tử vong tăng lên khoảng 16.000 người.

Brazil,  quốc gia lớn nhất Mỹ latinh cũng là đất nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi COVID-19 trong khu vực, với 9.637 ca tử vong (tăng 449 ca so với một ngày trước) và 141.088 ca nhiễm (tăng 5.395 ca). Đầu tuần này, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro tuyên cho biết ông tin rằng thời điểm "tồi tệ nhất đã qua", tuy nhiên con số ca tử vong tiếp tục tăng cao, và nhiều chuyên gia y tế lo ngại, điều xấu nhất vẫn chưa tới.

Chú thích ảnh
Công nhân nghĩa trang đào mộ chôn nạn nhân tử vong vì COVID-19 tại Manaus, Brazil ngày 6/5/2020. Ảnh: AFP/Getty Images

Trong khi đó, quốc gia có tỷ lệ tử vong do COVID-19 cao nhất trong khu vực là Mexico. Trong 24 giờ qua, Mexico ghi nhận 1.982 ca nhiễm và 257 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong tại nước này lên lần lượt 29.616 ca và 2.961 ca. Đây cũng là ngày có số ca tử vong cao nhất kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại quốc gia lớn thứ hai của Mỹ Latinh này.

Chú thích ảnh
Chuyển thi thể bệnh nhân mắc COVID-19 tới khu vực hỏa táng tại Lima, Peru ngày 6/5/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại châu Phi, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 8/5 cảnh báo 190.000 người có thể tử vong nếu không ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh. Cảnh báo này dựa trên cơ sở dữ liệu về 47 quốc gia châu Phi với tổng dân số khoảng 1 tỷ người. Theo số liệu thống kê của hãng tin AFP, tính đến ngày 7/5, châu Phi đã ghi nhận tổng cộng 53.334 ca nhiễm và 2.065 ca tử vong do COVID-19. Một số quốc gia châu Phi đang áp đặt các biện pháp phòng tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2, trong khi một số quốc gia khác đang xem xét nới lỏng các biện pháp nghiêm ngặt. Đầu tuần này, Nigeria đã dỡ bỏ tình trạng phong tỏa ở thành phố Lagos đông dân nhất châu Phi. Nam Phi tuần trước cũng đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp thắt chặt. 

Thu Hằng/Báo Tin tức
Tình báo Đức nghi ngờ cáo buộc COVID-19 xuất phát từ phòng thí nghiệm ở Trung Quốc
Tình báo Đức nghi ngờ cáo buộc COVID-19 xuất phát từ phòng thí nghiệm ở Trung Quốc

Cơ quan tình báo Đức đã ngờ vực về cáo buộc của Mỹ rằng COVID-19 bắt nguồn từ phòng thí nghiệm của Trung Quốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN