Đạo luật Chi tiêu Quốc phòng (NDAA) tài khóa 2019 do Thượng nghị sĩ John S. McCain đệ trình, đã được thông qua với 79 phiếu thuận và 10 phiếu chống tại Thượng viện gồm 100 thành viên. Trước đó, dự luật này đã được thông qua tại Hạ viện ngày 26/7. Tiếp theo, dự luật sẽ được chuyển đến Nhà Trắng để Tổng thống Donald Trump ký ban hành.
Việc Quốc hội Mỹ thông qua dự luật trên được xem là sự ủng hộ kêu gọi của Tổng thống Donald Trump về việc tăng cường sức mạnh cho quân đội Mỹ, đồng thời tránh được một cuộc đối đầu với Nhà Trắng liên quan đến các công nghệ của tập đoàn viễn thông ZTE (Trung Quốc).
Dự luật trên tăng quyền hạn của Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS), nơi xem xét các khoản đầu tư nước ngoài được đề xuất và đánh giá các khoản đầu tư đó có đặt ra các lo ngại về an ninh quốc gia hay không. Dự luật cũng quy định sự kiểm soát của quốc hội đối với các hợp đồng mà Chính phủ Mỹ ký với các tập đoàn công nghệ ZTE và Huawei của Trung Quốc.
Dự luật trên cho phép chi tiêu 7,6 tỷ USD cho 77 máy bay chiến đấu tấn công hỗn hợp F-35 do công ty Lockheed Martin sản xuất, đồng thời cấm chuyển giao máy bay chiến đấu tiên tiến cho Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Washington đã cảnh báo Ankara rằng một hệ thống phòng thủ tên lửa của Nga mà Thổ Nhĩ Kỳ dự định mua sẽ không thể tích hợp với hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không của NATO.
Một nội dung khác trong dự luật trên đưa ra các biện pháp hạn chế khả năng giảm lực lượng binh sĩ Mỹ đang đồn trú tại Hàn Quốc. Theo đó nêu rõ khoảng 28.500 binh sĩ Mỹ đang đồn trú tại Hàn Quốc là biểu hiện cam kết của Mỹ đối với quan hệ đồng minh song phương này. Quốc hội không cho phép giảm con số này xuống dưới ngưỡng 22.000 binh sĩ nếu chưa được Bộ trưởng Quốc phòng đánh giá rằng "việc giảm binh sĩ như vậy là vì lợi ích an ninh quốc gia Mỹ và sẽ không gây tổn hại đáng kể đối với an ninh của các nước đồng minh trong khu vực".