Chính phủ Mỹ đang mở rộng việc xây dựng cơ sở hạ tầng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương thông qua các chương trình đầu tư mới, trong bối cảnh tâm lý quan ngại gia tăng trước các chính sách phát triển ở nước ngoài mau lẹ của Trung Quốc.
Ngoại trưởng Pompeo sẽ thăm các nước châu Á từ 1/8 đến 5/8. Tại đó, người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ dự kiến công bố kế hoạch tài trợ cho khu vực.
Sáng kiên "Tầm nhìn kinh tế Thái Bình Dương" của Ngoại trưởng Pompeo sẽ tăng cường hỗ trợ tài chính với chi phí 113 triệu USD cho các nước khu vực thông qua một cơ quan được đề xuất - Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Mỹ (USIDFC).
Ngoại trưởng Pompeo cho biết kế hoạch đầu tư này sẽ trở thành trụ cột trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Sáng kiến mới này nằm trong một thỏa thuận đầu tư ba bên giữa Mỹ, Nhật Bản và Australia.
“Tất cả chúng ta đều muốn mọi quốc gia có thể bảo vệ chủ quyền trước sức ép từ các quốc gia khác. Chúng tôi muốn giải quyết hòa bình các tranh chấp lãnh thổ và hàng hải”, Ngoại trưởng Pompeo phát biểu, “Nơi nào Mỹ đi qua, chúng tôi tìm kiếm sự hợp tác, không phải là sự thống trị. Chúng tôi tin vào quan hệ đối tác chiến lược, chứ không phải quan hệ phụ thuộc chiến lược”.
Ngoại trưởng Pompeo cho biết Mỹ sẽ "rót" trực tiếp 113 triệu USD vào các sáng kiến công nghệ, năng lượng và cơ sở hạ tầng mới tại các nền kinh tế châu Á mới nổi.
Washington cũng sẽ chi 25 triệu USD để mở rộng xuất khẩu công nghệ của Mỹ sang khu vực này, chi gần 50 triệu USD giúp các nước sản xuất và lưu trữ tài nguyên năng lượng và tạo ra một mạng lưới hỗ trợ mới để thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng.
Mỹ cũng đã ký một thỏa thuận đầu tư trị giá 350 triệu USD với Mông Cổ để phát triển nguồn nước mới và đang thúc đẩy một thỏa thuận với Millennium Challenge Corp, cơ quan phát triển của Chính phủ Mỹ, nhằm đầu tư hàng trăm triệu đô la vào giao thông và các dự án khác ở Sri Lanka.
Động thái công bố kế hoạch đầu tư mới tại châu Á được cho là nhằm cạnh tranh với dự án “Vành đai, Con đường" đầy tham vọng của Trung Quốc - một nhóm các dự án năng lượng và vận tải hàng tỷ đô la mà Bắc Kinh đã sử dụng để khẳng định sức ảnh hưởng ở châu Á.
Thông báo được đưa ra trong bối cảnh hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang bị mắc kẹt trong cuộc đối đầu địa chính trị tranh giành ảnh hưởng tại khu vực và cuộc đối đầu thương mại tồi tệ nhất trong lịch sử.
Bà Bonnie Glaser, chuyên gia nổi tiếng về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington, đánh giá sáng kiến mà Ngoại trưởng Pompeo công bố là một tầm nhìn tích cực có thể khẳng định ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực và giảm bớt sự hoài nghi về khả năng duy trì các cam kết khu vực của Mỹ.
"Tôi không nghĩ đó là chiến lược chống Trung Quốc hay chống BRI (Vành đai, Con đường). Chúng tôi không thể cạnh tranh với Trung Quốc về lượng tiền đổ vào”, bà Bonnie Glaser nhận định. Tuy nhiên, theo bà, về mặt chất lượng đầu tư, các khoản vay dựa trên nhu cầu của từng quốc gia, lao động có tay nghề cao và bảo vệ môi trường, Mỹ "có thể làm mọi thứ khác với Trung Quốc".