Quốc hội Mỹ đang cân nhắc cung cấp cho các căn cứ quân sự Mỹ tại châu Âu lưới điện siêu nhỏ, bộ lưu trữ điện… để đảm bảo nguồn năng lượng trong trường hợp có trục trặc từ nguồn cung cấp.
Đường ống khí đốt Nord Stream II của Nga-Đức dự kiến sẽ giúp tăng nguồn năng lượng từ Nga tới châu Âu. Ảnh: Reuters
|
Trong quý đầu năm 2018, các đường ống từ Nga cung cấp 41% khí gas của châu Âu. Khí đốt của Nga có giá thành rẻ bởi không phải qua quá trình hóa lỏng. Trên thực tế, những quốc gia khi vận chuyển khí gas trên quãng đường dài thường phải chuyển nó thành khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) để dễ lưu trữ và vận chuyển. Khi LNG được chuyển tới nơi, nó sẽ được chuyển lại thành dạng khí và được cấp cho các hộ gia đình, cơ sở kinh doanh.
Đường ống khí đốt Nord Stream II của Nga-Đức đang được thi công tại Biển Baltic dự kiến sẽ làm tăng lượng khí đốt của Nga vào châu Âu. Do vậy, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng Berlin bị phụ thuộc vào Moskva.
Ngoài ra, các nghị sĩ tại Quốc hội Mỹ cũng lo ngại rằng châu Âu lệ thuộc khá nhiều vào năng lượng của Nga. Vì vậy, để đảm bảo vận hành ổn định các căn cứ quân sự quan trọng của Mỹ tại châu Âu cần có giải pháp hỗ trợ.
Căn cứ Không quân Ramstein tại Tây Nam Đức là cơ sở quốc phòng chiến lược và quan trọng của Mỹ tại châu Âu với 56.000 binh sĩ. Cơ sở này hiện là trụ sở của Lực lượng Không quân Mỹ tại châu Âu. Theo cơ quan hậu cần quốc phòng Mỹ, gần 40% dầu mỏ tại các căn cứ quân sự Mỹ ở Đức có nguồn gốc từ Nga.
Do vậy, tạp chí National Interest đánh giá trong trường hợp Nga chặn nguồn năng lượng tới Đức thì không chỉ người dân Đức gặp khó khăn mà hoạt động tại các căn cứ quân sự Mỹ cũng sẽ gián đoạn.
Căn cứ Không quân Ramstein của Mỹ tại Đức. Ảnh: Sputnik
|
Gần đây, một số nghị sĩ đã viết thư gửi đến Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis về vấn đề năng lượng của các căn cứ quân sự Mỹ tại châu Âu. Họ đề xuất rằng LNG của Mỹ đáng tin cậy hơn và cần đẩy mạnh xuất khẩu năng lượng Mỹ để thay thế khí gas của Nga qua đường ống Nord Stream 2.
Các chính khách Mỹ đều lo ngại rằng đường ống khí đốt Nord Stream II góp phần tăng cường sức mạnh địa chính trị cho Nga đồng thời tăng gấp đôi mức độ phụ thuộc của châu Âu vào năng lượng từ Nga. Do vậy, Quốc hội Mỹ đang cố gắng đi theo nguồn cung cấp năng lượng an toàn hơn với Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng Quốc gia (NDAA) năm tài khóa 2018. Đạo luật này bảo hộ chính sách tiếp nhận năng lượng cho các cơ sở quân sự Mỹ ở hải ngoại, giảm lệ thuộc vào năng lượng Nga và đảm bảo duy trì hoạt động trong trường hợp nguồn cung năng lượng bị gián đoạn. Ngoài ra, Hạ Viện Mỹ đã thông qua NDAA năm tài khóa 2019.