Quốc hội Bulgaria chốt gửi vũ khí hạng nặng cho Ukraine, Tổng thống phản đối

Sau nhiều tháng tranh cãi, Quốc hội Bulgaria ngày 3/11 cuối cùng đã bỏ phiếu ủng hộ viện trợ vũ khí cho quân đội Ukraine.

Chú thích ảnh
Trong NATO, chỉ còn lại Bulgaria và Hungaria chưa viện trợ vũ khí cho Ukraine. Ảnh: Getty Images

Theo tờ Balkan Insight, sau nhiều tháng căng thẳng và tranh cãi xung quanh chủ đề này, Quốc hội Bulgaria ngày 3/11 đã bỏ phiếu quyết định gửi viện trợ quân sự hạng nặng cho Ukraine.

175 trong số 240 nghị sĩ đã bỏ phiếu ủng hộ việc gửi vũ khí cho Ukraine. Nghị quyết mới được thông qua yêu cầu chính phủ tiến hành các cuộc đàm phán với các đồng minh NATO để thay thế hoặc tăng cường khả năng quốc phòng, đổi lấy việc giải phóng nhanh hơn các trang thiết bị quân sự từ thời Liên Xô đến Ukraine. Tất cả các chi tiết kỹ thuật xung quanh quyết định này sẽ được chính phủ thảo luận tiếp.

Cuộc bỏ phiếu đánh dấu một trường hợp hiếm hoi các đảng đối lập, một bên là đảng GERB và Phong trào Quyền và Tự do, một bên là đảng “Chúng tôi tiếp tục thay đổi” và đảng Dân chủ Bulgaria đồng loạt bỏ phiếu nhất trí. Chỉ có Đảng Xã hội Bulgaria cánh tả và các nghị sĩ cực hữu của đảng Phục hưng (Vazrazhdane) bỏ phiếu chống lại quyết định trên.

“Khi chúng ta nói, ‘chúng tôi sẽ cung cấp cho bạn viện trợ nhân đạo nhưng không có vũ khí’ thì đây là một sự giễu cợt thực sự và tôi hy vọng Bulgaria sẽ ngừng đưa ra lập trường hoài nghi này”, nghị sĩ Atanas Slavov, đảng Dân chủ Bulgaria, phát biểu với truyền thông ngay trước cuộc bỏ phiếu.

Trong cuộc tranh luận, các nghị sĩ từ các đảng phái khác nhau cho rằng việc cung cấp hỗ trợ quân sự cho Ukraine có thể là cơ hội để Bulgaria hiện đại hóa kho vũ khí của mình. Nghị sĩ Slavov cho biết: “Chúng tôi đã đề xuất dành 2% tổng sản phẩm quốc nội để phục vụ cho quốc phòng”.

Trong khi đó, phe phản đối viện trợ vũ khí đến từ các đảng ủng hộ Nga như Đảng Xã hội và đảng Phục hưng. Tổng thống Rumen Radev, người hiện đang nắm quyền hành pháp, đã nhiều lần lên tiếng phản đối quyết định như vậy và thậm chí còn gọi những người khởi xướng quyết định này là "những người yêu chiến tranh", đang cố lôi kéo Bulgaria vào cuộc xung đột.

Chú thích ảnh
Tổng thống Bulgaria Rumen Radev phát biểu trong phiên khai mạc Quốc hội mới của Bulgaria vào 19/10/2022. Ảnh: AP 

Tổng thống Rumen Radev và quyền Bộ trưởng Quốc phòng Dimitar Stoyanov đều cho rằng quân đội Bulgaria không đủ khả năng cung cấp vũ khí cho Ukraine và rằng các đối tác như Mỹ sẽ không chuyển giao vũ khí thay thế như một “món quà”.

"Việc gửi vũ khí cho Ukraine chắc chắn khiến chúng ta, dù gián tiếp, trở thành một phần của cuộc xung đột", nghị sĩ Đảng Xã hội Bulgaria, cựu ngoại trưởng Kristian Vigenin nói.

Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Dimitar Stoyanov thì cho rằng một quyết định như vậy cần phải phân tích chi tiết. Theo ông, Bulgaria không thể buông các tổ hợp tên lửa phòng không S-300, khẳng định chúng là xương sống của lực lượng phòng không nước này.

Ông Stoyanov nói với báo chí vào ngày 27/10 rằng “Kiev đã yêu cầu chúng tôi cung cấp các hệ thống phòng không và tên lửa chiến thuật nhưng chúng có tầm quan trọng cực kỳ quan trọng đối với an ninh quốc gia của chúng tôi. Chúng tôi không có bất kỳ lượng dự phòng nào để có thể cung cấp”.

Hiện vẫn chưa rõ khoản viện trợ quân sự nào có thể được gửi tới Ukraine và quá trình đó có thể diễn ra trong bao lâu.

Theo ước tính không chính thức, Bulgaria cho đến nay đã gián tiếp cung cấp ít nhất 1 tỷ euro vũ khí và đạn dược cho Ukraine thông qua việc bán vũ khí cho các nước khác, và những nước này lại gửi vũ khí cho Kiev. 

Chú thích ảnh
Người dân tuần hành ủng hộ Ukraine ở Sofia, Bulgaria, ngày 7/4/2022. Ảnh: EPA-EFE

Kể từ khi xung đột bùng phát ở Ukraine hồi tháng 2, quốc hội Bulgaria đã bị chia rẽ sâu sắc về chủ đề này. Đảng Xã hội Bulgaria ủng hộ Điện Kremlin đã kiên quyết phản đối việc gửi viện trợ quân sự cho Ukraine, đến mức đe dọa sự thống nhất của liên minh sau khi cựu Thủ tướng Kiril Petkov gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy vào tháng 4.

Tổng thống Rumen Radev, người ủng hộ đảng Xã hội, cũng chỉ trích các kế hoạch viện trợ vũ khí, cảnh báo rằng việc gửi thiết bị quân sự hạng nặng có thể khiến Bulgaria can dự sâu hơn vào cuộc xung đột.

Ngày 3/11, đảng Hồi sinh ủng hộ Nga, đảng gần đây đệ trình dự thảo luật về việc xử phạt các công dân hoặc nhóm nhận tài trợ nước ngoài, đã phản đối viện trợ vũ khí cho Ukraine tại quốc hội. Nghị sĩ đảng này Angel Georgiev mô tả việc các đảng yêu cầu gửi viện trợ quân sự cho Ukraine là “mớ giẻ rách châu Âu-Đại Tây Dương”, trong khi nghị sĩ Đảng Xã hội Kristiyan Vigenin cho rằng đó là “sự vô trách nhiệm tập thể”.

Đến nay, chỉ còn lại Bulgaria và Hungary là những thành viên EU chống lại việc ủng hộ vũ khí cho quân đội Ukraine.

Một yếu tố dẫn đến tâm lý do dự này là bế tắc chính trị của Bulgaria. Nước này đã tổ chức bốn cuộc tổng tuyển cử chỉ từ năm 2021-2022, cuộc bầu cử gần nhất là vào ngày 2/10 vừa qua, sau khi liên minh cải cách của Thủ tướng Petkov bị lật đổ bởi một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm.

Vào tháng 5, tờ Balkan Insight từng đưa tin về việc Ukraine quan tâm đến vũ khí do Liên Xô sản xuất ở các nước Balkan. Cùng tháng, Quốc hội Bulgaria bỏ phiếu phản đối viện trợ quân sự và quyết định rằng trợ giúp Ukraine không nên vượt quá hỗ trợ sửa chữa thiết bị quân sự.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Balkan Insight, euronews)
4,5 triệu người Ukraine lại chìm trong bóng tối sau đợt không kích mới nhất
4,5 triệu người Ukraine lại chìm trong bóng tối sau đợt không kích mới nhất

Theo Tổng thống Volodymyr Zelensky, khoảng 4,5 triệu người Ukraine đang phải đối phó với tình trạng mất điện trong đêm 3/11 sau đợt không kích mới nhất của Nga nhằm vào các cơ sở hạ tầng dân sự.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN