Johann Schneider-Ammann

Quan hệ Thụy Sĩ - Việt Nam ngày càng tốt đẹp

Tổng thống Thụy Sĩ Johann Schneider-Ammann ngày 28/10 có buổi trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN về quan hệ song phương và một số vấn đề khác.

 Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn:

* Như ngài Tổng thống đã biết, năm nay là năm kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Thụy Sĩ, xin ông cho biết đánh giá của mình về mối quan hệ giữa hai nước hiện nay?

Tổng thống Thụy Sĩ Johann Schneider-Ammann phát biểu trong cuộc họp báo tại Bern ngày 24/6. Ảnh: EPA/TTXVN

Trước tiên, tôi xin khẳng định rằng quan hệ hai nước chúng ta trong suốt 45 năm qua ngày càng tốt đẹp, phát triển qua từng năm. Cách đây vài ngày (11/10), Bộ trưởng Kinh tế Marie-Gabrielle Ineichen Freisch của chúng tôi đã tới thăm Việt Nam. Đây là một trong những minh chứng cho thấy sự quan tâm của Thụy Sĩ trong việc phát triển quan hệ với Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực thương mại. Xin chúc mừng Việt Nam và xin nhấn mạnh rằng Thụy Sĩ rất quan tâm tới thị trường Việt Nam.

Chúng tôi kỳ vọng rằng hiệp định thương mại tự do mà chúng ta đang thảo luận, mặc dù hiện tại đang gặp khó khăn, sẽ là cú hích cho trao đổi thương mại giữa Việt Nam với Thụy Sĩ và các nước châu Âu khác. Đó cũng là một trong những mục đích chính của chuyến thăm của bà Ineichen Freisch tới Việt Nam vừa qua. Và chúng tôi hy vọng hai bên sẽ đạt được thỏa thuận này trong vài tháng tới.

Tuy vậy, có thể nói rằng hợp tác kinh tế giữa hai nước hiện nay vẫn khá khiêm tốn (Thụy Sĩ hiện có khoảng 99 dự án đầu tư tại Việt Nam, với giá trị khoảng gần 2 tỷ USD). Nhưng cũng phải ghi nhận rằng, một trong những nội dung hợp tác quan trọng giữa Việt Nam với Thụy Sĩ trong những năm vừa qua là viện trợ phát triển.

Tính từ năm 1992 tới nay, Thụy Sĩ đã dành khoảng 470 triệu USD cho hoạt động viện trợ phát triển tại Việt Nam, phần lớn là các khoản viện trợ không hoàn lại. Chiến lược hợp tác và phát triển Việt Nam-Thụy Sĩ giai đoạn 2017-2020 vừa được công bố nhân chuyến thăm của bà Ineichen Freisch tiếp tục nhấn mạnh mảng hợp tác này.

Theo đó, Thụy Sĩ cam kết sẽ cung cấp cho Việt Nam khoản viện trợ phát triển không hoàn lại trị giá 90 triệu Franc Thụy Sĩ (khoảng 92 triệu USD). Ba lĩnh vực mà Thụy Sĩ ưu tiên hỗ trợ cho Việt Nam là hoàn thiện thể chế và chính sách kinh tế; phát triển khu vực kinh tế tư nhân và hỗ trợ phát triển đô thị bền vững, đối phó với biến đổi khí hậu.

* Thưa ngài, đâu là những thách thức chính mà chúng ta đang phải đối mặt và những ưu tiên hiện nay và trong thời gian tới của Thụy Sĩ trong quan hệ với Việt Nam là gì?

Liên quan tới hiệp định thương mại tự do, chúng ta đã mất khá nhiều thời gian, với nhiều phiên đàm phán. Nếu tính tới cuối năm 2017, chúng ta đã đàm phán hiệp định này trong suốt 10 năm. Hiện nay, mảng nông nghiệp có thể nói là phần khó khăn vì có rất nhiều vấn đề cần thương lượng. Chúng tôi đang cố gắng để tìm kiếm cơ hội, cùng nhau tìm ra một giải pháp có tính quyết định trong vài tháng tới.

Và Thụy Sĩ cũng như các nước thuộc EFTA (khối Thương mại tự do châu Âu gồm 4 nước: Thụy Sĩ, Na Uy, Lienchtenstein và Iceland) đã sẵn sàng để ký kết hiệp định này với Việt Nam. Nói như vậy để thấy rằng mối quan tâm của chúng tôi trong thời gian tới với Việt Nam chính là thúc đẩy hơn nữa hợp tác về kinh tế, làm sâu sắc hơn quan hệ tốt đẹp giữa hai nước trên nền tảng quan hệ chính trị đã được khẳng định qua gần nửa thế kỷ nay.

Ngoài ra, trong chiến lược hợp tác kinh tế với Việt Nam, phía Thụy Sĩ sẽ tập trung vào việc hỗ trợ Việt Nam về quản lý tài chính công, cải thiện năng lực của hệ thống tài chính, khả năng tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nâng cao những chuẩn mực về môi trường, sử dụng hiệu quả các nguồn lực tự nhiên, sản xuất sạch và phát triển bền vững thương mại, quy hoạch đô thị và dịch vụ công.

Liên quan tới các hiệp định thương mại đa phương hiện nay, trong đó có EFTA, Tổng thống Schneider-Ammann bày tỏ cần tiếp tục tin tưởng vào hệ thống thương mại toàn cầu hiện nay, với sự điều hành của WTO. Ông cho rằng các thỏa thuận thương mại đa phương đang trên đà phát triển, tạo thuận lợi cho dòng chảy của hàng hóa với giá trị gia tăng cao hơn, khuyến khích sự tham gia của nhiều lực lượng, quốc gia và các thỏa thuận này sẽ giúp giải quyết vấn đề việc làm ở nhiều nơi trên thế giới.

TTXVN/Tin Tức
Phim “Thương nhớ đồng quê” được đánh giá cao ở Thụy Sĩ
Phim “Thương nhớ đồng quê” được đánh giá cao ở Thụy Sĩ

Ngày 14/10, “Thương nhớ đồng quê” bộ phim nổi tiếng của đạo diễn Đặng Nhật Minh đã lần đầu tiên được công chiếu tại Lausanne, trong khuôn khổ Những ngày văn hóa Việt Nam tại Thụy Sĩ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN