Buổi công chiếu phim đã được Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sĩ chuẩn bị trước đó nhiều tuần nhằm giới thiệu tới người dân tại Thụy Sĩ một nét đẹp khác của văn hóa Việt. Sự kiện được tổ chức tiếp sau một loạt hoạt động ý nghĩa nhân kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam -Thụy Sĩ, trong đó có chuyến thăm chính thức của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, hoạt động biểu diễn văn hóa, văn nghệ, ẩm thực tại nhiều thành phố khác của Thụy Sĩ.
Frédéric D’Aram - một luật sư tại bang Vaud cho hay, đây là lần đầu tiên anh được xem một bộ phim Việt Nam và có chất lượng nghệ thuật cao. Anh cho biết tại Thụy Sĩ, do là một quốc gia đa ngôn ngữ người dân được tiếp cận với các nền điện ảnh khác nhau như Pháp, Italy, Đức, và một bộ phim như “Thương nhớ đồng quê” đã đem lại một góc nhìn khác về nền văn hóa, con người và xã hội của Việt Nam.
Bộ phim "Thương nhớ đồng quê" được người dân Thuỵ Sỹ đánh giá cao. |
Một nhà báo quốc tế tại Geneva tới xem chia sẻ đây là một bộ phim rất tinh tế, diễn viên đóng tự nhiên và có chiều sâu. Anh thừa nhận không biết nhiều về điện ảnh Việt Nam song bộ phim đã cho anh thấy được một lát cắt về làng quê Việt Nam, nơi con người và tự nhiên hòa quyện, cảm thấy được cái tình người, sự gắn bó chặt chẽ của làng xóm Việt, khác với những thành phố phương Tây.
Nhiều Việt kiều đã chia sẻ sự đồng cảm với những cảm xúc thăng trầm của các nhân vật trong phim. Bộ phim lấy bối cảnh xã hội Việt Nam trong những năm 80 của thế kỷ trước, thời điểm mà tình hình kinh tế, xã hội đứng trước nhiều thử thách. Và cũng là lúc mà nhiều người phải rời bỏ các làng quê Việt Nam để đi tìm những cơ hội mới, trong đó có cả việc ra nước ngoài. Nhưng đúng như thông điệp của “Thương nhớ đồng quê”, luôn có một góc làng quê trong mỗi con người Việt, dù họ ở đâu. Phim từng đạt 5 giải thưởng quốc tế tại các liên hoan phim ở Pháp, Hà Lan, Thụy Sĩ, New Zealand.
Đạo diễn Đặng Nhật Minh cũng tham dự sự kiện và có phần giao lưu với công chúng và giới nghệ thuật của Thụy Sĩ. Ông cho hay những diễn viên trong phim đa phần là các diễn viên nghiệp dư và những diễn viên quần chúng chính là những người trong làng nơi quay phim.
Những bộ phim của đạo diễn Nhật Minh luôn mang tính nghệ thuật cao, và đã góp phần quảng bá nền điện ảnh Việt Nam ra thế giới. Trong đó, bộ phim “Bao giờ cho đến tháng Mười” được nhiều hãng thông tấn quốc tế đánh giá là một trong phim hay nhất của làng điện ảnh châu Á. Nhiều phim của ông đã nhận được giải thưởng cao tại các liên hoan phim trong và ngoài nước. Ông cũng là người Việt đầu tiên được nhận giải thưởng Nikkei Asia về Văn hóa vào năm 1999.