Sau cuộc điện đàm lịch sử giữa Tổng thống Mỹ và Tổng thống Iran Hassan Rouhani, khả năng về những bế tắc ngoại giao giữa hai nước dần được gỡ bỏ. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định rằng, vẫn còn quá sớm để hy vọng vào sự tan băng nhanh chóng quan hệ giữa Washington và Tehran sau nhiều năm mâu thuẫn, đặc biệt trong vấn đề hồ sơ hạt nhân Iran.Các nước thành viên thường trực Hội đồng bảo an LHQ và Đức (nhóm P5+1) đã có cuộc gặp với đại diện của Iran về chương trình hạt nhân tại New York, Mỹ ngày 26/9. Ảnh: THX/TTXVN. |
Ngay sau cuộc điện đàm trên, Tổng thống Obama đã lên tiếng cảnh báo rằng dư luận không nên quá lạc quan. Trong một tuyên bố, ông Obama nói: "Đây là cuộc trò chuyện đầu tiên giữa hai tổng thống kể từ năm 1979. Thực tế này nhấn mạnh sự ngờ vực sâu sắc giữa hai nước chúng ta, song cũng cho thấy một triển vọng hai bên sẽ vượt qua lịch sử khó khăn".
Là kẻ thù của nhau kể từ Cách mạng Iran năm 1979, Mỹ và Iran hiện đang có những bước đi thận trọng đầu tiên nhằm giảm căng thẳng. Cuộc điện đàm khi ông Rouhani đang trên đường ra sân bay về Iran là cuộc điện đàm đầu tiên giữa một Tổng thống Mỹ và một Tổng thống Iran sau hơn ba thập kỷ qua; mà theo bà Suzanne Maloney, cựu quan chức ngoại giao Mỹ và hiện là chuyên gia về Iran tại Viện Brookings, đó mới chỉ là những ngày đầu và sẽ còn nhiều phép thử nữa.
Chuyên gia Anthony Cordesman thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (Mỹ) cho rằng: “Cả Mỹ và Iran khó có thể quên được lịch sử, với những sự kiện như cuộc đảo chính (tại Iran) năm 1953, vụ bắt con tin sứ quán Mỹ tại Tehran kéo dài đến 444 ngày, hay như việc Mỹ ủng hộ Iraq trong cuộc chiến tranh với Iran trong những năm 1980.
Sự cách biệt bấy lâu nay giữa Mỹ và Iran có lẽ không dễ gì khỏa lấp, bằng chứng là hai bên đã không thể dàn xếp được dù chỉ một cái bắt tay mang tính biểu tượng giữa ông Rouhani và Tổng thống Mỹ Barack Obama bên lề cuộc họp trụ sở Liên hợp quốc hôm 24/9.
Mối quan hệ thù địch khác nổi lên giữa Washington và Tehran đó là, theo các tài liệu mới được công bố, Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã thừa nhập dàn xếp cuộc đảo chính lật đổ Thủ tướng Iran Mohammad Mossadegh hồi tháng 8/1953, sau khi ông này nỗ lực quốc hữu hóa ngành dầu mỏ của Iran khỏi tay người Anh. Vụ đảo chính này có thể nói là khởi đầu cho những mối nghi kỵ ám ảnh quan hệ Mỹ -Iran.
Hơn 30 năm, lịch sử quan hệ giữa hai nước được chồng chất thêm những cuộc đối đầu do những diễn biến trong khu vực: Từ cuộc chiến tranh Iraq - Iran, cho đến những cáo giác Iran hậu thuẫn khủng bố hay ý đồ tấn công xóa sổ Israel trên bản đồ thế giới, những thách thức của Tehran trên hồ sơ hạt nhân và gần đây nhất là lập trường của Tehran hậu thuẫn nhiệt tình cho chế độ al-Assad trong cuộc khủng hoảng Syria.
Điểm xuyết cho mối căng thẳng thường trực này là sự gia tăng trừng phạt của Mỹ nhắm vào Tehran vì chương trình hạt nhân của Iran. Theo các nhà phân tích quốc tế thì chương trình hạt nhân của Iran là vật cản khiến hai bên không thể nói đến chuyện xích lại, tin cậy lẫn nhau hoặc chỉ là làm dịu căng thẳng.
Mỹ cùng các đồng minh của mình vẫn cáo buộc Iran phát triển chương trình hạt nhân là nhằm chế tạo bom nguyên tử và yêu cầu ông Rouhani phải có những hành động để chứng minh rằng Iran không tìm cách phát triển vũ khí hạt nhân. Trong khi đó, phát biểu trước các nhà lãnh đạo thế giới tại LHQ ngày 24/9, Tổng thống Iran đã nhắc lại yêu cầu của nước này rằng bất kỳ thỏa thuận hạt nhân nào cũng đều phải công nhận quyền làm giàu urani của Iran, chiểu theo các hiệp ước quốc tế. Những điều kiện này đã cho thấy vẫn còn sự cách biệt lớn cần xóa bỏ trên bàn đàm phán.
Mạng tin "Stratfor" nhận định rằng để giảm căng thẳng quan hệ Mỹ-Iran, còn rất nhiều cản trở. Mặc dù Iran đang thúc đẩy mạnh mẽ các cuộc đàm phán chính thức với Mỹ và đang chờ sự hồi âm từ Washington, song dường như Mỹ đang có những bước đi thận trọng vì nhiều lý do.Trước hết, phía Mỹ hiện không chịu sức ép nào lớn phải đẩy mạnh các cuộc đàm phán với Iran. Khi còn quân đóng ở Iraq thì Mỹ cần Iran, nhưng giờ thì điều đó không còn nữa. Hiện cũng có những phản đối về biện pháp can dự ngoại giao với Tehran từ các nhóm lợi ích tại Washington.
Sức ép nội bộKarim Sadjadpour, một chuyên gia về Iran tại Viện Carnegie Endowment ở Washington, cũng thận trọng về khả năng đạt được đột phá. Theo ông, các cuộc thương lượng khó khăn nhất sẽ diễn ra không phải giữa hai Tổng thống Obama và Rouhani, mà là giữa Tổng thống Obama và Quốc hội Mỹ, và giữa Tổng thống Rouhani và Lãnh tụ Khamenei. Cả hai ông đều đang chịu sức ép bởi nền chính trị nội bộ trong nước.
“Đối với những người từ lâu theo dõi mối quan hệ Mỹ-Iran thì đây dường như là một khoảnh khắc thuận lợi hiếm hoi. Nhưng họ cũng phải nhìn thực tế rằng trong suốt 35 qua đã từng có không ít hy vọng về một sự đột phá bị tan thành mây khói". |
Tại Mỹ, nghị sĩ Cộng hòa Mike Rogers thuộc Ủy ban tình báo Hạ viện cho biết: “Nhiều người trong số chúng tôi tin rằng sẽ không có thay đổi gì nhiều”. Nếu các cuộc thương lượng không mang lại nhiều thành công, Tổng thống Obama sẽ sớm bị cáo buộc là "mắc lừa trò câu giờ của Tehran". Ngay cả khi các thanh tra quốc tế đảm bảo rằng các cơ sở hạt nhân của Iran chỉ vì mục đích dân sự đi chăng nữa thì nhiều người vẫn nghi ngờ rằng Iran vẫn có một chương trình hạt nhân quân sự tồn tại song song.
Tổng thống Obama đang ở vị thế yếu nhất kể từ khi ông lên nắm quyền, vì thế ông có thể sẽ phải đối mặt với nhiều lời chỉ trích nếu ông có bước tiến nhanh hay nhượng bộ quá nhiều với Iran.