Phương Tây muốn lập cơ chế theo dõi vũ khí gửi cho Ukraine

Các thành viên NATO và EU ngày càng lo ngại về số vũ khí mà họ đã viện trợ cho Ukraine.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: AFP

Theo tờ Financial Times ngày 12/7, các quốc gia phương Tây đang tìm cách thiết lập một cơ chế theo dõi đặc biệt để tìm cách ngăn chặn vũ khí viện trợ bị đưa ra thị trường chợ đen.

Kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, Mỹ và các đồng minh ở châu Âu cũng như các nước khác đã cam kết hỗ trợ quân sự trị giá hơn 10 tỷ USD cho Ukraine. Viện trợ quân sự gồm nhiều vũ khí nhỏ, tên lửa chống tăng và tên lửa phòng không di động.

Một quan chức phương Tây giấu tên nói với Financial Times: “Tất cả những vũ khí này đều hạ cánh xuống ở miền nam Ba Lan, được vận chuyển tới biên giới và sau đó được chia lên các phương tiện để đi qua biên giới như xe tải, đôi khi là ô tô riêng”.

Quan chức phương Tây này cũng giải thích lý do tại sao Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) muốn Ukraine có danh sách kiểm kê chi tiết tất cả các loại vũ khí mà nước này nhận được.

Ông này nói: “Kể từ thời điểm đó, chúng tôi không biết thông tin về vị trí vũ khí và chúng tôi không biết vũ khí đi đâu, được sử dụng ở đâu hay thậm chí vũ khí còn ở Ukraine hay không”. Theo cơ quan thực thi pháp luật của EU Europol, một số vũ khí có thể đã rời Ukraine và xuất hiện trở lại châu Âu.

Vào tháng 4, Europol cảnh báo rằng các cuộc điều tra cho thấy vũ khí viện trợ đã được bán ra khỏi Ukraine và đưa vào EU để cung cấp cho các nhóm tội phạm có tổ chức. Europol cho biết vào thời điểm đó, cuộc xung đột ở Ukraine khiến một số lượng đáng kể vũ khí và chất nổ xuất hiện ở Ukraine.

Europol tỏ ra đặc biệt lo ngại rằng chính quyền Ukraine đã không lưu sổ sách số vũ khí được giao cho dân thường vào thời điểm bắt đầu cuộc xung đột. Cơ quan này cho biết: “Các loại vũ khí đã được phân phát mà không có hồ sơ kể từ đó”. Europol kêu gọi thiết lập sổ sách cho tất cả vũ khí và vật liệu quân sự được chuyển từ EU sang Ukraine.

Trong khi đó, Ukraine phủ nhận mình đã trở thành một trung tâm buôn lậu vũ khí. Theo ông Yury Sak, cố vấn của Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine, hoạt động vận chuyển vũ khí vào Ukraine hoặc ra khỏi Ukraine đều được Ukraine và các đối tác quốc tế của theo dõi và giám sát rất chặt chẽ.

Mỹ cho biết họ tin tưởng Ukraine, nhưng cũng thừa nhận rằng khả năng vũ khí Mỹ rơi vào tay kẻ xấu là một trong số rất nhiều điều có thể xảy ra do tình hình đầy thách thức trên thực tế.

Chú thích ảnh
Các công nhân bốc dỡ một lô hàng viện trợ quân sự tại sân bay Borispol, ngoại ô Kiev, Ukraine. Ảnh: AP

Quan chức Mỹ phụ trách kiểm soát vũ khí và an ninh quốc tế Bonnie Jenkins nói với các phóng viên tại Brussels vào ngày 8/7: “Chúng tôi tin tưởng vào cam kết của Chính phủ Ukraine trong bảo vệ và chịu trách nhiệm hợp lý đối với vũ khí của Mỹ”.

Các đồng minh châu Âu của Mỹ dường như ít chắc chắn hơn. Bộ trưởng Quốc phòng Séc Jana Cernochova nói: “Thật khó để tránh tình trạng buôn lậu”. Bà cho rằng các quốc gia phương Tây đã không làm được điều đó ở Nam Tư cũ và có lẽ sẽ không tránh được điều đó ở Ukraine. Theo Bộ trưởng Cernochova, sẽ không thể theo dõi từng vũ khí ngay cả khi các quốc gia tài trợ đã làm tất cả những gì có thể để theo dõi.

Vào tháng 6, cảnh sát Thụy Điển đã cảnh báo về việc vũ khí được gửi đến Ukraine có khả năng rơi vào tay các băng nhóm tội phạm. Tổng thư ký Interpol Juergen Stock cũng bày tỏ lo ngại tương tự.

Bình luận về vấn đề này, cựu cố vấn Lầu Năm Góc Karen Kwiatkowski lại cho rằng Ukraine đang bán vũ khí do phương Tây viện trợ ra thị trường chợ đen vì không biết sử dụng, bị hạn chế về hậu cần và quy mô lực lượng vũ trang ngày càng giảm. 

Trước đó, ngày 5/7, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu khẳng định các vũ khí mà phương Tây cung cấp cho Ukraine đã được bán ra chợ đen và phân phối khắp khu vực Trung Đông.

Phía Ukraine thậm chí đã thừa nhận về tình trạng trên. Hồi đầu tuần, Giám đốc Văn phòng An ninh Kinh tế Ukraine Vadym Melnyk trả lời kênh truyền hình Ukraine 24 rằng cơ quan này đã phát hiện nhiều trường hợp mua bán hàng hóa viện trợ nhân đạo và quân sự của phương Tây.

Trong khi đó, ngày 8/7, Thư ký Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine - ông Oleksiy Danilov - khẳng định nguồn cung vũ khí chính xác cao của phương Tây đang giúp nước này tại thực địa, nhưng lượng vũ khí này là không đủ và các binh sĩ Ukraine cần có thời gian để học cách sử dụng.

Cuối tháng trước, Ukraine thông báo đã nhận được các Hệ thống rocket pháo binh cơ động cao (HIMARS) do Mỹ chế tạo và đánh giá hệ thống này phát huy hiệu quả trên chiến trường. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã yêu cầu phân bổ gói viện trợ quân sự mới trị giá 400 triệu USD cho Ukraine.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Ukraine yêu cầu phương Tây cung cấp thêm vũ khí
Ukraine yêu cầu phương Tây cung cấp thêm vũ khí

Ngày 8/7, Thư ký Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine - ông Oleksiy Danilov - khẳng định nguồn cung vũ khí chính xác cao của phương Tây đang giúp Kiev tại thực địa, nhưng lượng vũ khí này là không đủ và các binh sĩ Ukraine cần có thời gian để học cách sử dụng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN