Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. đã đưa ra lời kêu gọi trên nhân 4 năm PCA ra phán quyết (ngày 12/7/2016). Ngoại trưởng Philippines khẳng định phán quyết của PCA "đã giải quyết một cách thuyết phục vấn đề quyền lịch sử và các quyền hàng hải tại Biển Đông" trên cơ sở Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Ông Locsin nêu rõ: "Phán quyết này là không thể thương lượng. Tòa đã phán quyết rằng những yêu sách của Trung Quốc về quyền lịch sử đối với các tài nguyên trong vùng biển này là không có cơ sở pháp lý".
Ngoại trưởng Locsin nhấn mạnh sự tuân thủ có thiện chí đối với phán quyết của PCA phù hợp với những nghĩa vụ của Philippines và Trung Quốc theo luật pháp quốc tế. Theo ông, Philippines kỷ niệm việc tòa ban hành phán quyết này là để tôn vinh tính thượng tôn pháp luật, coi đó là phương thức để giải quyết tranh chấp một cách thiện chí.
Ngày 12/7/2016, Tòa Trọng tài Thường trực ở La Haye (Hà Lan) đã ra phán quyết vụ Philippines kiện Trung Quốc về yêu sách đối với vùng biển mà Bắc Kinh gọi là “đường 9 đoạn” ở Biển Đông. Đây là phán quyết quốc tế đầu tiên liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông.
Theo phán quyết, yêu sách của Trung Quốc về "các quyền lịch sử" đối với các vùng biển nằm trong "đường 9 đoạn" là trái với Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1992; Trung Quốc không có "tư cách lịch sử" đối với các vùng biển ở Biển Đông và không có cơ sở pháp lý để đưa ra những tuyên bố về "các quyền lịch sử" đối với những nguồn tài nguyên trong cái gọi là "đường 9 đoạn". PCA khẳng định Trung Quốc đã gây ra những nguy hại lâu dài đối với hệ sinh thái dải san hô ở quần đảo Trường Sa, đồng thời nhấn mạnh Trung Quốc đã can thiệp vào các quyền đánh bắt truyền thống của Philippines tại bãi Scarborough (Hoàng Nham) trên Biển Đông.
Sau khi PCA ra phán quyết trên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cùng ngày 12/7/2016 đã ra tuyên bố cho biết nước này không chấp nhận cũng như không công nhận phán quyết của PCA.
Trong khi đó, cộng đồng quốc tế đã hoan nghênh phán quyết của PCA và kêu gọi thực thi phán quyết. Hội đồng châu Âu (EC) kêu gọi Trung Quốc tôn trọng trật tự quốc tế, trong khi Nhật Bản cho rằng phán quyết của PCA là phán quyết cuối cùng và mang tính ràng buộc pháp lý, theo đó các bên liên quan phải tuân thủ phán quyết này. Mỹ cho rằng phán quyết của PCA là đóng góp quan trọng cho giải pháp hòa bình đối với các tranh chấp ở Biển Đông, Singapore, Thái Lan và Ấn Độ đồng thời kêu gọi tất cả các bên tôn trọng đầy đủ các quy trình pháp lý và ngoại giao, kiềm chế và tránh tiến hành bất kỳ hoạt động có thể gây căng thẳng trong khu vực.