Thêm một tổ chức yêu cầu Trung Quốc tôn trọng phán quyết của PCA

Ngày 10/8, Hội đồng đại diện các hội đoàn Pháp-Việt có trụ sở tại Pháp (CRAFV) đã ra Kiến nghị "Vì sự tôn trọng phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa Trọng tài Thường trực liên quan tranh chấp ở Biển Đông".

Bản kiến nghị của CRAFV được đăng tải trên trang mạng của tổ chức này và trên địa chỉ www.change.org để lấy chữ ký mọi người.

Sau đó, kến nghị sẽ được gửi tới lãnh đạo và các cơ quan nhà nước của Pháp như Tổng thống Pháp, Bộ trưởng Ngoại giao; các tổ chức của Liên minh châu Âu, đại sứ các nước Mỹ, Trung Quốc, Australia, Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước ASEAN tại Pháp và các phương tiện truyền thông quốc tế.

Người Việt Nam tại Pháp tuần hành phản đối việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào sâu trong vùng biển Việt Nam năm 2014.

Tại phần đầu, kiến nghị nêu rõ bối cảnh của các tranh chấp tại Biển Đông: Từ nhiều năm nay, chủ quyền ở các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tại Biển Đông là vấn đề tranh cãi giữa các nước và vùng lãnh thổ ven bờ gồm: Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia, Brunei và Đài Loan. Thách thức bao gồm cả về kinh tế và địa chiến lược, bởi khu vực này có tuyến hàng hải quốc tế quan trọng.

Tiếp đó, bản kiến nghị cũng điểm lại những hoạt động sai trái của Trung Quốc tại Biển Đông từ năm 1974 đến nay. Trung Quốc đã đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam tháng 1/1974; đánh chiếm bãi Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam năm 1988; đánh chiếm bãi cạn Scarborough của Philippines năm 2012. Trung Quốc còn ngang nhiên cắt cáp của tàu thăm dò khai thác Việt Nam năm 2012; ngăn cản ngư dân Việt Nam đánh cá tại các ngư trường truyền thống; đưa giàn khoan vào bên trong vùng ZEE của Việt Nam năm 2014, Trung Quốc tiến hành bồi đắp trái phép các đảo nhân tạo, xây dựng ở đó các cơ sở hạ tầng, cầu cảng quy mô lớn có thể phục vụ mục đích quân sự ở Trường Sa.

Bản kiến nghị nhấn mạnh, bằng việc vạch ra "đường 9 đoạn", bao quanh "vùng nước lịch sử", Trung Quốc đưa ra yêu sách chủ quyền phi lý với gần 90% diện tích Biển Đông, chồng lấn lên các vùng đặc quyền kinh tế (ZEE) của các nước khác trong khu vực.

Trước yêu sách và hành động phi lý ấy của Trung Quốc, Philippines đã nộp đơn kiện Trung Quốc ở PCA vào năm 2013. Ngày 12/7/2016, PCA đã ra phán quyết bác bỏ những yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, những đòi hỏi của Trung Quốc là không có cớ sở pháp lý, Trung Quốc không có các quyền lịch sử trên Biển Đông. Hành động của Trung Quốc là vi phạm luật pháp quốc tế, quyền chủ quyền và các lợi ích của Philippines và mở rộng ra là của các nước trong khu vực.

Sau phán quyết của PCA, Trung Quốc một lần nữa tuyên bố không chấp nhận và không thừa nhận phán quyết của PCA (Tòa được thành lập trên cơ sở Công ước Liên hợp quốc về Luật biển-UNCLOS mà Trung Quốc là thành viên).

Kiến nghị nhấn mạnh: Vì lợi ích hòa bình trên thế giới, chúng tôi, những người Pháp và người châu Âu gốc Việt, kêu gọi chính phủ và các cơ quan chính trị Pháp, Liên minh châu Âu, Mỹ, ASEAN... hãy làm những điều cần thiết để yêu cầu Trung Quốc:

- Tôn trọng phán quyết của PCA;
- Tôn trọng Công ước của Liên Hợp quốc về luật biển (UNCLOS);
- Chấm dứt việc xây dựng bất hợp pháp các đảo nhân tạo và quân sự hóa chúng;
- Chấm dứt các hành động ngăn cản bất hợp pháp ngư dân Việt nam.

Việt Sơn (P/v TTXVN tại Pháp)
Phán quyết của Tòa Trọng tài về Biển Đông là tiền đề thảo luận
Phán quyết của Tòa Trọng tài về Biển Đông là tiền đề thảo luận

Phán quyết công bố ngày 12/7 về vấn đề Biển Đông của Tòa Trọng tài tại La Haye (Hà Lan) tạo ra những tiền đề, cơ sở pháp lý để các bên liên quan trong khu vực tiếp tục thảo luận và hợp tác trong tương lai.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN