Đáng chú ý, tham dự hội thảo còn có Đại sứ Philippines, Công sứ Thái Lan và đại diện ngoại giao các nước Mỹ, Nhật Bản, Australia, Malaysia, Singapore… và một số quốc gia châu Phi như Uganda, Ghana. Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Tôn Sinh Thành cũng tham dự và có bài phát biểu quan trọng tại hội thảo.
Hội thảo do Trung tâm nghiên cứu chiến lược châu Á của Ấn Độ (CASS-India) tổ chức. Phát biểu khai mạc hội thảo, Giám đốc CASS-India A. B. Mahapatra đã nêu khái quát về tình hình hiện nay ở Biển Đông trong đó đề cập đến tầm quan trọng về kinh tế của khu vực cũng như những căng thẳng liên quan đến các hoạt động quân sự hóa gia tăng của Trung Quốc ở Biển Đông. Ông kêu gọi tất cả các bên trong khu vực, trong đó có Trung Quốc tôn trọng và tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) ở La Haye (Hà Lan), được công bố hôm 12/7.
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Đăng Chính |
Tại hội thảo, các học giả đã có nhiều bài tham luận liên quan đến vấn đề Biển Đông như lập trường và phản ứng của Ấn Độ đối với tình hình nổi lên ở Biển Đông; xung đột ở Biển Đông và những tác động quan hệ Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) - Trung Quốc; vai trò của ASEAN và những tác động sau khi PCA ra phán quyết; giải pháp hòa bình cho tranh chấp Biển Đông trước tham vọng của Trung Quốc; chính sách tái cân bằng của Mỹ và những tác động đến tình hình Biển Đông; Biển Đông và quản lý xung đột trong tương lai…
Hầu hết đánh giá phân tích của các diễn giả tham dự hội thảo đều tập trung phản ánh những diễn biến mới tại Biển Đông sau phán quyết của PCA và cho rằng đây là một phán quyết mang tính lịch sử khi bác bỏ tuyên bố “chủ quyền lịch sử” và yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời khẳng định đây không chỉ là chiến thắng của Philippines mà còn là chiến thắng của công lý và luật pháp quốc tế.
Một số học giả cho rằng phán quyết của PCA cần được các bên liên quan tuân thủ và tôn trọng triệt để vì phán quyết này ủng hộ khuôn khổ pháp lý quản lý đại dương và giải quyết tranh chấp trong tương lai trên cơ sở Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Các học giả nhấn mạnh Trung Quốc là một bên ký kết UNCLOS nên nước này phải tôn trọng phán quyết của tòa cho dù họ đã quyết định không tham gia vào quá trình tố tụng. Đáng chú ý, có ý kiến học giả còn cho rằng Trung Quốc phải bồi thường cho những gì mà nước này đã phá hủy hệ sinh thái ở Biển Đông.
Tuyên bố của CASS-India về phán quyết của PCA được công bố tại hội thảo nêu rõ tất cả các bên cần tôn trọng phán quyết và ủng hộ tinh thần thượng tôn luật pháp, nhất là UNCLOS. Cộng đồng quốc tế nên hối thúc tất cả các bên liên quan tuân thủ triệt để phán quyết của PCA và chỉ có thực hiện như vậy mới góp phần giảm bớt căng thẳng, đem lại hòa bình và ổn định ở Biển Đông, nơi vốn có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với các tuyến thương mại hàng hải huyết mạch với thương mại toàn cầu trị giá khoảng 5,6 tỷ USD đi qua mỗi năm.
Vì vậy, tất cả các bên cần thể hiện sự tôn trọng phán quyết và chấm dứt bất kỳ hành động nào có thể làm phức tạp thêm tình hình, trong đó có các hoạt động xây dựng và cải tạo trái phép các đảo. Mọi hình thức hoạt động quân sự lén lút hay công khai đều phải dừng lại ngay lập tức và ý định quân sự hóa Biển Đông dù bằng cách này hay cách khác sẽ có tác động to lớn tới hòa bình và ổn định khu vực. Tất cả các bên liên quan đến tranh chấp, các cường quốc khu vực và cộng đồng quốc tế phải chú ý tới diễn tiến trên Biển Đông theo phán quyết mới đây của PCA và thuyết phục các bên tuân thủ phán quyết.
Tuyên bố cho biết thêm điều quan trọng là giờ đây Trung Quốc phải ngừng hoạt động xây dựng đảo, cho dù dưới danh nghĩa là phát triển cơ sở hạ tầng dân sự ở vùng biển này và Trung Quốc phải đưa ra đề xuất có thể phục hồi môi trường đã bị hủy hoại như thế nào vì điều này rất quan trọng cho hệ sinh thái ở Biển Đông.
Tuyên bố còn cho rằng ASEAN cần thể hiện tình đoàn kết vì một nửa số thành viên của khối có liên quan tới tranh chấp này và việc khối này có một lập trường chung sẽ giúp giải quyết vấn đề nhằm mang lại hòa bình và ổn định lâu dài cho khu vực. Bên cạnh đó, ASEAN phải nỗ lực xúc tiến các cuộc đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) nhằm giúp làm giảm căng thẳng và đảm bảo tự do hàng hải, hàng không cũng như thương mại không bị cản trở ở Biển Đông.
Phát biểu tại Hội thảo, Đại sứ Philippines tại Ấn Độ Maria Teressita C. Daza cho biết nước này tôn trọng phán quyết của PCA và kêu gọi các bên liên quan cũng tôn trọng phán quyết này, thúc đẩy tìm kiếm các giải pháp hòa bình giải quyết tranh chấp theo luật pháp quốc tế.
Đại sứ Tôn Sinh Thành (ngoài cùng bên trái) tham dự hội thảo. Ảnh: Đăng Chính |
Về phần mình, Đại sứ Tôn Sinh Thành khẳng định Việt Nam hoan nghênh PCA đã đưa ra phán quyết về vụ kiện trên. Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, bao gồm các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực theo quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS, duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
Đại sứ Tôn Sinh Thành nhấn mạnh Việt Nam có bằng chứng pháp lý và lịch sử về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chủ quyền đối với nội thủy và lãnh hải, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được xác định phù hợp với UNCLOS cũng như tất cả các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam liên quan.
Kết thúc hội thảo, các hàng truyền hình, báo chí Ấn Độ như “Times Now”, “The Economic Times”… cũng đã phỏng vấn một số học giả và khách mời từ đại diện ngoại giao đoàn về những đánh giá liên quan đến tình hình Biển Đông, nhất là sau khi PCA ra phán quyết cũng như về các biện pháp nhằm thúc đẩy giải quyết hòa bình tranh chấp, góp phần duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực.