Phán quyết của PCA khích lệ việc giải quyết tranh chấp trên Biển Đông

Giám đốc Chương trình Minh bạch Hàng hải châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) nhận định phán quyết của PCA là sự khích lệ đối với nỗ lực giải quyết các tranh chấp hàng hải bằng biện pháp hòa bình và thông qua các cơ chế trọng tài quốc tế.

Giám đốc dự án Sáng kiến Minh bạc Hàng hải châu Á thuộc CSIS Gregory Poling phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Thanh Tuấn/Phóng viên TTXVN tại Mỹ

Hai ngày sau khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Haye (Hà Lan) ra phán quyết về vụ kiện của Philippines với Trung Quốc liên quan tới tranh chấp ở Biển Đông, ngày 14/7, Giám đốc Chương trình Minh bạch Hàng hải châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington (Mỹ), ông Greg Polin, nhận định phán quyết của PCA tạo sự khích lệ trong việc giải quyết các vấn đề nổi cộm ở vùng biển này.

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Washington, ông Polin cho rằng điểm quan trọng nhất trong phán quyết của PCA là tòa đã bác bỏ yêu sách “quyền lịch sử” đối với “đường 9 đoạn” của Trung Quốc, đồng nghĩa khái niệm “đường 9 đoạn” hoàn toàn bị xóa bỏ và không có giá trị pháp lý.

Ông nhận định đây là phán quyết rất có ý nghĩa, không chỉ đối với Philippines mà còn cả các bên liên quan khác. Chuyên gia này đồng thời nhấn mạnh phán quyết của PCA là một sự khích lệ đối với nỗ lực giải quyết các tranh chấp hàng hải bằng biện pháp hòa bình và thông qua các cơ chế trọng tài quốc tế. Ông nói "với phán quyết của PCA, ít nhất hiện nay đã có khung pháp lý chung để các bên liên quan căn cứ khi đưa ra đòi hỏi của mình".

Báo Đức tố cáo Trung Quốc đe dọa nhiều nước EU

Cùng ngày, phóng viên TTXVN tại Berlin dẫn nguồn tin báo Nam Đức (SZ) cho biết Trung Quốc đang đe dọa nhiều nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) liên quan đến phán quyết của PCA.

Theo báo trên, từ ngày 13/7, EU đã nỗ lực tìm kiếm một quan điểm chung đối với phán quyết của PCA. Tuy nhiên, hiện Trung Quốc đang "gây sức ép rất mạnh" đối với những quốc gia thành viên EU nhỏ hơn như Hy Lạp, Cộng hòa Cyprus và Croatia nhằm ngăn cản một tuyên bố liên quan của châu Âu.

Báo trên cũng cho hay tranh chấp trên Biển Đông đang phủ bóng lên Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM) ở Ulan Bator của Mông Cổ. Tại đây, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã bác bỏ phán quyết của PCA, cho rằng phán quyết này không có cơ sở pháp lý “đối với các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc, đồng thời nêu rõ các tranh cãi cần phải được giải quyết thông qua đàm phán song phương giữa các bên liên quan trên cơ sở những yếu tố lịch sử".

Tuy nhiên, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết sẽ nhấn mạnh "ý nghĩa của nhà nước pháp quyền và một giải pháp hòa bình". Tương tự, Ngoại trưởng Philippines Yasay khẳng định tại Ulan Bator, Manila muốn thảo luận sự cần thiết để các bên tôn trọng phán quyết mới nhất của PCA.

Ngày 12/7, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Tòa trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 trên cơ sở đề nghị của Philippines đã đưa ra phán quyết cuối cùng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ: “Việt Nam hoan nghênh việc Tòa trọng tài đã đưa ra phán quyết cuối cùng ngày 12/7/2016. Việt Nam sẽ có tuyên bố về nội dung phán quyết.

Việt Nam một lần nữa khẳng định lập trường nhất quán của mình về vụ kiện này như đã được thể hiện đầy đủ trong Tuyên bố ngày 05/12/2014 của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Tòa trọng tài. Trên tinh thần đó, Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, bao gồm các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực theo quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương.

Nhân dịp này, Việt Nam tiếp tục khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chủ quyền đối với nội thủy và lãnh hải, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, cũng như tất cả các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam liên quan đến các cấu trúc địa lý thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.

TTXVN/Tin Tức
Đã đến lúc Canada cần lên tiếng về vấn đề Biển Đông
Đã đến lúc Canada cần lên tiếng về vấn đề Biển Đông

Lâu nay, Canada luôn thực thi chính sách im lặng trong vấn đề Biển Đông vì nhiều lý do khác nhau. Tuy nhiên, giờ là lúc quốc gia Bắc Mỹ này cần phá vỡ sự im lặng trên để không chỉ can dự tốt hơn vào khu vực châu Á – Thái Bình Dương, mà còn tìm kiếm cơ hội tham gia vào các thể chế xây dựng cấu trúc an ninh và kinh tế khu vực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN