Theo đài Sputnik (Nga), ông Le Maire phát biểu với đài phát thanh France Info ngày 1/3 rằng kinh tế Nga sẽ phải đối mặt với nguy cơ sụp đổ trong bối cảnh EU và Mỹ cùng nhiều nước khác tung các lệnh trừng phạt nhằm vào nước này.
Ông Bruno Le Maire cũng cho biết, ông sẽ thảo luận với các nhà lãnh đạo của tập đoàn TotalEnergies và Engie về các hoạt động của họ ở Nga.
Trước đó, Pháp tuyên bố sẽ xác định những người Nga có tài sản ở Pháp để đưa vào danh sách trừng phạt của EU với lý do họ có mối liên hệ với chính quyền Nga và liên quan đến hoạt động quân sự đặc biệt đang diễn ra ở miền Đông Ukraine.
Phát biểu của ông Bruno Le Maire được đưa ra trong bối cảnh EU thực hiện nhiều biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga.
EU đã nhất trí ngăn chặn Ngân hàng Trung ương Nga triển khai dự trữ quốc tế trị giá 640 tỷ euro, cấm tất cả các giao dịch với Ngân hàng Trung ương Nga.
Một loạt ngân hàng của Nga cũng đang bị EU loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT. EU cho rằng điều này sẽ ngăn chặn các ngân hàng Nga hoạt động trên toàn thế giới và ngăn chặn xuất khẩu và nhập khẩu của Nga một cách hiệu quả.
Tài sản của nhiều ngân hàng Nga khác như VTB (ngân hàng lớn thứ hai Nga), Bank Rossiya và Promsvyazbank cũng đã bị ảnh hưởng khi EU đóng băng tài sản nghiêm ngặt hoặc hạn chế các ngân hàng này thực hiện hoạt động kinh doanh mới.
Các hãng hàng không và máy bay tư nhân của Nga đã dần dần bị cấm vào không phận EU. Nhiều hãng hàng không châu Âu cho biết họ đang tạm dừng các đường bay đến Nga.
EU cũng đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu máy bay và các bộ phận hàng không sang Nga, cấm xuất khẩu hàng hóa công nghệ cao như chất bán dẫn, máy tính, viễn thông, thiết bị an ninh thông tin và cảm biến. Các công ty có trụ sở tại EU cũng bị cấm xuất khẩu cho một loạt các công ty quốc phòng, hải quân, vận tải và truyền thông của Nga.
Đáp lại, ngày 28/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh kinh tế đặc biệt nhằm đối phó với các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây. Theo Tass, Tổng thống Putin ký sắc lệnh kinh tế đặc biệt "do những hành động của Mỹ, nước ngoài và các tổ chức quốc tế không thân thiện và đi ngược lại luật pháp quốc tế, cũng như có liên quan đến những hạn chế đối với công dân và thực thể pháp lý Nga". Sắc lệnh này cũng nhằm bảo vệ các lợi ích quốc gia của Nga và phù hợp với luật pháp Liên bang Nga.
Điện Kremlin tuyên bố sắc lệnh kinh tế đặc biệt này sẽ không phải là đòn đáp trả duy nhất của Nga trước các đòn trừng phạt của phương Tây.
Cũng ngày 28/2, trong động thái nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt mới đây của các nước phương Tây, Nga đã ban bố lệnh hạn chế các chuyến bay của các hãng hàng không tới từ 36 nước và vùng lãnh thổ.
Theo Cơ quan Vận tải Hàng không Liên bang Nga, để đáp trả các đòn trừng phạt của châu Âu, Nga quyết định hạn chế hoạt động của các chuyến bay thuộc hãng hàng không tới từ 36 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuyên bố của cơ quan nói trên nêu rõ: “Phù hợp với qui định của luật pháp quốc tế, để đáp trả lệnh cấm của các nước EU nhằm vào hoạt động của các chuyến bay dân sự của các hãng hàng không Nga hoặc đăng ký tại Nga, chúng tôi áp đặt hạn chế hoạt động của các hãng hàng không tới từ 36 quốc gia”.