Tổng thống Biden tránh trừng phạt lĩnh vực dầu khí của Nga

Mặc dù Tổng thống Mỹ Joe Biden đã áp đặt hàng loạt lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga nhưng có một lĩnh vực ông không ngăn chặn hoàn toàn đó là dòng khí đốt và dầu mỏ từ Nga.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Nhà Trắng ngày 24/2. Ảnh: AP

Hãng thông tấn AP (Mỹ) đánh giá Tổng thống Biden vẫn bảo vệ quyết định duy trì khả năng tiếp cận nguồn năng lượng của Nga nhằm “hạn chế tác động đối với người Mỹ về giá xăng”. Tuy nhiên, nhiều học giả, nghị sĩ và các nhà phân tích nhận định rằng việc không động chạm đến ngành công nghiệp vốn là “trái tim” của nền kinh tế Nga thực chất có thể mang lại lợi ích cho Moskva. Nga hiện nắm giữ 10% lượng cung dầu mỏ toàn cầu.

Nhà sử học Adam Tooze tại Đại học Columbia (Mỹ) nhận xét việc các chính khách tại Mỹ và châu Âu chọn lựa không đụng chạm đến ngành xuất khẩu năng lượng của Nga sẽ khiến Moskva cho rằng “phương Tây không thực sự dám chịu tổn thương vì vấn đề Ukraine”.

Lệnh trừng phạt mới mà nhà lãnh đạo Mỹ tuyên bố ngày 24/2 chủ yếu nhắm vào các ngân hàng Nga, hạn chế xuất khẩu công nghệ then chốt đối với phát triển quân sự và kinh tế Nga. Mỹ và châu Âu còn gia tăng mức độ trừng phạt khi vào ngày 26/2 tuyên bố kế hoạch đóng băng dự trữ của ngân hàng trung ương Nga và chặn một số tổ chức tài chính nhất định khỏi hệ thống tài chính SWIFT.

Chú thích ảnh
Tàu chở khí tự nhiên hóa lỏng tại cảng Prigorodnoye, Nga. Ảnh: AP

Tuy nhiên, các quy định do Bộ Tài chính Mỹ ban hành vẫn “bật đèn xanh” với giao dịch năng lượng Nga qua các ngân hàng không nằm tại Mỹ. Giới chức Mỹ cũng nhấn mạnh rằng các lệnh trừng phạt được thiết kế để đảm bảo gián đoạn thị trường năng lượng toàn cầu ở mức tối thiểu.

Lạm phát tại Mỹ đang ở mức đỉnh của 40 năm và phần lớn bắt nguồn từ giá khí đốt tăng. Điều này này phần nào gây ảnh hưởng đến Tổng thống Biden trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 sắp tới.

Chọn cách trừng phạt có thể khiến Tổng thống Biden phải đánh đổi các lợi ích chính trị ở trong và ngoài nước. Ông Biden đang cố gắng tạo cân bằng giữa trừng phạt Nga và lá phiếu củac cử tri Mỹ. Nhà lãnh đạo Mỹ nêu rõ: “Các gói trừng phạt của chúng ta được thiết kế đặc biệt để tạo điều kiện cho việc duy trì khả năng chi trả giá năng lượng (của người dân)”.

Tổng thống Biden đồng thời cũng phải tính tới nhu cầu của các đồng minh châu Âu. Khí đốt tự nhiên từ Nga chiếm tới 1/3 lượng tiêu thụ năng lượng hóa thạch ở châu Âu. Tờ TIME (Mỹ) đánh giá căng thẳng Ukraine đã làm trầm trọng thêm khủng hoảng giá nhiên liệu tồn tại từ năm 2021 tại "cựu lục địa" do thiếu hụt nguồn cung vì dịch COVID-19. 

Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen chỉ cho biết rằng EU sẽ nhắm đến ngành năng lượng Nga qua lệnh cấm các công ty của châu Âu chuyển công nghệ mà Moskva cần để năng cấp các nhà máy lọc dầu.

Ông Mark Finley tại Viện Chính sách Công Baker thuộc Đại học Rice (Mỹ) nhận định: “Chắc chắn Nga sẽ chịu nhiều tổn thất hơn nếu lĩnh vực năng lượng cũng được đưa vào lệnh trừng phạt. Tiền thuê mỏ và thuế dầu mỏ chiếm tới 40% doanh thu của chính phủ Nga”. Ông Finley cũng nhấn mạnh rằng trong những năm gần đây Nga đã dựa vào nguồn thu từ dầu mỏ và khí đốt để xây dựng kho dự trữ ngoại hối trên 600 tỷ USD. Trong khi đó, xung đột giữa Nga và Ukraine đang khiến giá dầu mỏ không ngừng tăng. Giá dầu đã vượt qua mốc 100 USD/thùng, mức cao kỷ lục trong hơn 7 năm qua.

Trong trường hợp thiếu nguồn cung khí đốt và dầu mỏ từ Nga, Mỹ dường như khó có thể nhanh chóng tăng sản lượng trong khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các nhà sản xuất liên minh, còn gọi là OPEC+, chưa chính thức cam kết tăng sản lượng. Thậm chí ngày 27/2 vừa qua, Saudi Arabia đã xác nhận cam kết của nước này về thỏa thuận OPEC+ với Nga. Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman khẳng định Saudi Arabia quan tâm đến sự ổn định và cân bằng của thị trường dầu mỏ cũng như giữ nguyên cam kết của nước này đối với thỏa thuận OPEC+.

Hãng thông tấn Reuters (Anh) cho biết OPEC+ dự kiến nhóm họp vào ngày 2/3. Nhiều khả năng OPEC+ vẫn duy trì kế hoạch bổ sung 400.000 thùng/ngày vào tháng 4 tới.

Cũng trong ngày 27/2, tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga cho biết đường ống dẫn khí đốt của Nga sang châu Âu qua Ukraine vẫn vận hành bình thường. Theo đó, lượng đặt hàng qua tuyến đường này trong ngày 27/2 là 107,5 triệu mét khối.

Hà Linh/Báo Tin tức
Ngân hàng trung ương Nga nỗ lực ứng phó các lệnh trừng phạt
Ngân hàng trung ương Nga nỗ lực ứng phó các lệnh trừng phạt

Để giảm thiểu những tác động của các biện pháp trừng phạt hà khắc do phương Tây áp đặt liên quan tới chiến dịch quân sự đặc biệt hiện nay tại Ukraine, ngày 27/2, Ngân hàng trung ương Nga đã công bố một loạt biện pháp hỗ trợ thị trường trong nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN