Theo tờ The Guardian (Anh), các biện pháp trừng phạt Nga nhằm vào các lĩnh vực tài chính, năng lượng và quân sự-công nghiệp cũng như các cá nhân và sự kiện thể thao.
Dưới đây là một số biện pháp mà Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Anh áp đặt. Ngoài ra, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Australia, New Zealand... cũng thực hiện các động thái tương tự.
Thụy Sĩ, quốc gia giữ vị thế trung lập trong suốt hai cuộc chiến tranh thế giới tới nay, đã quyết định thông qua các lệnh trừng phạt Nga giống như EU.
Lĩnh vực tài chính và kinh tế
EU, Mỹ, Anh và Canada đã nhất trí ngăn chặn Ngân hàng Trung ương Nga triển khai dự trữ quốc tế trị giá 640 tỷ euro.
EU đã cấm tất cả các giao dịch với Ngân hàng Trung ương Nga. Mỹ cũng đã thực hiện tương tự và bổ sung thêm Bộ tài chính Nga và quỹ tài sản quốc gia Nga vào danh sách trừng phạt.
Trên thực tế, Nga đã bị cấm tăng nợ chính phủ. Cổ phiếu của các thực thể thuộc sở hữu nhà nước Nga có thể không còn được niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán EU.
Một loạt ngân hàng của Nga cũng đang bị EU, Mỹ, Anh và Canada loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT. EU cho rằng điều này sẽ ngăn chặn các ngân hàng Nga hoạt động trên toàn thế giới và ngăn chặn xuất khẩu và nhập khẩu của Nga một cách hiệu quả.
Mỹ đã áp đặt biện pháp trừng phạt với 10 tổ chức tài chính hàng đầu của Nga (chiếm khoảng 80% lĩnh vực ngân hàng Nga), trong đó có ngân hàng lớn nhất là Sberbank (chiếm khoảng 30% ngân hàng Nga) và các công ty con. Sberbank và công ty con bị cấm thực hiện các giao dịch thông qua hệ thống của Mỹ.
Tài sản của nhiều ngân hàng Nga khác như VTB (ngân hàng lớn thứ hai Nga), Bank Rossiya và Promsvyazbank cũng đã bị ảnh hưởng khi EU, Anh, Mỹ và các nước khác đóng băng tài sản nghiêm ngặt hoặc hạn chế các ngân hàng này thực hiện hoạt động kinh doanh mới.
Các cá nhân Nga
Tài sản ở nước ngoài của Tổng thống Nga Vladimir Putin, Ngoại trưởng Sergei Lavrov và Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu đã bị phong tỏa ở EU, Mỹ và Anh. Tài sản của Giám đốc FSB Alexander Bortnikov, Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga Valery Gerasimov và các thành viên của Hội đồng An ninh Điện Kremlin cũng bị phong tỏa.
EU đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với tất cả 351 thành viên của Quốc hội Nga (Duma). Mỹ và Anh đang trừng phạt một số thành viên, tương tự như động thái của Australia, Nhật Bản và New Zealand.
Ít nhất 10 tỷ phú tài phiệt có quan hệ với chính quyền Nga nằm trong danh sách đóng băng tài sản và cấm nhập cảnh nhiều nước. Ví dụ như Andrey Patrushev (công ty dầu khí Rosneft), Petr Fradkov (Promsvyazbank), Yury Slyusar (United Aircraft), Boris Rotenberg (công ty đường ống dẫn khí đốt SMP), Denis Bortnikov (ngân hàng VTB) và Kirill Shamalov, chồng cũ của Katarina (con gái Tổng thống Putin).
Mỹ cũng đang trừng phạt các giám đốc điều hành của ngân hàng VTB và Sberbank. Canada và Australia đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với nhiều nhà tài phiệt Nga.
Anh đã áp đặt giới hạn 50.000 bảng Anh đối với tài khoản ngân hàng của công dân Nga tại Anh, còn EU giới hạn ở mức 100.000 euro đối với các ngân hàng thuộc Liên minh châu Âu.
Ngành công nghiệp và vận tải
Các hãng hàng không và máy bay tư nhân của Nga đã dần dần bị cấm vào không phận của Anh, EU, còn Mỹ đang xem xét hành động tương tự nhưng vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng.
Hãng hàng không Nga Aeroflot cho biết họ sẽ hủy tất cả các chuyến bay đến các điểm đến ở châu Âu. Nhiều hãng hàng không châu Âu cho biết họ đang tạm dừng các đường bay đến Nga.
Trên thực tế, Mỹ đã cấm công ty năng lượng Nga Gazprom, công ty đường ống dẫn dầu Transneft, công ty điện lực RusHydro, cũng như các công ty vận tải hàng hóa, đường sắt và viễn thông lớn nhất của Nga khỏi các thị trường tín dụng.
EU đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu máy bay và các bộ phận hàng không sang Nga, cấm xuất khẩu hàng hóa công nghệ cao như chất bán dẫn, máy tính, viễn thông, thiết bị an ninh thông tin và cảm biến. Các công ty có trụ sở tại Anh và EU cũng bị cấm xuất khẩu cho một loạt các công ty quốc phòng, hải quân, vận tải và truyền thông của Nga, bao gồm cả Cơ quan Nghiên cứu Internet ở St Petersburg.
Thể thao và các lĩnh vực khác
Trận chung kết UEFA Champions League đã được dời từ St Petersburg của Nga đến Paris.
FIFA và UEFA đã cấm các câu lạc bộ và đội tuyển quốc gia của Nga khỏi tất cả các giải đấu.
Giải vô địch Công thức 1 và tất cả các sự kiện trượt tuyết World Cup ở Nga đã bị hủy bỏ.
Nga đã bị cấm tham gia cuộc thi bài hát châu Âu Eurovision.
Nga đối phó với loạt biện pháp trừng phạt
Ngày 28/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh kinh tế đặc biệt nhằm đối phó với các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây. Theo Tass, Tổng thống Putin ký sắc lệnh kinh tế đặc biệt "do những hành động của Mỹ, nước ngoài và các tổ chức quốc tế không thân thiện và đi ngược lại luật pháp quốc tế, cũng như có liên quan đến những hạn chế đối với công dân và thực thể pháp lý Nga". Sắc lệnh này cũng nhằm bảo vệ các lợi ích quốc gia của Nga và phù hợp với luật pháp Liên bang Nga.
Bên cạnh đó, Tổng thống Putin cũng ban bố lệnh cấm người dân Nga gia hạn các khoản vay nước ngoài bằng tiền mặt từ ngày 1/3 và cấm người dân Nga chuyển ngoại tệ vào tài khoản hoặc gửi tiền tại các ngân hàng nước ngoài.
Điện Kremlin tuyên bố sắc lệnh kinh tế đặc biệt này sẽ không phải là đòn đáp trả duy nhất của Nga trước các đòn trừng phạt của phương Tây.
Cũng ngày 28/2, trong động thái nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt mới đây của các nước phương Tây, Nga đã ban bố lệnh hạn chế các chuyến bay của các hãng hàng không tới từ 36 nước và vùng lãnh thổ.
Theo Cơ quan Vận tải Hàng không Liên bang Nga, để đáp trả các đòn trừng phạt của châu Âu, Nga quyết định hạn chế hoạt động của các chuyến bay thuộc hãng hàng không tới từ 36 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuyên bố của cơ quan nói trên nêu rõ: “Phù hợp với qui định của luật pháp quốc tế, để đáp trả lệnh cấm của các nước EU nhằm vào hoạt động của các chuyến bay dân sự của các hãng hàng không Nga hoặc đăng ký tại Nga, chúng tôi áp đặt hạn chế hoạt động của các hãng hàng không tới từ 36 quốc gia”.
Các chuyến bay từ những nước nằm trong danh sách nói trên cần phải nhận được giấy phép đặc biệt do Cơ quan Vận tải Hàng không Liên bang Nga hoặc Bộ Ngoại giao Nga cấp.
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev ngày 26/2 cho biết, các lệnh trừng phạt chống Nga hiện nay có thể là lý do để Moskva xem xét lại quan hệ với tất cả các nước áp đặt trừng phạt. Theo ông Medvedev, phương Tây cũng đang đe dọa phong tỏa tiền của các công dân và công ty Nga ở nước ngoài, điều này sẽ chỉ dẫn đến một sự đáp trả tương ứng, cụ thể là phong tỏa tiền của người nước ngoài và công ty nước ngoài ở Nga.
Ngân hàng Trung ương Nga đã thông báo nâng lãi suất chủ chốt từ mức 9,5% lên 20%. Trong tuyên bố, Ngân hàng Trung ương Nga nêu rõ đây là biện pháp khẩn cấp trong bối cảnh các điều kiện bên ngoài đối với nền kinh tế Nga thay đổi mạnh. Biện pháp này sẽ đảm bảo tăng lãi suất tiền gửi lên mức cần thiết để bù đắp nguy cơ đồng nội tệ mất giá ngày càng lớn và các rủi ro về lạm phát.
Trong một nỗ lực khác nhằm hỗ trợ đồng ruble, Ngân hàng Trung ương Nga và Bộ Tài chính Nga cũng đã yêu cầu các công ty xuất khẩu của nước này bán 80% doanh thu bằng ngoại tệ trên thị trường. Động thái trên diễn ra trong bối cảnh tỷ giá đồng rubble tại Sàn giao dịch chứng khoán Moskva giảm xuống còn 90 rubble đổi được 1 USD và 101,19 rubble đổi được 1 euro.
Đây là những bước đi mới nhất trong loạt biện pháp của Nga nhằm hỗ trợ thị trường nội địa, ổn định tài chính và giá cả, bảo vệ các khoản tiết kiệm của người dân.