Là cường quốc hạt nhân duy nhất ở Liên minh châu Âu (EU), Tổng thống Pháp cũng thấy trước chủ quyền lớn hơn của châu Âu. Ông đã đề cập cụ thể đến tài sản hạt nhân của châu Âu và chỉ ra một sự khác biệt chính trong kỷ nguyên Chiến tranh Lạnh khi lá chắn hạt nhân của châu Âu chủ yếu được điều phối bởi Mỹ. Tại hội nghị, Tổng thống Macron nhấn mạnh: "Chúng tôi muốn một châu Âu có chủ quyền, nếu chúng tôi muốn bảo vệ công dân của mình, thì chúng tôi cần phải nhìn vào khía cạnh đó".
Việc Anh rời khỏi EU đã chuyển thêm phần trách nhiệm sang Pháp. Mặc dù Anh và Pháp vẫn là đối tác thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cùng với Mỹ và Đức, Pháp hiện là cường quốc hạt nhân duy nhất ở EU, điều này khiến Chính phủ Paris phải cân bằng chiến lược phòng thủ hạt nhân. Trong phiên trao đổi với chủ trì hội nghị Wolfgang Ischinger, ông Macron tin rằng, châu Âu cần phải mạnh mẽ nhiều hơn trong phòng thủ. Việc tăng cường phòng thủ là điều cần thiết “vì lý do chủ quyền”, “không phải là một dự án chống lại hay thay thế NATO”.
Theo ông Macron, an ninh chung ở châu Âu gồm hai trụ cột, một là trụ cột NATO và một là châu Âu phòng thủ. Tổng thống Pháp tin rằng, châu Âu yêu cầu "khả năng hành động" một cách độc lập, các vấn đề hạt nhân cần phải được quản lý khi hợp tác với NATO.
Ngoài ra, theo Tổng thống Macron, châu Âu phải tìm câu trả lời có chủ quyền trong việc bảo vệ khí hậu, sự phát triển của mạng di động 5G mới và trí tuệ nhân tạo. Châu Âu đã không thể đối phó với những vấn đề này trong nhiều năm.
Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer đã nhấn mạnh vai trò của Đức đối với an ninh thế giới. Theo bà, Đức và châu Âu đã nhìn ra một tình huống chiến lược ngày càng được quyết định bởi sự cạnh tranh giữa các cường quốc. Bà tuyên bố Đức không trung lập mà ở lại với phương Tây. Bộ trưởng Quốc phòng Đức kêu gọi Berlin phải hành động theo cam kết về sự xuất hiện mạnh mẽ hơn trong chính sách an ninh.