Phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich lần thứ 56 đang diễn ra ở thành phố Munich, Đức, ông Pompeo cho biết thông qua Tập đoàn Tài chính phát triển quốc tế và với sự ủng hộ của Quốc hội Mỹ, Washington dự định cung cấp tài chính lên tới một tỷ USD cho các quốc gia Trung và Đông Âu trong "Sáng kiến Ba Đại dương". Ông này khẳng định Mỹ sẽ khyến khích đầu tư tư nhân trong lĩnh vực năng lượng.
Cam kết được đưa ra trong bối cảnh Mỹ quyết liệt phản đối dự án đường ống dẫn "Dòng chảy phương Bắc 2", cho phép nâng gấp đôi công suất vận chuyển khí đốt từ Nga sang Đức. Washington cáo buộc hệ thống ống dẫn này sẽ góp phần làm gia tăng ảnh hưởng của Nga trong các vấn đề an ninh và kinh tế ở Tây Âu.
Trong bài phát biểu, Ngoại trưởng Mỹ cũng bác bỏ quan ngại của các quốc gia phương Tây rằng Mỹ đang rút dần vai trò trên trường quốc tế, đồng thời khẳng định lo ngại mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương đang đi đến hồi kết là "thái quá". Một ngày trước đó, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier cho rằng Mỹ thậm chí còn không chấp nhận ý tưởng về một cộng đồng quốc tế và đang hành động bất chấp lợi ích của các quốc gia láng giềng cũng như các đối tác. Ông Pompeo khẳng định những phát biểu trên không phản ánh thực tế. Washington đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh cho EU thông qua việc củng cố lực lượng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và đi đầu trong nỗ lực đa quốc gia nhằm đánh bại tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng.
Hội nghị An ninh Munich là sự kiện thường niên thu hút sự tham gia của nhiều lãnh đạo, tư lệnh và nhà ngoại giao trên toàn thế giới để thảo luận về các thách thức an ninh thời đại. Sự kiện năm nay có sự tham gia của khoảng 40 nguyên thủ quốc gia và 100 bộ trưởng từ khắp nơi trên thế giới, đại diện của NATO một số thành viên của Ủy ban châu Âu, đại diện các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức quốc tế và nhiều lãnh đạo các doanh nghiệp quốc tế.
Hội nghị lần này được tổ chức nhằm tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề nóng, trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến phức tạp về chính trị như căng thẳng leo thang gần đây giữa Mỹ và Iran, xung đột giữa Israel và Palestine, các cuộc xung đột tại Libya, Syria, vấn đề về Thỏa thuận hạt nhân Iran 2015; cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc, dự án Dòng chảy Phương Bắc 2… Ngoài ra, các thách thức toàn cầu cấp bách như vấn đề biến đổi khí hậu, và gần đây nhất là sự bùng phát của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 (nCoV)… cũng sẽ là nội dung trọng tâm của hội nghị, đặc biệt là các tác động của biến đổi khí hậu đối với chính sách an ninh và những điểm tương đồng giữa thương mại, phát triển công nghệ và an ninh quốc tế.