Pháp đề nghị cung cấp vũ khí cho Armenia

Ngày 3/10, khi đang thăm Armenia, Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna cho biết nước này sẽ cung cấp các thiết bị quân sự cho Armenia.

Chú thích ảnh
Ngoại trưởng Catherine Colonna phát biểu tại Paris, Pháp. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Theo mạng tin tức France 24, bà Colonna nói: “Pháp đã đồng ý ký kết các hợp đồng trong tương lai với Armenia, theo đó sẽ chuyển thiết bị quân sự tới Armenia để nước này có thể đảm bảo khả năng phòng thủ của mình”. Tuy nhiên, bà Colonna không cung cấp thêm nhiều thông tin chi tiết về các hợp đồng.

Pháp cũng sẽ tiếp nhận 4 người Armenia bị thương trong vụ nổ trạm xăng tuần trước ở Nagorny-Karabakh. Bà cho biết thông tin này sau khi đến bệnh viện Yerevan – nơi đang điều trị cho khoảng 300 người bị thương trong vụ nổ khiến ít nhất 170 người thiệt mạng.

Chuyến thăm của Ngoại trưởng Pháp diễn ra hai tuần sau khi Azerbaijan tái thiết lập quyền kiểm soát đối với Nagorny-Karabakh trong chiến dịch quân sự chớp nhoáng vào ngày 19/9 và kéo dài khoảng 24 giờ.

Chính quyền khu vực này đã chính thức giải tán vào ngày 28/9 trong khuôn khổ lệnh ngừng bắn. Khi lực lượng ở Nagorny-Karabakh hạ vũ khí, trên 100.000 thường dân Armenia ở đây đã rời đi. Con số này chiếm gần 90% dân số ước tính của Nagorny-Karabakh.

Theo hãng tin Armenpress, chính phủ Armenia sẽ cung cấp chỗ ở cho tất cả những người không có nơi ở.

Trong một lá thư gửi cho Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết nước này sẽ giúp giải quyết các nhu cầu nhân đạo.

Người dân ở Nagorny-Karabakh rời đi ồ ạt bất chấp ngày 25/9, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev cam kết rằng các quyền của người sắc tộc Armenia ở vùng Nagorny-Karabakh sẽ được bảo vệ. Trong cuộc gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, ông Aliyev cho biết: “Chúng tôi đã bắt đầu gửi viện trợ nhân đạo tới vùng Nagorny-Karabakh gồm nhiên liệu, thực phẩm và thuốc men. Điều này một lần nữa cho thấy cư dân Karabakh - bất kể sắc tộc đều là công dân của Azerbaijan. Quyền của họ sẽ được Nhà nước Azerbaijan đảm bảo. Tổng thống Aliyev cũng bày tỏ tin tưởng rằng tiến trình tái hòa nhập của người Armenia ở Nagorny-Karabakh vào xã hội Azerbaijan sẽ thành công.

Khu vực Nagorny-Karabakh nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, song có đa số dân cư là người gốc Armenia và muốn sáp nhập vào nước này. Việc này đã gây ra tranh chấp chủ quyền dai dẳng giữa hai nước láng giềng.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Armenia đối mặt yêu cầu nhượng bộ mới từ Azerbaijan và Thổ Nhĩ Kỳ
Armenia đối mặt yêu cầu nhượng bộ mới từ Azerbaijan và Thổ Nhĩ Kỳ

Azerbaijan và Thổ Nhĩ Kỳ hiện có cơ hội thúc đẩy ý tưởng về “hành lang Zangezur” qua Armenia từ thế mạnh, nhằm mở một "Con đường Tơ lụa" mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN