Trước đó, ngày 31/7, đại diện EU và đại sứ 15 quốc gia châu Âu đã gửi thư tới Bộ Ngoại giao Israel phản đối quyết định xây dựng khu định cư Givat Hamatos của chính phủ nước này.
Phản ứng sau động thái trên của EU, bà Hanan Ashrawi, thành viên của Ủy ban Điều hành Tổ chức Giải phóng Palestine, kêu gọi các nhà ngoại giao châu Âu "thông qua các quyết định hành động" nhằm ngăn chặn hành vi "trái phép, phổ biến và không bị trừng phạt" của Israel.
Bà nhấn mạnh: "Sự phản đối bằng lời không đủ để răn đe Israel". Quan chức trên cũng cảnh báo nếu được thực thi, kế hoạch của Israel sẽ khiến thành phố Jerusalem hoàn toàn không còn thuộc lãnh thổ của Palestine và chia đôi khu Bờ Tây.
Palestine cũng cho rằng các kế hoạch của Israel nhằm mở rộng các khu định cư ở quanh Maale Adumim "đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng tới sự toàn vẹn lãnh thổ và địa chính trị" của nhà nước Palestine tương lai.
Trước đó, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas cho biết chính quyền Palestine sẵn sàng nối lại các cuộc hòa đàm bị đình trệ nếu Israel dừng kế hoạch sáp nhập khu Bờ Tây. Nhà lãnh đạo Palestine cũng cho rằng nhiều nước cần bảo trợ các cuộc hòa đàm với Israel và cuộc đàm phán này phải dựa trên các nghị quyết quốc tế.
Trong khi đó, phía Israel cũng thông báo sẵn sàng đàm phán với Palestine, nhưng trên cơ sở kế hoạch hòa bình Trung Đông của Tổng thống Mỹ Donald Trump, một bản kế hoạch gây tranh cãi và vấp phải sự phản đối của Palestine và cộng đồng quốc tế.
Israel đã chiếm đóng Bờ Tây, bao gồm Đông Jerusalem, trong cuộc chiến tranh 6 ngày năm1967 và kiểm soát vùng lãnh thổ này cho đến nay. Tòa án Công lý quốc tế sau đó đã ra phán quyết khu Bờ Tây là vùng lãnh thổ bị chiếm đóng. Tuy nhiên, Israel coi đây là "vùng tranh chấp".
Trong khuôn khổ các chính sách được thực thi liên quan hoạt động chiếm đóng, Israel đã xây dựng một loạt khu định cư trên khắp Bờ Tây, bao gồm Đông Jerusalem. Cộng đồng quốc tế luôn coi đó là hành động bất hợp pháp theo luật pháp quốc tế. Vấn đề này là một trong những trở ngại lớn khiến các cuộc hòa đàm giữa Palestine và Israel luôn rơi vào bế tắc.
Chính phủ Israel có kế hoạch sáp nhập hơn 30% diện tích khu vực Bờ Tây, bao gồm Thung lũng Jordan, bắt đầu từ tháng 7, đồng thời có kế hoạch áp đặt chủ quyền đối với một số khu định cư Do Thái tại vùng lãnh thổ này. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ liệu Tel Aviv có áp dụng luật pháp của nước này đối với các vùng lãnh thổ tranh chấp ở Bờ Tây hay không và nếu có thì áp dụng ở khu vực nào.
Người Palestine và phần lớn cộng đồng quốc tế chỉ trích kế hoạch sáp nhập trên của Israel, coi đó là hành động vi phạm luật pháp quốc tế. Hiện có trên 450.000 người Israel sinh sống tại các khu định cư ở Bờ Tây và khoảng 200.000 người sống ở Đông Jerusalem. Tại Bờ Tây hiện có khoảng 2,8 triệu người Palestine sinh sống.