Văn phòng Tổng thống Pháp ngày 10/7 cho biết lời đề nghị trên được đưa ra trong cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo. Ông Macron "đã nhấn mạnh rằng động thái trên sẽ đi ngược lại luật pháp quốc tế và gây nguy hiểm cho giải pháp hai nhà nước trên cơ sở nền hòa bình thực sự và lâu dài giữa Israel và Palestine". Ông Macron cũng khẳng định Pháp tiếp tục cam kết với an ninh của Israel.
Đây là động thái mới nhất mà các nhà lãnh đạo thuộc Liên minh châu Âu đưa ra nhằm gây sức ép để ông Netanyahu từ bỏ kế hoạch trên. Các Bộ Ngoại giao Pháp và Đức, cùng với Bộ Ngoại giao Ai Cập và Jordan - nước Arab duy nhất ký thỏa thuận hòa bình với Israel - tuần này cảnh báo việc sáp nhập có thể "gây hậu quả" đến quan hệ ngoại giao giữa các nước này với Israel.
Trước đó, Thủ tướng Netanyahu đã ấn định thời hạn ngày 1/7 khởi động kế hoạch sáp nhập các vùng lãnh thổ ở Bờ Tây, theo đó sáp nhập hơn 30% diện tích khu vực Bờ Tây, bao gồm Thung lũng Jordan, đồng thời có kế hoạch áp đặt chủ quyền đối với một số khu định cư Do Thái tại vùng lãnh thổ này. Tuy nhiên, kế hoạch gây tranh cãi này dường như đã bị trì hoãn.
Ông Netanyahu và đối tác liên minh chính - lãnh đạo đảng Xanh Trắng Benny Gantz bất đồng về thời điểm bắt đầu triển khai kế hoạch sáp nhập trên. Thủ tướng Netanyahu muốn khởi động kế hoạch này từ ngày 1/7, trong khi ông Gantz muốn lùi đến thời điểm sau dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Sau cuộc gặp với Đặc phái viên Tổng thống Mỹ về tiến trình hòa bình Trung Đông Avi Berkowitz hôm 30/6, ông Netanyahu dường như đã nhượng bộ và cho biết Chính phủ Israel vẫn đang "xem xét" kế hoạch.
Kế hoạch trên cũng vấp phải sự phản đối và chỉ trích của người Palestine và phần lớn cộng đồng quốc tế, coi đó là hành động vi phạm luật pháp quốc tế.