Trong một tuyên bố, OPCW nêu rõ: “Hồi đầu tháng 12/2018, một đội tiền trạm đã đến Syria để thu thập thêm thông tin. Từ đó đến nay, công tác tham vấn với giới chức Syria vẫn đang diễn ra. Phái bộ Tìm kiếm Sự thật (FFM) của OPCW đã được triển khai từ đầu tháng 1/2019 để làm rõ sự thật liên quan đến các cáo buộc”. Đội điều tra của OPCW sẽ báo cáo những kết quả đạt được tới các nước thành viên.
Vụ tấn công tại Aleppo xảy ra hôm 24/11 năm ngoái. Theo người đứng đầu OPCW Fernando Arias, Chính phủ Syria đã đề nghị tổ chức này cử phái đoàn tìm kiếm sự thật đến hiện trường, cáo buộc phiến quân đã sử dụng đạn pháo chứa chất clo trong vụ tấn công.
Theo ông Arias, OPCW đã liên lạc với ban an ninh của Liên hợp quốc (LHQ) để đưa ra quyết định liệu có cử đội điều tra tới hiện trường hay không.
Theo quy định mới được đưa ra hồi tháng 6 năm ngoái, OPCW không chỉ có quyền xác định liệu có xảy ra vụ tấn công bằng vũ khí hóa học hay không mà còn được phép quy trách nhiệm.
Trước đó, Chính phủ Syria cáo buộc lực lượng phiến quân đã nã đạn chứa chất clo vào hai khu vực lân cận của thành phố Aleppo là al-Khalidiye và Al Zahraa cùng với Phố Nile. Theo truyền thông Syria, khoảng 107 người đã phải nhập viện trong tình trạng khó thở và những triệu chứng đặc trưng của nhiễm độc.
Trong khi đó, người phát ngôn Lực lượng Phòng vệ phóng xạ, hóa học và sinh học của quân đội Nga Konstantin Potyomkin cho rằng các phần tử thuộc nhóm khủng bố Tahrir Al-Sham (tiền thân là Mặt trận al-Nusra) đã sử dụng đạn pháo cỡ 120 mm bên trong chứa chất độc. Bộ Quốc phòng Nga cho hay có 46 người, trong đó có 8 trẻ em, đã bị thương trong vụ tấn công hóa học trên.
Ngay sau khi xảy ra vụ việc, quân đội Nga đã điều các chuyên gia hóa học tới Aleppo để điều tra. Hiện các chuyên gia đang tiến hành phân tích các mẫu thử tại một phòng thí nghiệm ở căn cứ không quân Hmeimim để xác định hàm lượng hóa chất sử dụng trong vụ tấn công của phiến quân.
Cuộc xung đột ở Syria nổ ra từ năm 2011 và đến nay đã làm hơn 360.000 người thiệt mạng và hàng triệu người Syria phải đi lánh nạn. Trong hơn 7 năm diễn ra nội chiến, quân chính phủ và phe đối lập thường xuyên cáo buộc lẫn nhau sử dụng vũ khí hóa học gây ảnh hưởng đến dân thường.